Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết nguy cơ mắc và triệu chứng tăng nặng do COVID-19 sẽ tăng theo độ tuổi. Vì thế, cơ quan này khuyến cáo những người từ 65 tuổi trở lên nên tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Theo VOV, Việt Nam hiện đang sử dụng các loại vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca, Pfizer, Moderna và Sinopharm.
Theo hướng dẫn của bộ Y tế, các loại vaccine nói trên đều được chỉ định tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên, riêng AstraZeneca theo hướng dẫn của nhà sản xuất được tiêm cho người trong độ tuổi từ 18 – 65, tuy nhiên người trên 65 tuổi, người có bệnh lý nền, bệnh mạn tính cần thận trong trong tiêm chủng).
Trong đợt tiêm chủng thứ 5 được triển khai từ tuần cuối tháng 7/2021 ở Hà Nội và TP.HCM, đối tương ưu tiên tiêm vaccine đã được điều chỉnh.
Hà Nội chủ trương tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho 13 nhóm đối tượng. Trong số đó, nhóm thứ 8 là những người mắc các bệnh mạn tính và người trên 65 tuổi.
TP.HCM tổ chức tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người trên 18 tuổi thuộc 15 nhóm đối tượng, trong đó 2 nhóm đứng đầu là người mắc bệnh nền được điều trị ổn định và người trên 65 tuổi (theo nguyên tắc ưu tiên trên 80 tuổi, từ 70 đến 80 tuổi, trên 65 tuổi).
Vậy người cao tuổi và có bệnh nền nên lưu ý điều gì khi đi tiêm vaccine ngừa COVID-19?
Theo bác sĩ Nguyễn Tấn Phát, Trạm Y tế phường Tân Quý (TP.HCM), các cụ già, nhất là những cụ có bệnh nền cần được khám cẩn thận và kỹ lưỡng trước khi tiến hành tiêm. Các cụ có bệnh nền đang được điều trị ổn mới được chỉ định tiêm.
Bác sĩ Phát cho biết thêm, trước khi tiến hành tiêm vaccine, các nhân viên y tế cũng cần hỏi kỹ về tiền sử dị ứng thuốc và thức ăn, đồng thời theo dõi chặt 30 phút sau tiêm.
“Đặc biệt, đối với các cụ cao tuổi, việc động viên, nâng đỡ tinh thần là rất quan trọng. Nhân viên y tế cần giải thích cho các cụ hiểu về lợi ích của tiêm vaccine giúp các cụ có miễn dịch phòng chống nhiễm bệnh cho bản thân và gia đình”, bác sĩ Phát cho hay.
Người lớn tuổi, nhất là những người có bệnh nền cần được khám cẩn thận và kỹ lưỡng trước khi tiến hành tiêm vaccine ngừa COVID-19. Ảnh minh họa: Bộ Y tế
Trong khi đó, các chuyên gia cũng lưu ý hệ miễn dịch của nhóm người cao tuổi và có bệnh nền đã suy giảm so với người trẻ tuổi. Vì vậy, nhóm đối tượng này nên khám sàng lọc kỹ lưỡng.
Bên cạnh đó, nhóm đối tượng này cũng cần uống thuốc điều trị bệnh lý, đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ, thực hiện nghiêm các hướng dẫn phòng, chống dịch, nhất là khẩu hiệu 5K. Bác sĩ căn cứ vào tình hình sức khỏe của người cao tuổi và có bệnh nền để quyết định có tiêm vaccine ngừa COVID-19 hay không.
Người cao tuổi cần lưu ý gì sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19?
Báo Giao Thông dẫn thông tin từ bác sĩ Nguyễn Hiền Minh, Đơn vị tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cho biết người cao tuổi, người có bệnh nền cần lưu ý những điểm này sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19:
Người được tiêm chủng cần ở lại điểm tiêm 30 phút sau khi tiêm vaccine. Người lớn tuổi không nên tự đi xe về nhà sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Những người lớn tuổi cần tiếp tục tự theo dõi tại nhà 28 ngày sau khi tiêm chủng, đặc biệt là trong 7 ngày đầu. Đặc biệt, người lớn tuổi luôn cần có người hỗ trợ bên cạnh 24/24h, ít nhất trong vòng 3 ngày đầu sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Vaccine COVID-19 có thể gây ra các tác dụng phụ như sưng, đỏ và đau ở chỗ tiêm, đau cánh tay, nhức mỏi cánh tay… Đa số các phản ứng thường gặp sau tiêm vaccine là nhẹ và tự khỏi sau 1 – 3 ngày.
Người được tiêm chủng cần lưu ý không bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì lạ (đắp lá cây, dầu gió, trứng gà...) vào chỗ sưng đau vì có nguy cơ kích thích phản ứng viêm hay nhiễm trùng.
Để giảm đau và cảm giác khó chịu ở vị trí tiêm, người được tiêm chủng có thể áp khăn sạch, mát và ẩm lên vùng sưng đỏ, tập thể dục hoặc mát xa nhẹ nhàng cho cánh tay. Mọi người cũng có thể sử dụng thuốc giảm đau, thuốc kháng dị ứng theo hướng dẫn của bác sĩ tiêm chủng. Người được tiêm cần tiếp tục theo dõi, nếu sưng to nhanh thì đi khám ngay.
Khi thấy xuất hiện các phản ứng toàn thân như sốt, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, buôn nôn, mọi người nên uống nhiều nước, mặc trang phụ nhẹ nhàng, thoáng mát. Ngoài ra, cần đo nhiệt độ thường xuyên.
Trong trường hợp sốt dưới 38,5 độ C, người được tiêm chủng nên cởi bớt, nới lỏng quần áo, chườm/lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn. Bên cạnh đó, cần uống đủ nước, không để nhiễm lạnh. Đo lại nhiệt độ sau 30 phút.
Nếu thấy sốt từ 38,5 độ C trở lên, cần uống thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Trong trường hợp không cắt được cơn sốt hoặc sốt lại trong vòng 2 tiếng, hãy thông báo ngày cho nhân viên y tế, đồng thời đến cơ sở y tế gần nhất.
Bổ sung thêm các viên sủi chứa vitamin và điện giải Upsa C 1g / Berocca / Re-Energize, uống 1 viên mỗi ngày sau ăn sáng hoặc sau ăn trưa.
Người được tiêm cũng cần nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc, không nên uống rượu bia, chết kích thích ít nhất 3 ngày đầu sau khi tiêm. Nên ăm các thức ăn mềm, dễ tiêu hóa, chia nhỏ bữa ăn, đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ thịt, cá, trứng, sữa, tinh bột, rau xanh, trái cây…
Đinh Kim (T/h)