Chị H.T.A (43 tuổi, quê Bắc Ninh) thời gian trước bị mụn trứng cá vùng ngực để lại sẹo lồi. Chị đã tới một spa gần nhà và được tư vấn kỹ thuật điều trị 1 lần duy nhất. Nhân viên spa nói với chị A kỹ thuật điều trị sẹo 1 lần duy nhất, điều trị “siêu tốc” không đau.
Với mong muốn được điều trị khỏi chị A đã đóng 30 triệu bao gồm cả tiền thuốc để sử dụng liệu trình. Sau khi làm xong chi mới được biết nhân viên đã tiêm tê, để cắt sẹo, chị rất lo lắng vì từng được bác sĩ tư vấn không được “động dao kéo vào vết sẹo”.
Sau khi cắt sẹo, nhân viên đã khuyên trị hàng ngày đến truyền để giảm đau và lành sẹo, chị A tiếp tục đóng tiền để truyền hàng ngày.
Sau 10 ngày cắt chỉ, sẹo bắt đầu có xu hướng ngứa và lồi lại, chị A tiếp tục theo dõi 2 tháng thì sẹo to gấp 2-3 lần ban đầu, sẹo ngứa và đau nhức…chị quay lại thì spa đã đóng cửa.
BSCKII Nguyễn Tiến Thành, Hội Da liễu Việt Nam cho biết, bệnh nhân đến khám trong tình trạng vết sẹo lồi kích thước 6 x 8 cm ở vùng ngực, vết sẹo cũ, sẹo mới chồng lên nhau chằng chịt, bệnh nhân đang than phiền về tình trang ngứa nhức, sẹo có xu hướng ngày càng phát triển lan rộng.
“Cần phân biệt sẹo lồi với sẹo phì đại. Sẹo phì đại xuất hiện sớm trong 1-2 tháng sau tổn thương da, thường có màu hồng đỏ, phát triển nổi gồ lên khỏi mặt da nhưng không lan ra ngoài tổn thương ban đầu, sẹo có tự xẹp dần sau 6 tháng – 2 năm. Sẹo lồi có thể xuất hiện ở vị trí bất kỳ nhưng thường gặp ở ngực, vai, lưng trên, trước xương ức, dái tai, sẹo phát triển cao và rộng vượt ra ngoài thương tổn ban đầu, thường không thoái triển, điều trị khó, tỷ lệ tái phát cao”, BS Thành cho biết.
Tình trạng sẹo lồi khiến người phụ nữ mất 30 triệu tiền oan
Vị chuyên gia cho biết thêm, sẹo lồi có màu hồng, nâu hoặc đỏ, mật độ mềm hoặc cứng, một số co kéo gây đau, giới hạn vận động, sẹo có nhiều hình dạng khác nhau, ở dái tai thường chắc và tròn, trên các bộ phận khác của cơ thể thường có bề mặt phẳng hơn, một số trường hợp có thể có cuống (ở tai, lưng…)
Theo bác sĩ Thành, đối với từng hình thái sẹo sẽ có cách điều trị riêng. Cụ thể sẹo lồi và sẹo phì đại là kết quả của sự tăng sinh quá mức của mô đối với những tổn thương da, đặc trưng bởi sự tăng sinh nguyên bào sợi tại chỗ và sản xuất quá mức collagen.
Sẹo lồi là những khối u dạng sợi vượt ra ngoài vùng tổn thương ban đầu đến vùng da bình thường lân cận, sẹo không tự thoái triển và thường tái phát sau điều trị. Sẹo phì đại có thể có biểu hiện lâm sàng tương tự, nhưng trái lại với sẹo lồi, vẫn giới hạn trong ranh giới của vết thương và có xu hướng tự thoái triển theo thời gian.
Sẹo lồi thường xuất hiện sau các tổn thương da như mụn trứng cá, nhiễm trùng tại chỗ, bỏng, phẫu thuật, chấn thương. Với đặc tính diễn tiến lan ra vùng da lành xung quanh, sẹo lồi gây ảnh hưởng nặng nề lên chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Phương pháp điều trị sẹo lồi khá đa dạng, đầu tiên có thể kể đến phương pháp tiêm thuốc nội sẹo với các thuốc như triamcinolone, bleomycin...
Ngoài ra còn có phương pháp áp lạnh bằng nitơ lỏng; sử dụng phối hợp với các loại laser như laser CO2, Laser Fractional, Laser Vbeam, Laser xung dài…Và không có phương pháp nào điều trị 1 lần là khỏi sẹo lồi.
Hiện nay phẫu thuật cắt bỏ là phương pháp ngoại khoa, hạn chế áp dụng, chỉ định trong một số trường hợp đặc biệt như: sẹo lồi ngày càng to phát triển quá mức, có sức căng lớn; sẹo co cứng, gây hạn chế vận động; sẹo lồi lớn có cuống, sẹo ở tai hoặc khi thất bại với các phương pháp khác. Và sau phẫu thuật sẹo có nguy cơ phát triển to hơn nhiều lần so với ban đầu. Tuy nhiên, phương pháp này không nên áp dụng đơn độc mà cần phối hợp điều trị bảo tồn sau đó.
Theo khuyến cáo của các chuyên da da liễu có thể áp dụng các biện pháp điều trị sẹo lồi và sẹo phì đại như: Thứ nhất tiêm nội sẹo (corticosteroid, bleomycin, 5-FU, interferon alfa-2b, verapamil), laser, phẫu thuật, xạ trị…, phối hợp các phương pháp: liệu pháp áp lạnh, silicon, băng áp lực.
Với trường hợp của chị A bác sĩ Thành chỉ định điều trị đa trị liệu: tiêm nội tổn thương, kết hợp công nghệ laser màu, Yag xung dài để giảm quá trình tăng sinh, phát triển sẹo, giảm triệu chứng ngứa, đau và kích thước, độ cứng và màu đỏ của sẹo.
Hiện tại sau khoảng 4-5 buổi điều trị, chị A không còn thấy đau nhức, ngứa tại vết sẹo, sẹo cùng giảm kích thước trên 50%.
Sau khoảng 4-5 buổi điều trị, chị A không còn thấy đau nhức, ngứa tại vết sẹo, sẹo cùng giảm kích thước trên 50%
Bác sĩ Tiến Thành lưu ý, nếu cơ thể dễ bị sẹo lồi hoặc có người thân trong gia đình đã bị sẹo lồi nên thận trọng trong việc thực hiện các việc sau để ngăn ngừa sự hình thành sẹo lồi:
- Không xỏ lỗ tai, xỏ khuyên trên cơ thể
- Không xăm mình, thủ thuật thẩm mỹ (nếu muốn phẫu thuật, cần liên hệ bác sĩ da liễu kiểm tra da trước khi phẫu thuật để tránh nguy cơ gây sẹo lồi)
- Chăm sóc mọi vết thương ngay lập tức (dù vết thương nhỏ) để giúp da nhanh lành, giảm nguy cơ để lại sẹo (liên hệ bác sĩ da liễu để được hướng dẫn cụ thể về cách chăm sóc, băng bó vết thương đúng cách). Hạn chế cào gãi, ma sát vào tổn thương sẹo
- Nếu có vết sẹo lồi hay sẹo xấu bạn nên đến thăm khám trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa, không nên điều trị tại các cơ sở không uy tín tránh tiền mất tật mang.