Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Thuốc Tamiflu khan hàng, giá liên tục thay đổi có nơi báo gần 1 triệu đồng/hộp

  • Như Quỳnh (T/h)
(DS&PL) -

Do tình hình bệnh cúm có diễn biến phức tạp, vì vậy nhu cầu mua sử dụng và tích trữ thuốc Tamiflu có xu hướng gia tăng gây ra tình trạng khan hiếm thuốc, tăng giá.

Dịch cúm mùa tăng, một số người dân có tâm lý mua tích trữ thuốc điều trị cúm Tamiflu. Nhiều nhà thuốc bắt đầu rơi vào tình trạng khan hàng, một số nơi thông báo không có sẵn. Cùng với đó, giá thuốc cũng có sự biến động, chênh lệch giữa các điểm bán.

Chia sẻ trên tạp trí Tri thức - Znews, bà T.D.L., chủ tiệm thuốc ở Hai Bà Trưng, Hà Nội, cho biết: "Thời điểm này rất nhiều người có triệu chứng của cảm cúm đến mua thuốc. Thuốc Tamiflu hiện khá khó nhập, mỗi lần chỉ lấy được vài hộp. Thuốc điều trị cúm của Việt Nam là 420.000 đồng, trong khi đó hàng nhập khẩu có giá 620.000 đồng. Giá này đã tăng so với thời điểm trước Tết Nguyên đán".

Bà L. cũng cho hay giá thuốc tăng do giá nhập từ đầu mối cũng cao hơn so với trước, đặc biệt là hàng công ty. "Chúng tôi cũng cố gắng bình ổn giá, có tăng so với thời điểm bình thường nhưng không tăng quá cao. Nếu thời gian tới, thuốc Tamiflu tiếp tục 'cháy hàng' và thổi giá quá cao, tôi sẽ không nhập thêm thuốc để bán", bà L. nói.

Giá thuốc Tamiflu có sự biến động, chênh lệch giữa các điểm bán. Ảnh: Verywellhealth.

Bà N.T.H., chủ hiệu thuốc khác trên đường Yên Phụ (Tây Hồ, Hà Nội) cho hay cơ sở này mới nhập được 3 hộp nhưng đã có người mua hết trong sáng 10/2.

"Chủ yếu người dân tự mua để điều trị, ít người có đơn chỉ định từ bác sĩ. Có trường hợp thấy thuốc đắt quá nên không mua nữa, thế nhưng giờ có tiền cũng khó mua được. Tôi đã gọi nhập thêm thuốc nhưng đầu mối báo tiếp tục chờ", bà H. nói.

Ngoài các cửa hàng, chợ thuốc online cũng có tình trạng khan thuốc này. Chia sẻ trên Vietnamnet, chị Dương Thị Th. (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, hiện các thuốc trị cúm đều tăng giá nên người bán không dám "ôm" vì sợ rớt giá, không "đẩy" được thuốc. Những người bán hàng sẽ "sang tay" thuốc nếu có khách hỏi trước. 

Theo chị Th., giá hiện tại bán cho khách online là 750.000 đồng/hộp (hàng Pháp) và 650.000 (hàng Nga). Người bán sẽ chuyển hàng từ TP.HCM về Hà Nội và khách phải đặt cọc, người bán hàng ship. 

Chị Hoàng Thị H. (Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội) cho biết cả gia đình có triệu chứng mắc cúm nên chị vội vàng chạy đi mua thuốc kháng virus Tamiflu. Tuy nhiên, các cửa hàng gần nhà đều hết. Chị H. đến chợ thuốc lớn ở Hà Nội mua, người bán yêu cầu đặt cọc và 1-2 giờ sau ra lấy thuốc vì khan hàng. Mỗi viên thuốc có giá 66.000 đồng và bán cả vỉ 10 viên. Vì lo lắng biến chứng do cúm, người phụ nữ này đã đặt cọc và mua được 1 hộp.

Tại TP.HCM, nhiều nhà thuốc bán lẻ cũng đều báo hết hàng khi được hỏi mua thuốc Tamiflu. Trên đường Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp), 3 nhà thuốc liên tiếp đều báo nguồn cung ứng thuốc đang tạm dừng, nếu muốn mua, người dân phải đặt trước ít nhất một ngày.

Nhân viên bán thuốc của một nhà thuốc đầu đường Nguyễn Thái Sơn cho hay Tamiflu đang có giá 750.000 đồng. Tuy nhiên, hiệu thuốc đang tạm hết hàng và người mua phải đợi 2 ngày mới có thuốc, chắc chắn giá sẽ tăng vì lượng người mua đang cao.

Nhiều nhà thuốc bán lẻ đều báo hết hàng khi được hỏi mua thuốc Tamiflu. Ảnh: Báo Dân trí.

Một hiệu thuốc khác cách đó chỉ vài chục mét, khi hỏi mua thuốc này, người bán cho biết phải có đơn kê của bác sĩ. Nhưng khi khách hàng đặt vấn đề cần mua gấp, tên thuốc này được một người quen trong bệnh viện cho. Người này lập tức báo giá 850.000 đồng/hộp, nếu mua sẽ gọi người đem từ nơi khác đến cửa hàng.

"Một hộp thuốc Tamiflu 10 viên, được dùng cho một lần điều trị cúm. Tôi không bán lẻ từng viên", người bán nói.

Tại một cửa hàng thuộc hệ thống nhà thuốc Pharmacity trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3), loại thuốc này vẫn còn hàng sẵn được bán với giá niêm yết trên bao bì là 690.000 đồng/hộp, 10 viên. Theo một nhân viên thuộc hệ thống này, giá thuốc Tamiflu thay đổi theo thời giá, không cố định. Mức giá ở từng thời điểm sẽ tuỳ thuộc vào nhà cung cấp.

Một cửa hàng khác cũng thuộc hệ thống này trên đường Võ Văn Tần (quận 3) thông báo hết thuốc Tamiflu khi người mua đến hỏi.

Trên website của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) giá Tamiflu tên hoạt chất Oseltamivir (dưới dạng oseltamivir phosphat) 75mg dạng viên nang cứng hộp 1 vỉ gồm 10 viên được quy định giá 44.877 đồng/viên, tương đương gần 450.000 đồng/hộp.

Trao đổi với PV ĐS&PL, ông Châu Thanh Tú, Dược sĩ trưởng Hội đồng chuyên môn dược, Hệ thống nhà thuốc và trung tâm tiêm chủng FPT Long Châu cho biết, trước tình hình dịch cúm đang gia tăng, nhu cầu khách hàng mua thuốc Tamiflu đợt này có gia tăng gấp 7 lần so với ngày thường. Giá bán ra Tamiflu vẫn bình ổn so với trước 520.000 đồng/hộp 10 viên. Chính vì thế nguồn cung tại đơn vị hiện vẫn còn thiếu so với nhu cầu của khách hàng.

“Chúng tôi vẫn đang liên tục làm việc với nhà sản xuất và nhà phân phối để có thêm nguồn cung kịp thời phục vụ khách hàng, vậy nên khách hàng không nên mua tích trữ số lượng lớn, ảnh hưởng đến cơ hội điều trị của các bệnh nhân khác. Chúng tôi luôn chủ động và cam kết bình ổn giá thuốc, mang đến cho người dân thuốc tốt với giá hợp lý”, ông Tú cho hay.

Ngoài ra, vị dược sĩ cho biết thêm, các nhà thuốc kinh doanh Tamiflu (Oseltamivir) đều phải bán theo đơn của bác sĩ kê và vẫn kiểm soát xuất nhập tồn theo đúng quy định của Bộ Y Tế. Người dân chỉ mua thuốc sau khi được thăm khám và kê đơn, trong khi bác sĩ phải kê đúng thuốc, đúng bệnh, không thừa cho đợt điều trị.

Chính vì thế ông Tú cho rằng, việc tích trữ thuốc Tamiflu là không nên. Bởi, trước tiên, nên nghĩ là làm sao để mình không phải dùng thuốc Tamiflu (Oseltamivir) sẽ tốt hơn. Ví dụ như cần tiêm chủng cúm hàng năm, áp dụng các biện pháp phòng bệnh cho mình và người khác theo khuyến cáo của Bộ Y Tế.

Hơn nữa, việc lạm dụng thuốc Tamiflu cũng giống như trước kia dịch COVID-19 một số người dân mình lạm dụng thuốc Molnupiravir mà không tham khảo ý kiến hay có sự kê đơn của bác sĩ dễ phải tác dụng không mong muốn và cả tác dụng phụ.

“Dùng không đúng thời điểm bệnh, không đúng đối tượng được phép sử dụng: trẻ quá nhỏ mà không chọn dạng dùng hay hướng dẫn sử dụng phù hợp; một số đối tượng đặc biệt như phụ nữ có thai, phụ nữ đang cho con bú, người suy gan, suy thận phải hết sức thận trọng”, ông Tú lưu ý.

Tin nổi bật