Sputnik đưa tin, cuộc tập trận “Aurora 23” sẽ kéo dài 3 tuần với có sự tham gia của khoảng 26.000 binh sĩ đến từ 14 quốc gia bao gồm Mỹ, Anh, Phần Lan, Ba Lan, Na Uy, Estonia, Latvia, Litva, Ukraine, Đan Mạch, Áo, Đức và Pháp.
Trung tá Henrik Larsson - người chịu trách nhiệm lên kế hoạch cuộc tập trận cho biết: "Mục tiêu của Aurora 23 là nâng cao khả năng phối hợp của Lực lượng vũ trang Thụy Điển để đối phó với các cuộc tấn công vũ trang vào Thụy Điển, đồng thời cùng các quốc gia khác đóng góp vào sự ổn định khu vực".
Các binh sĩ tham gia tập trận sẽ làm việc để tăng cường khả năng đối phó của Thụy Điển với mọi cuộc tấn công trên bộ, trên không và trên biển quy mô lớn. Hoàn thiện tổ chức Lực lượng Vũ trang quốc gia cũng là một mục tiêu quan trọng của cuộc tập trận vì quân đội Thụy Điển đã không tổ chức lãnh đạo các lữ đoàn 5.000 quân sĩ trong nhiều năm.
Thụy Điển tổ chức tập trận quân sự lớn nhất trong 3 thập kỷ. Ảnh: AFP
Ngoài ra, trọng tâm về hậu cần cũng sẽ được thực hiện trong cuộc tập trận với những phương pháp kiểm soát và chỉ huy sự quân đội cũng như các thiết bị mới đang được thử nghiệm. Sự hợp tác giữa các cơ quan dân sự và quân sự dự kiến cũng sẽ được tăng cường trong cuộc tập trận.
Được biết, cuộc tập trận trên sẽ được tiến hành trên không, trên mặt đất và trên biển ở các tỉnh Skane, Smaland và đảo Gotland thuộc vùng Baltic cũng sẽ bị ảnh hưởng đặc biệt.
Các đơn vị quân đội trên khắp Thụy Điển sẽ tham gia với các thiết giáp hạm ở cả quần đảo Stockholm và Gothenburg. Cuộc tập trận dự kiến chủ yếu sẽ sử dụng các khu vực tập trận và trường bắn của Lực lượng vũ trang Thụy Điển nhưng một số hoạt động cũng sẽ được tiến hành trên đất tư nhân.
Trong những năm gần đây, Thụy Điển đã tăng cường xây dựng quân đội nhiều hơn. Tháng 4/2022, quốc hội nước này đã đồng ý tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP (tăng từ 1,3% vào năm 2021). Thụy Điển cũng chấm dứt chính sách không liên kết quân sự bằng cách nộp đơn xin gia nhập Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cùng với nước láng giềng Phần Lan nhưng vấp phải sự phản đối từ Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước đó, Thụy Điển đã đưa quân trở lại Đảo Gotland thuộc vùng Baltic sau khi các chính trị gia cũng như các chuyên gia xác định đây có thể là điểm dễ bị tấn công đồng thời tuyên bố tái áp dụng lại luật nghĩa vụ quân sự.
Phương Uyên (Theo Sputnik)