Một phần đường băng tại sân bay Goa ở Dabolim bốc cháy khi chiến đấu cơ MiG-29K của hải quân Ấn Độ bị rơi thùng nhiên liệu trong khi cất cánh.
Khói đen bốc lên cuồn cuộn từ sân bay Goa sau khi tiêm kích MiG-29K đánh rơi thùng nhiên liệu. Ảnh: RT |
Kênh RT (Nga) cho biết vụ việc xảy ra vào khoảng 14h ngày 8/6 (giờ địa phương). Thùng nhiên liệu bên ngoài của tiêm kích MiG-29K đã rơi xuống đường băng.
"Đây là những thùng nhiên liệu gắn thêm vào máy bay để giúp chúng bay khoảng cách xa hơn. Một thùng được gắn vào chiếc MiG-29K đã bị văng khỏi máy bay trong đợt xuất kích và rơi xuống đường băng", phát ngôn viên sân bay Goa cho biết.
Theo một quan chức sân bay quốc tế Dabolim, các nhân viên của Hải quân Ấn Độ đã có mặt, dọn sạch nhiên liệu trên đường băng và tiến hành sửa chữa nhỏ dọc theo đoạn đường thùng nhiên liệu rơi.
Sự cố trên khiến sân bay quốc tế Dabolim phải đóng cửa gần 2 giờ và hiện đã hoạt động trở lại.
Hải quân Ấn Độ vận hành tiêm kích MiG-29K trên tàu sân bay INS Vikramaditya và phi đoàn chiến đấu cơ này đóng tại Goa.
Tiêm kích MiG-29K. Ảnh: Getty |
MiG-29K là tiêm kích đa năng dành cho tàu sân bay do phòng thiết kế Mikoyan của Nga phát triển vào cuối thập niên 1970. Nó được xây dựng trên nền tảng tiêm kích đa nhiệm MiG-29M. Mikoyan gọi phiên bản MiG-29K là máy bay thế hệ 4++, tương đương với Su-35S của Sukhoi.
Phiên bản MiG-29K hoàn thiện được trang bị radar Zhuk-ME, có thể phát hiện mục tiêu trên không, trên biển và đất liền từ khoảng cách 120 km. Máy bay sử dụng tay lái tích hợp điều khiển (HOTAS), cho phép phi công vận hành các hệ thống trên máy bay mà không cần nhấc tay khỏi cần lái. Thông tin điều khiển được hiển thị trên các màn hình đa chức năng (MFD), thay vì đồng hồ cơ khí như MiG-29 nguyên bản.
MiG-29K được tích hợp kênh điều khiển tên lửa không đối không RVV-AE, cùng nhiều loại tên lửa chống hạm và diệt radar. Máy bay có thể sử dụng hàng loạt vũ khí dẫn đường có độ chính xác cao như Kh-29 hay KAB-500.
Mộc Miên (T/h)