(ĐSPL) - Chưa bao giờ, ý thức về việc gây dựng những giá trị tự hào của người Việt Nam lại được đề cập nhiều trên truyền thông như hiện nay.
Cùng với việc thay đổi ý thức và hành vi của người dân, các doanh nghiệp Việt Nam, nên chăng cũng phải cần có tầm nhìn lớn để vươn tầm, trở thành thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế?
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Dương Trung Quốc - Uỷ viên Hội đồng Di sản Quốc gia đã chia sẻ nhiều ý kiến thú vị.
|
Ông Dương Trung Quốc - Uỷ viên Hội đồng Di sản Quốc gia. |
- Theo ông, các doanh nghiệp Việt Nam có vai trò gì trong việc góp phần gây dựng và quảng bá hình ảnh đẹp của Việt Nam?
- Tôi nghĩ thế này, doanh nghiệp Việt Nam có trách nhiệm rất lớn trong vấn đề bảo tồn niềm tự hào dân tộc. Nói là trách nhiệm, nhưng cũng chính là quyền lợi của chính các doanh nghiệp đó.
Hãy tưởng tượng một chút về hành vi của người tiêu dùng: khi muốn mua một món đồ, bạn phải biết, phải quen, phải thích rồi mới mua món đồ đó. Trong quá trình biết, quen, thích rồi quyết định lựa chọn đó, nếu người tiêu dùng nhận thức được rõ ràng đó là một món đồ từ Việt Nam, mang thương hiệu Việt Nam, thì phải chăng người ta cũng sẽ thích, cũng tin tưởng các giá trị đến từ Việt Nam?
Một doanh nghiệp Việt Nam làm cho người tiêu dùng nước ngoài tin tưởng và yêu mến, rồi hai, ba, hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn doanh nghiệp như thế, chúng ta sẽ có được hàng trăm triệu bạn bè yêu mến sản phẩm đến từ Việt Nam.
Khi đã trở thành những giá trị được yêu mến chung, chính là các doanh nghiệp được hưởng lợi, vì người tiêu dùng nước ngoài dễ dàng lựa chọn các sản phẩm đến từ Việt Nam, xem “made in Vietnam” là một giá trị!
Thậm chí, những doanh nghiệp lớn phải đi đầu, để có thể trở thành những di sản của quốc gia, không chỉ là niềm tự hào của một thế hệ. Chính những doanh nghiệp đó sẽ là người tiên phong đem đến cái nhìn tốt đẹp của người tiêu dùng quốc tế với sản phẩm của Việt Nam và bản thân cũng khơi niềm tự hào cho chính người tiêu dùng Việt.
- Có vẻ như các nước bạn đã ý thức về việc xây dựng các thương hiệu gắn liền với niềm tự hào quốc gia từ cách đây rất lâu?
- Đúng là vậy. Hàn Quốc gắn với Samsung, Nhật Bản với Toyota, Thuỵ Sỹ với Swiss, Đức với Mercedes… Không người tiêu dùng nào mua các sản phẩm đó mà không biết đất nước sản sinh ra chúng. Những thương hiệu này, trước hết, là niềm tự hào của chính nhân dân nước họ, là di sản của đất nước họ.
Chúng ta cũng cần nhìn nhận rằng, những thương hiệu đại diện cho hình ảnh quốc gia đó, họ luôn phát triển trên giá trị thật, không ngừng cam kết và đảm bảo thực hiện những giá trị đó.
Những doanh nghiệp mang tầm quốc tế như vậy, họ luôn tự nhắc nhở mình về trách nhiệm giữ gìn niềm tự hào cho dân tộc. Bởi mỗi chiếc điện thoại, đồng hồ, ô tô... khi đến với tay người dùng ở nước ngoài, tự bản thân nó chính là đại diện cho tinh hoa của đất nước đó.
- Vậy theo ông, để trở thành một thương hiệu quốc gia, một thương hiệu Việt Nam cần có những yếu tố gì?
- Tôi nói ví von một chút, làng có lễ hội, yêu cầu mỗi nhà góp một món để đem ra thi thố, trao giải, thì nhà mình cần phải đem món gì đi thi?
Trước hết, món đó phải là món “tủ” của gia đình mình, với công thức riêng, không giống với bất kỳ nhà nào khác, quan trọng hơn nữa là món đó phải ngon, và được chính những người trong gia đình mình tự hào.
Nếu món đó được chế biến từ rau nhà mình trồng, gà nhà mình nuôi thì càng tuyệt, càng có bản sắc riêng. Giải thưởng chắc chắn sẽ được trao cho món nào ngon nhất, hương vị đặc sắc nhất, gia đình làm ra món đó có truyền thống nhất...
Một thương hiệu muốn nâng tầm thành thương hiệu quốc gia cũng như vậy, trước hết, đó phải là thương hiệu tạo ra sản phẩm được người Việt tự hào, mang tinh hoa, tâm hồn của của người Việt. Dĩ nhiên tự hào thôi chưa đủ, các sản phẩm đó còn phải được người Việt Nam tin dùng và ủng hộ rộng rãi. Bởi có như vậy, doanh nghiệp mới có đủ tiềm lực về tài chính để “bơi” ra biển lớn. Tiếp theo, thương hiệu đó phải có những giá trị thật và luôn luôn đảm bảo trung thành với những giá trị thật đó!
Tôi lấy ví dụ, Việt Nam đứng đầu về xuất khẩu hạt cafe ra thế giới. Đó chính là một thế mạnh không thể phủ nhận của chúng ta, vậy một thương hiệu về cafe hoàn toàn có thể trở thành một thương hiệu quốc gia. Đơn cử như Vinacafé, cũng như những thương hiệu lâu đời khác của Việt Nam, theo tôi là một thương hiệu có thể làm được việc “nâng tầm”, và họ đang từng bước làm được điều đó, và đặc biệt khi họ đã là một thương hiệu lớn từ 1968.
Tôi ra nước ngoài công tác, thấy bạn bè uống ly Vinacafé; họ bảo, khi pha ra tách cafe, tôi có thể tưởng tượng được về không chỉ hiện tại mà còn quá khứ của các ông, hiểu được khẩu vị cafe của người Việt Nam, một khẩu vị cà phê Việt nguyên bản!
- Vậy còn vai trò của người tiêu dùng Việt Nam, trong việc cùng tạo ra các thương hiệu quốc gia, theo ông là gì?
- Như tôi đã nói ở trên, trước hết, người tiêu dùng Việt Nam hãy tự hào về thương hiệu Việt Nam. Khi niềm tự hào dân tộc dẫn lối, họ sẽ lựa chọn những sản phẩm do nhân dân mình, đồng bào mình làm ra, rồi từ đó giới thiệu cho bạn bè quốc tế. Quan trọng nữa, người tiêu dùng hãy lựa chọn những sản phẩm có giá trị thật. Anh không thể tự hào về cafe Việt Nam khi anh vẫn còn uống cafe từ bắp cháy, đậu nành cháy.
Tất nhiên, niềm tự hào không thể nói suông mà được, ngoài việc thay đổi hành vi, lựa chọn hàng Việt Nam, người tiêu dùng cần có niềm tin vào các sản phẩm chất lượng của Việt Nam, bởi chỉ có những giá trị thật, trường tồn mới đem đến sự phát triển bền vững. Cái này thì lại xuất phát từ chính các doanh nghiệp Việt Nam, hãy làm ra các giá trị thật để tạo dựng niềm tin từ chính đồng bào của mình và cũng đừng quên làm mới giá trị đó để phù hợp với thời kỳ hiện đại!
- Xin cảm ơn ông!