Tạp chí Fortune đưa tin, năm 2022 xuất hiện với nhiều những "đám mây đen" ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu, bao gồm lạm phát cao kỷ lục, khủng hoảng năng lượng và cuộc xung đột Nga-Ukraine tàn phá thương mại thế giới. Lo lắng về những cuộc khủng hoảng này, một số tổ chức quốc tế đã đưa ra hồi chuông cảnh báo.
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) khắc họa một triển vọng ảm đạm cho thương mại và tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 do "những cơn gió ngược mạnh" của một cuộc suy thoái tiềm tàng. Do đó, cơ quan quản lý thương mại này cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế cho năm tới.
Đáng chú ý, vào đầu năm 2022, tăng trưởng thương mại đã tăng vọt vào đầu năm 2022. Theo đó, giá trị thương mại toàn cầu trong năm nay sẽ tăng 12%, lên gần 32.000 tỷ USD, Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho biết trong một báo cáo công bố hôm 13/12 (giờ địa phương).
Sự thúc đẩy thương mại là nhờ tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2022. Thương mại hàng hóa, hay giá trị của hàng hóa vật chất di chuyển vào và ra khỏi một quốc gia, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 25.000 tỷ USD. Thương mại dịch vụ cũng tăng 15% so với năm 2021, lên 7.000 tỷ USD.
Thương mại toàn cầu tăng mạnh trong nửa đầu năm 2022. Ảnh: Getty Images.
Báo cáo của UNCTAD cho biết, một phần lớn tăng trưởng thương mại là do giá các sản phẩm năng lượng tăng. Sự kết hợp giữa nhu cầu năng lượng cao hơn sau các đợt đóng cửa liên quan đến đại dịch COVID-19 vào giữa năm 2021 và nguồn cung dầu khan hiếm do chiến sự Ukraine đã đẩy giá năng lượng tăng lên đáng kể. Châu Âu đặc biệt phải gánh chịu chi phí năng lượng cao hơn do phụ thuộc nhiều vào năng lượng nhập khẩu.
Vào năm 2020, trước khi cuộc xung đột ở Ukraine bắt đầu, Nga chiếm khoảng 29% lượng dầu thô và 43% lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu vào EU.
Fortune trích dẫn phân tích về hoạt động thương mại của các nền kinh tế lớn trên thế giới ngoại trừ Nga cho thấy, tất cả quốc gia này đều hoạt động tốt hơn so với một năm trước. Nga đã phải đối mặt với các lệnh trừng phạt và hạn chế thương mại từ Mỹ và châu Âu sau chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2, điều này gây tổn hại cho nền kinh tế của quốc gia này.
Tuy nhiên, tăng trưởng thương mại toàn cầu dường như sẽ phải đón nhận tín hiệu tiêu cực trong nửa cuối năm 2022 và sang năm 2023.
Trong quý III/2022, thương mại hàng hóa và dịch vụ suy giảm khoảng 1% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành đã làm tốt hơn những ngành khác, chẳng hạn như may mặc và thiết bị văn phòng. Khi giá trị thương mại giảm, khối lượng thương mại đang tăng lên và có khả năng tiếp tục tăng cho đến cuối năm 2022, báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết.
WTO dự kiến giá trị thương mại được điều chỉnh theo lạm phát vào năm 2023 sẽ "xấu đi" do sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm giá hàng hóa tăng cao, tăng trưởng kinh tế yếu hơn trên toàn thế giới, nợ toàn cầu gia tăng và căng thẳng địa chính trị.
Báo cáo của UNCTAD có đoạn: “Mặc dù triển vọng thương mại toàn cầu vẫn chưa chắc chắn nhưng yếu tố tiêu cực dường như lấn át xu hướng tích cực”.
Con tàu đi qua một đoạn của Kênh đào Panama, một trong những tuyến đường thương mại nhộn nhịp nhất thế giới. Ảnh: UN News.
Trong bản cập nhật thương mại toàn cầu, UNCTAD nhận định, dù dịch vụ tăng 1,3% trong quý III, tổng giá trị trao đổi hàng hóa và dịch vụ sẽ giảm ở giai đoạn cuối năm. Nhu cầu đối với hàng hóa nhập khẩu vẫn khá vững trong năm 2022, với giá trị trao đổi tăng khoảng 3%.
Giao dịch thương mại của các nền kinh tế Đông Á cho thấy khả năng phục hồi nhưng đã bị tụt lại trong quý III/2022 tại khu vực Nam bán cầu.
Nhìn chung, “những xung đột địa chính trị, lạm phát kéo dài và nhu cầu toàn cầu thấp hơn dự kiến sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thương mại toàn cầu trong năm 2023”, UNCTAD nhấn mạnh trong một báo cáo.
Yếu tố tiêu cực
Trong số các yếu tố tiêu cực được UNCTAD đưa ra, có dự báo tăng trưởng kinh tế thấp hơn cho đến năm 2023 do giá năng lượng cao, lãi suất tăng, lạm phát kéo dài ở nhiều nền kinh tế và tác động trầm trọng của cuộc chiến ở Ukraine.
Giá linh kiện và hàng tiêu dùng dự kiến sẽ làm giảm nhu cầu nhập khẩu và dẫn đến khối lượng thương mại quốc tế giảm.
Mức nợ toàn cầu kỷ lục và lãi suất gia tăng, “đặt ra những lo ngại đáng kể về tính bền vững của nợ”, gia tăng áp lực đối với những chính phủ mắc nợ nhiều nhất và “tăng cường khả năng dễ bị tổn thương”.
Yếu tố tích cực
UNCTAD cho biết về mặt tích cực, các cảng và công ty vận tải biển đã điều chỉnh để thích ứng với tình trạng khủng hoảng chuỗi cung ứng do đại dịch COVID-19 gây ra, khi các tàu mới đi vào hoạt động và tình trạng tắc nghẽn cảng phần lớn đã được giải quyết.
Các hiệp định thương mại được ký kết gần đây như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) hay Hiệp định Thương mại Tự do Lục địa châu Phi (AfCFTA) sẽ tạo nên động lực và tạo bước đà tích cực cho toàn bộ hệ thống quốc tế.
UNCTAD cho biết rủi ro và sự không chắc chắn tiếp tục ở mức cao đối với chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung, nhưng những nỗ lực hướng tới xây dựng nền kinh tế toàn cầu xanh hơn dự kiến sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm bền vững với môi trường, đồng thời giảm nhu cầu đối với hàng hóa có hàm lượng carbon cao và nhiên liệu hóa thạch.
Bích Thảo (Theo UN News, Fortune)