Dầu ăn là nguyên liệu được sử dụng thường xuyên trong mỗi gia đình. Tuy nhiên, chọn dầu ăn nào để tốt cho sức khỏe cả gia đình thì không phải ai cũng biết.
Mỗi loại dầu ăn đều có “điểm bốc khói” khác nhau. "Điểm bốc khói" là nhiệt độ mà dầu bị phân hủy, bốc khói và sản sinh các hợp chất độc hại.
Khi nấu nướng (đặc biệt là chiên), nếu nhiệt độ vượt quá "điểm bốc khói", dầu sẽ bị cháy và có mùi khét, làm cho các thành phần dinh dưỡng trong thức ăn bị phá hủy. Vì vậy theo các chuyên gia dinh dưỡng, mỗi gia đình nên "trang bị" hai loại dầu ăn trong bếp để dễ dàng linh hoạt chế biến các món ăn.
Các loại dầu tốt cho sức khỏe. Ảnh minh họa |
Đó là dầu tinh luyện như dầu cọ, dầu hạt cải... được chiết xuất bằng nhiệt, loại bỏ nhiều axit béo nên có điểm bốc khói cao, thích hợp với các món chiên xào.
Các loại dầu đậu nành, dầu mè, dầu ô-liu giàu dinh dưỡng có điểm bốc khói thấp phù hợp để ướp thực phẩm, trộn salad, nấu súp giúp bữa ăn an toàn và tăng cảm giác ngon miệng.
Chú ý bất kỳ loại dầu ăn nào cũng không nên đun ở nhiệt độ quá cao (trên 180 độ C), để món ăn không cháy và giảm giá trị dinh dưỡng.
Màu sắc dầu ăn đậm hay nhạt cũng do đặc tính tự nhiên. Ví dụ như dầu đậu nành có màu vàng nhạt, dầu mè thơm có màu nâu cánh gián, dầu gạo lại mang màu vàng sẫm, dầu ôliu có màu vàng ngả xanh... Khi lựa chọn, nên căn cứ vào đặc tính màu sắc tự nhiên của loại dầu ăn đó để lựa chọn phù hợp.
Dầu ô-liu có màu vàng ngả xanh. Ảnh minh họa |
Tuy nhiên các bà nội trợ không nên ham rẻ mà dùng dầu ăn không nhãn mác, không đề cập hạn sử dụng. Các loại dầu này thường có hại cho sức khỏe, không đảm bảo vệ sinh, thậm chí là dầu dùng đi dùng lại nhiều lần.
Chuyên gia cho biết, dầu ăn tốt có độ sánh, mùi thơm nhẹ và trong suốt. Khi nhiệt độ xuống thấp, các loại dầu ăn sẽ bị đông. Mỗi loại dầu ăn có một điểm đông khác nhau.
Dầu đậu nành khó đông hơn so với các loại dầu ăn khác. Ảnh minh họa |
Có những loại dễ đông như dầu dừa, cọ; cũng có loại khó đông hơn như dầu đậu nành, hạt cải, hướng dương, gạo... Hiện tượng dầu ăn đông khi nhiệt độ hạ xuống thấp là đặc tính vật lý tự nhiên, không gây ra biến đổi hóa học, nên sản phẩm vẫn đảm bảo chất lượng, an toàn với sức khỏe.
Mỗi loại dầu có tỷ lệ thành phần axit béo no và axit béo không no rất khác nhau. Loại dầu nào có tỷ lệ axit béo không no nhiều thì loại dầu đó tốt hơn. Theo khoa học nghiên cứu thì dầu oliu là tốt nhất cho sức khỏe sau đó đến dầu vừng, dầu ngô, dầu đậu nành, dầu hướng dương, dầu hạt cải, dầu cọ, dầu dừa.
Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Bạch Mai - Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: “Trong chế độ dinh dưỡng, chất béo đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động cơ thể. Tuy nhiên, việc hấp thu các loại chất béo no và không no cần đảm bảo cân bằng với liều lượng phù hợp; đồng thời ưu tiên các nhóm acid béo lành mạnh như omega 3, 6, 9 có trong cá hồi, một số loại hạt và đặc biệt là dầu gạo”.
Dầu gạo chứa các nhóm acid béo lành mạnh. Ảnh minh họa |
Dầu gạo khá được ưa chuộng ở Mỹ, Nhật, Australia... Đây là loại dầu thực vật trích ly từ lớp vỏ cám hạt gạo, có hàm lượng dưỡng chất chống oxy hóa tự nhiên cao. Đặc biệt, gamma-oryzanol trong dầu gạo làm chậm quá trình lão hóa tế bào, giảm cholesterol, đẩy lùi nguy cơ bệnh tim mạch.
Bích Nga (T/h)