Thông tin phản ánh tình trạng thủy sản trên địa bàn Hà Nội bị ô nhiễm kim loại nặng đã khiến cho nhiều bà nội chợ tỏ ra e ngại. Cục ATTP (Bộ y tế) đã vào cuộc để xác minh thông tin trên.
100\% mẫu cua không đạt chuẩn
Tại chợ Nghĩa Tân ở Cầu Giấy, chợ Thành Công ở Ba Đình (Hà Nội), các tiểu thương bán các loại thủy sản đang rất nhàn nhã vì giờ cao điểm chợ chiều nhưng hầu như các gian hàng đều rất vắng khách.
Chị Hà chuyên bán cua đồng tại chợ Nghĩa Tân, Cầu Giấy cho biết: “Thời tiết đã bắt đầu ấm, mấy hôm trước cua đồng bán được nhiều nhưng chẳng hiểu sao từ hôm qua đến nay thưa thớt hẳn. Trước đây mỗi ngày tôi bán vài chục cân nhưng từ sáng đến giờ chưa nổi 10kg cua”.
Kết quả khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Môi trường và cộng đồng cho thấy 100\% mẫu cua không đạt chuẩn |
Trước thông tin cua và một số thủy sản khác ở địa bàn Hà Nội bị nhiễm kim loại nặng, chị Hà tỏ ra ngạc nhiên: “Cua này nhập từ các tỉnh lân cận chứ có ở Hà Nội đâu mà sợ nhiễm kim loại. Thông tin thế này thì chết…”!
Tại gian hàng chuyên về ốc của chị Vũ, chợ Thành Công, chị Hải đang mua ốc nhồi về chế biến cũng cho hay, chị khá lo lắng trước thông tin trên vì các loại thủy sản như ốc, cua, cá rô đồng đều là những món gia đình chị thường xuyên sử dụng.
“Không biết thông tin chính xác đến đâu nhưng nếu là sự thật thì nhiễm bệnh hết à?”, chị Hải lo lắng.
Trước đó, theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và cộng đồng tại 120 hồ ao, đầm, thủy vực tại 6 quận trung tâm gồm Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa… chỉ có 6 hồ đạt tiêu chuẩn cho phép, còn lại ô nhiễm nặng. Các hồ này là nơi cung cấp thủy sản cho thị trường Hà Nội.
Khảo sát của đơn vị này cũng cho thấy thủy sản tại địa bàn Hà Nội theo đó cũng bị nhiễm độc chì nặng nhất là ốc, cua, trai… do sống ở tầng đáy với nhiều lớp bùn đọng “ngấm” kim loại nặng, chỉ có 25\% mẫu nghiên cứu đạt tiêu chuẩn.
Còn lại, lượng kim loại cao gấp từ 150-250\% tiêu chuẩn cho phép. Riêng cua thì 100\% mẫu không đạt chuẩn. Trong khi cá chép, rô phi, mè được coi là “an toàn” thì cũng có tới 50-60\% không đạt tiêu chuẩn do WHO đặt ra.
Cơ quan quản lý ATTP (Bộ Y tế) sẽ tiến hành xác minh thông tin thủy sản nhiễm kim loại nặng. Ảnh minh họa |
Sẽ tiến hành xác minh
Theo đại diện của cơ quan quản lý ATTP, Chi cục ATVSTP thành phố Hà Nội sẽ triển khai ngay việc phối hợp với Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản lấy mẫu giám sát thủy sản, sản phẩm thủy sản được sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Sau đó, các vật mẫu này sẽ được gửi đến Viện kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia để kiểm nghiệm các chỉ tiêu kim loại nặng (chì, thủy ngân, asen, cadimi) nhằm xác minh thông tin, đánh giá mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Cục ATVSTP yêu cầu, tổng hợp, báo cáo kết quả về Cục trước ngày 30/3/2014.
Đây có thể được coi là động thái khẩn trương, tích cực của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế trong bối cảnh tình trạng ô nhiễm thực phẩm ngày càng gia tăng.
Tuy nhiên, trước thông tin thủy sản nhiễm kim loại nhiều chuyên gia tỏ ra lo ngại với hàm lượng nhiễm độc cao như chrome, nikel có thể gây nhiễm độc gan, thận đồng thời làm tổn hại hệ hô hấp. Đặc biệt hàm lượng chì vào cơ thể với mức nào cũng có hại cho sức khỏe.
Theo TS. Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, để tránh ngộ độc kim loại và bảo vệ sức khỏe không bị nhiễm chì, asenic, thủy ngân, không có cách nào khác ngoài dừng sử dụng các loại thủy sản nhiễm kim loại để đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân và chính gia đình của mình.
Linh Chi (theo VietQ)