Các nhà khoa học mới đây đã kết luận rằng những thực phẩm “siêu chế biến”, giá rẻ như xúc xích, kem, đồ uống có gas… làm giảm tuổi thọ của người sử dụng.
Thực phẩm “siêu chế biến”
Thực phẩm siêu chế biến như xúc xích, kem... làm tăng nguy cơ tử vong sớm. Ảnh: CNN |
"Siêu chế biến" là thuật ngữ dùng để mô tả nhiều loại thực phẩm, bao gồm các món ăn được chế biến sẵn có trong tủ đông của cửa hàng tạp hóa như đồ nướng đóng gói, súp ăn liền, kem, ngũ cốc có đường và đồ uống có gas...
Hai nghiên cứu riêng biệt được công bố vào hôm 29/5 đã tập trung đánh giá mối liên kết giữa những thực phẩm phổ biến, giá rẻ do nhà máy sản xuất với nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tăng nguy cơ tử vong sớm.
Mặc dù mối quan hệ nguyên nhân trực tiếp vẫn chưa được thiết lập, các nhà nghiên cứu của cả 2 công trình lưu ý rằng các nghiên cứu trước đây có liên quan đến việc tiêu thụ thực phẩm chế biến nhiều với nguy cơ béo phì, huyết áp cao, tăng cholesterol và thậm chí tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư.
Maira Bes-Rastrollo, tác giả của một nghiên cứu và là giáo sư về y tế dự phòng/y tế công cộng từ Đại học de Navarra nói với CNN qua một email: "Thực phẩm siêu chế biến đã chiếm hơn một nửa tổng năng lượng ở các nước thu nhập cao như Mỹ, Canada và Anh. Trong trường hợp của Tây Ban Nha, tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến gần như tăng gấp 3 lần từ năm 1990 - 2010".
Tăng nguy cơ tử vong sớm
Xu hướng gia tăng sử dụng thực phẩm chế biến sẵn và siêu chế biến tại các nước phát triển. Ảnh: CNN |
Các nhà nghiên cứu đã thu thập dữ liệu từ gần 20.000 người tham gia dự án Seguimiento Universidad de Navarra (SUN), theo dõi các tình nguyện viên từ 20 - 91 tuổi.
Sử dụng bảng câu hỏi tần số thực phẩm gồm 136 món, các nhà nghiên cứu đã đánh giá chế độ ăn uống của mỗi người tham gia khi bắt đầu nghiên cứu vào năm 1999 và sau đó đánh giá lại trong suốt thời gian nghiên cứu kết thúc vào năm 2014. Các cuộc khảo sát thường xuyên đo lường mức độ thường xuyên mọi người ăn thực phẩm trong 4 loại được xác định bởi hệ thống phân loại NOVA, xem xét cách thức thực phẩm được tạo ra, không chỉ là chất dinh dưỡng.
Danh mục thực phẩm "chưa qua chế biến hoặc chế biến tối thiểu" bao gồm trái cây, rau, các loại đậu, sữa, trứng, thịt, thịt gia cầm, cá và hải sản, sữa chua, ngũ cốc (gạo trắng và mì ống) cùng với nước ép tự nhiên. Muối, đường, mật ong, dầu ô liu, bơ và mỡ lợn được liệt kê trong danh mục "nguyên liệu chế biến", trong khi "thực phẩm chế biến" bao gồm pho mát, bánh mì, bia, rượu vang, giăm bông và thịt xông khói truyền thống. Danh mục cuối cùng bao gồm các loại thực phẩm siêu chế biến như bánh flan, chorizo, xúc xích, mayonnaise, khoai tây chiên, pizza, bánh quy, sôcôla và kẹo, đồ uống ngọt nhân tạo, rượu whisky, rượu gin và rượu rum.
Nhìn chung, các sản phẩm trong danh mục này rất giàu chất béo, thêm đường và muối, cùng với mật độ vitamin và chất xơ thấp. Chúng hầu như đều "có lợi về mặt kinh tế (thành phần chi phí thấp), rất ngon miệng và tiện lợi", nhà nghiên cứu Bes-Rastrollo nói. "Chúng cũng có bao bì hấp dẫn và tiếp thị mạnh mẽ. Tệ nhất là, chúng đang dần thay thế thực phẩm chưa qua chế biến hoặc chế biến tối thiểu và các bữa ăn được chuẩn bị kỹ càng trong chế độ ăn uống của mọi người”.
Bes-Rastrollo và các đồng nghiệp của bà cũng thu thập thông tin về lối sống, các yếu tố nhân khẩu học, hoạt động thể chất, cân nặng và sức khỏe từ những người tham gia nghiên cứu.
Phân tích dữ liệu, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến - hơn 4 khẩu phần mỗi ngày - có liên quan đến làm tăng nguy cơ tử vong sớm lên tới 62% so với những người ăn ít loại thực phẩm này hơn. Bà Bes-Rastrollo cho biết những "kết quả này cũng phù hợp với các nghiên cứu gần đây khác" dựa trên dân số ở Pháp và Mỹ.
Nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn
Thực phẩm chưa chế biến hoặc chế biến ít tốt cho sức khoẻ hơn các thực phẩm siêu chế biến. Ảnh: CNN |
Tại Pháp, dự án NutriNet-Santé tập trung vào dinh dưỡng và sức khỏe, đã cung cấp dữ liệu cho một nghiên cứu mới về tác dụng tiềm năng của thực phẩm công nghiệp. Hơn 105.000 người (tuổi trung bình 43 khi bắt đầu nghiên cứu và 79% là phụ nữ) đã tham gia.
Những tình nguyện viên trưởng thành này hoàn thành 5 bảng câu hỏi liên quan đến sức khỏe, lối sống và chế độ ăn uống khi bắt đầu nghiên cứu. Họ cũng được mời chia sẻ hồ sơ ăn kiêng 24 giờ sau mỗi 6 tháng. Để phân tích, các nhà nghiên cứu trước tiên phân loại thực phẩm và đồ uống được báo cáo của người tham gia vào bốn nhóm thực phẩm NOVA và sau đó tính trung bình các chế độ ăn của mỗi người.
Trung bình, 17,6% chế độ ăn uống tổng thể của nam giới bao gồm các loại thực phẩm siêu chế biến, và con số này 17,3% cho phụ nữ. Tiếp theo, các nhà nghiên cứu đã so sánh giữa nhóm người tham gia dựa trên số lượng thực phẩm siêu chế biến mà họ đã ăn.
Theo đó, mỗi sự gia tăng 10% trong tỷ lệ thực phẩm siêu chế biến mà đối tượng ăn vào có liên quan đến sự gia tăng 12%, 13% và 11% về tỷ lệ mắc bệnh tim mạch, tim mạch vành và mạch máu não tương ứng. Một phân tích thứ cấp cho thấy mối liên quan giữa thực phẩm chưa qua chế biến hoặc chế biến tối thiểu và nguy cơ thấp hơn của các bệnh tương tự.
Để cải thiện sức khỏe, mọi người cần hạn chế tỷ lệ thực phẩm siêu chế biến mà họ ăn, đồng thời tăng lượng thực phẩm chưa qua chế biến hoặc chế biến tối thiểu trong chế độ, các nhà nghiên cứu cho biết.
PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo CNN)