Bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành (SN 1984, trú tại phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) đang phải hầu tòa do cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt hơn 433 tỷ đồng, trong đó có 3 ngân hàng cũng là “nạn nhân” của Thành.
Tiếp tay cho Thành còn có 25 bị cáo khác, trong số ấy có 17 bị cáo từng là cán bộ, nhân viên ngân hàng cũng bị truy tố và đưa ra xét xử về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự và Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng.
"Siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành và các bị cáo liên quan.
Tại Bản cáo trạng dài hơn 170 trang nêu rõ, khoảng năm 2016 - 2018, Nguyễn Thị Hà Thành kinh doanh tự do nhưng thua lỗ nên nhiều lần vay tiền với lãi suất cao của các cá nhân theo cách "vay người sau trả cho người trước".
Do trả nợ đúng hạn nên thời gian đầu, Thành tạo được lòng tin đối với người cho vay và cán bộ ngân hàng. Qua các quan hệ xã hội, Thành còn tìm được nhiều người đến ngân hàng gửi tiết kiệm số tiền lớn, sau đó lấy tư cách cá nhân hoặc nhờ người khác đứng tên trên các “Hợp đồng tín dụng”, vay các ngân hàng.
Khoảng thời gian này, các ngân hàng đều coi Thành là khách hàng “VIP”. Thực tế Thành không hoạt động kinh doanh, "chỉ vay tiền người sau trả người trước" nên từ ngày 5/6/2018 – 26/11/2018, Thành mất khả năng thanh toán với các khoản nợ đến hạn. Từ đó, bị cáo nhiều lần gian dối, chiếm đoạt 433 tỷ đồng của 3 ngân hàng và các cá nhân.
Trả lời thẩm vấn của HĐXX, Nguyễn Thị Hà Thành thừa nhận nhiều nội dung trong cáo trạng truy tố mình là đúng. Thành khai mình thực hiện hành vi một mình, không có sự bàn bạc với ai và một mình hưởng lợi.
Điều đáng nói là chính một số cán bộ ngân hàng lại được xác định là “tiếp tay” cho siêu lừa để “rút ruột” chính nơi mình đang làm việc.
Cụ thể, tại ngân hàng VietABank, các bị cáo Nguyễn Thị Thu Hương, Quản Trọng Đức… đã giúp sức cho Thành thực hiện 21 vụ lừa đảo, chiếm đoạt gần 274 tỷ đồng của ngân hàng này và 63 tỷ đồng của nhiều cá nhân khác.
Tương tự, VKS cáo buộc bị cáo Quản Trọng Đức và thuộc cấp đã giúp sức cho Hà Thành cùng đồng phạm chiếm đoạt của VietABank gần 274 tỷ đồng.
Cũng có hành vi “tiếp tay” cho Thành “rút ruột” của Ngân hàng NCB, bị cáo Nguyễn Hồng Trung (40 tuổi, chuyên viên cao cấp tại Trung tâm giao dịch Vạn Xuân) khai ban đầu, Hà Thành vay tiền bằng thế chấp tài sản, nên khi thẩm định tài sản chỉ cần thực hiện một lần.
Tuy nhiên, đến những lần vay sau, bị cáo Trung không thẩm định lại trước khi ký. “Bị cáo không làm sai, cũng không được hưởng lợi gì bởi đó là quy định của ngân hàng”, bị cáo Trung khai.
VKS cáo buộc, khi tiếp nhận hồ sơ, Nguyễn Hồng Trung không gặp gỡ khách hàng, chủ sở hữu tài sản bảo đảm, không thẩm định chủ sở hữu có đồng ý dùng tài sản để bảo đảm cho khoản vay Công ty Jeongho Landmark không, đồng thời phải giải thích cho họ hiểu rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của bên bảo đảm trong trường hợp bên vay vi phạm nghĩa vụ ngân hàng.
“Do thiếu sót trong thẩm định tài sản nên Trung không phát hiện việc Công ty Eurocell đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp”, cáo trạng nêu.
Dự kiến phiên xử sẽ diễn ra trong nhiều ngày.
Tư Viễn