Theo thông báo chính thức từ Microsoft, người dùng Windows 10 sẽ không còn nhận được các tính năng mới của bộ ứng dụng Microsoft 365 (Office) kể từ tháng 8/2026. Đây là bước tiếp theo trong lộ trình chấm dứt hỗ trợ đối với hệ điều hành Windows 10, dự kiến kết thúc hoàn toàn vào tháng 10/2025.
Trong khi các bản vá bảo mật vẫn được cung cấp cho Microsoft 365 trên Windows 10 đến tháng 10/2028, công ty xác nhận rằng những cải tiến và tính năng mới sẽ dừng lại. Điều này đồng nghĩa với việc người dùng sẽ phải nâng cấp lên Windows 11 nếu muốn tiếp tục sử dụng đầy đủ các chức năng mới của Microsoft 365.
Cụ thể, từ tháng 8/2026, người dùng Microsoft 365 Cá nhân, Gia đình và các khách hàng doanh nghiệp sử dụng kênh hiện tại (Current Channel) sẽ ngừng nhận các bản cập nhật tính năng. Người dùng kênh doanh nghiệp hàng tháng (Monthly Enterprise Channel) sẽ bị ảnh hưởng từ ngày 13/10/2026, trong khi nhóm sử dụng kênh doanh nghiệp nửa năm (Semi-Annual Enterprise Channel) sẽ không còn nhận được nâng cấp từ ngày 12/1/2027.
Microsoft đang trong lộ trình chấm dứt hỗ trợ đối với hệ điều hành Windows 10
Trước đó, vào đầu năm 2024, Microsoft đã điều chỉnh chính sách cập nhật bảo mật cho Office trên Windows 10. Tuy nhiên, đến thời điểm này, công ty mới chính thức xác nhận kế hoạch cắt giảm tính năng từ năm 2026.
Mốc thời gian này gắn liền với kế hoạch ngừng hỗ trợ hệ điều hành Windows 10, dự kiến kết thúc vào ngày 14/10/2025. Sau thời điểm đó, các máy tính chưa nâng cấp lên Windows 11 sẽ không còn nhận được các bản cập nhật hệ điều hành định kỳ. Tuy vậy, các ứng dụng Office trên Windows 10 vẫn tiếp tục nhận cập nhật bảo mật đến ngày 10/10/2028.
Dù Microsoft đã tích cực kêu gọi người dùng chuyển sang Windows 11, vẫn còn hàng triệu thiết bị đang chạy Windows 10 trên toàn cầu.
Để khuyến khích người dùng nâng cấp, gã khổng lồ phần mềm hiện cung cấp thêm một năm cập nhật bảo mật miễn phí cho các thiết bị kích hoạt tính năng Windows Backup.
Trước đó, thống kê của Statcounter phản ánh nỗi lo của Microsoft khi nhiều người dùng vẫn chưa nâng cấp lên hệ điều hành mới. Vào tháng 12/2024, báo cáo cho thấy thị phần Windows 10 thậm chí không giảm mà còn tăng lên 62,7% so với tháng trước đó, trong khi Windows 11 giảm còn 34,12%. Số người dùng 240 triệu cũng không thay đổi đáng kể so với hai năm trước đó.
Việc dừng cập nhật phần mềm, bản vá bảo mật sẽ gây ra nhiều rủi ro về an toàn thông tin. Công ty Mỹ ví điều này giống như việc để cửa trước của căn nhà hé mở. Hệ thống không có bản cập nhật dễ bị phần mềm gián điệp hoặc độc hại tấn công hơn, đặc biệt với các virus nhằm vào lỗ hổng mới sau khi nhà sản xuất dừng nâng cấp.
Microsoft tuyên bố Windows 11 được tạo ra để cải thiện các giao thức bảo mật, hiệu suất, tốc độ và hiện đại hóa với AI tích hợp. Đây được coi là phiên bản thay thế xứng đáng cho Windows 10, hệ điều hành đã hơn 10 năm tuổi.
Để biết máy tính mới có hỗ trợ Windows 11 hay không, người dùng có thể tải phần mềm PC Health Check do chính Microsoft phát hành. Tại đây, ứng dụng sẽ thông báo chi tiết các điều kiện và phần cứng đang có liệu có thể thích hợp cho việc nâng cấp hệ điều hành mới hay không.
Windows 11 yêu cầu thiết bị thế hệ mới như tích hợp chip TPM 2.0, bộ xử lý được hỗ trợ. Đa số máy tính cũ không tương thích vì hai lý do kể trên. Tuy có một số mẹo để bỏ qua yêu cầu về TPM 2.0, nhiều chuyên gia đưa ra lời khuyên người dùng nên nâng cấp phần cứng để chạy hệ điều hành mới, tránh các rắc rối về sau liên quan đến bảo mật.