Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Thực phẩm giả, thuốc giả hoành hành: "Hành vi gián tiếp giết người, tận cùng của đánh mất lương tâm"

(DS&PL) -

Tội phạm sản xuất hàng giả đặc biệt là thuốc và sữa đang có xu hướng gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ nguy hiểm. Theo Đại tá, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, đây là hậu quả của sự buông lỏng kiểm soát, tâm lý tiêu dùng chủ quan, và đặc biệt là lòng tham của tội phạm.

Trục lợi bất chấp đạo lý, hướng đến cả người già, trẻ sơ sinh

“Sữa giả, thuốc giả”, những từ khóa gây xôn xao dư luận thời gian qua. Cơ quan cảnh sát điều tra đã triệt phá hàng loạt vụ án lớn liên quan. Đại tá, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, Phó Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, chuyên gia tội phạm học, cho rằng, các loại tội phạm này đang có chiều hướng gia tăng với thủ đoạn ngày càng tinh vi, gián tiếp đẩy nhiều người vào bi kịch, “tiền mất, tật mang” thậm chí để lại những di hại lâu dài không chỉ đối với nạn nhân mà còn gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Dưới đây là nội dung cuộc trao đổi của ông với PV Đời sống & Pháp luật.

Đại tá, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, Phó Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, chuyên gia tội phạm học

ĐS&PL: Gần đây liên tiếp xảy ra các vụ triệt phá đường dây sản xuất sữa giả, thuốc giả. Là chuyên gia tội phạm học, ông nhìn nhận thế nào về thực trạng này?

Đại tá, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn: Đúng vậy. Đây là tội phạm cực kỳ nguy hiểm, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người dân. Nói một cách khác đây là loại tội phạm không chỉ nguy hiểm về hành vi mà còn sự băng hoại về đạo đức. Các đối tượng bất chấp mọi thứ để trục lợi, kể cả việc sản xuất thuốc, sữa giả, những sản phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe người bệnh, người dân trên cả nước.

Đau lòng hơn, đa số các sản phẩm làm giả lại hướng đến nhóm đối tượng là trẻ em, trẻ sơ sinh, người già. Hậu quả của nó gây ra vô cùng nghiêm trọng khiến tất cả mọi người đều vô cùng phẫn nộ.

Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng, đây là nhóm tội phạm không mới. Trên thực tế từ trước đến nay, lực lượng chức năng đã triệt phá nhiều ổ nhóm, đường dây khác nhau. Nhưng điều đáng báo động, là trong thời gian gần đây, nhóm tội phạm phát triển với quy mô ngày càng lớn, thủ đoạn ngày càng tinh vi nhờ sự hỗ trợ của công nghệ và mạng xã hội.

Vụ sữa giả bị triệt phá mới đây, quy mô lợi nhuận lên tới 500 tỷ đồng, con số khiến ai cũng giật mình và là lời cảnh tỉnh nghiêm khắc. Các đối tượng không chỉ sản xuất hàng giả một cách thủ công và tiêu thụ hàng giả như trước mà còn sử dụng các kỹ thuật in ấn hiện đại để làm giả nhãn mác, bao bì; điều chế các nguyên liệu, hóa chất rất tinh vi; tổ chức sản xuất với quy mô lớn; tạo vỏ bọc kín đáo, thậm chí công khai sản xuất, mua bán, tiêu thụ. Các đối tượng còn đầu tư xây dựng kịch bản khéo léo đánh trúng tâm lý vào người tiêu dùng.

“Sữa giả, thuốc giả”, những từ khóa gây xôn xao dư luận thời gian qua.

Hàng giả được tạo vỏ bỏ bọc một cách hoàn hảo, “thâm nhập” vào thị trường tại các điểm có “chỉ số” uy tín cao.

Các phương pháp tiếp cận khách hàng cũng được các đối tượng tập trung đầu tư chẳng hạn đưa nhân viên về tận vùng quê, tổ chức hội thảo tại các nhà văn hóa, giới thiệu sản phẩm với giá cao nhiều ưu đãi và quà tặng, đánh vào tâm lý “ham rẻ”, “sợ bệnh” của người dân chủ yếu là người già... Trước những “ma trận” như vậy, rất dễ làm người dân mất cảnh giác.

ĐS&PL:  Ông đánh giá như thế nào về việc các đối tượng phạm tội ngày càng tinh vi và diễn biễn nhanh, bài bản, phân vai, trong chuỗi hành vi phạm tội?

Đại tá, PGS. TS Đỗ Cảnh Thìn: Tôi cho rằng ngày nay sự phát triển khoa học công nghệ, mạng internet, mạng xã hội cùng các dòng kết nối cộng đồng và “độ mở” của nền kinh tế - văn hóa, bên cạnh những lợi ích vô cùng to lớn cho con người thì cũng tạo ra vô số những “cơ hội” cho các đối tượng xấu lợi dụng để thực hiện các hành vi phạm tội nhất là tính “ảo”. Điều này khó kiểm chứng, khó xác thực, dễ giả mạo, tính lan truyền cực nhanh và rất rộng, rất dễ đánh vào lòng tham, vào sự thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin của nhiều người. Đặc biệt các loại hàng như sữa, thực phẩm chức năng hay thuốc chữa bệnh là những nhu cầu thiết yếu của người dân.

Những đối tượng trong đường dây thuốc giả, sữa giả bị cơ quan chức năng bắt giữ

Những đối tượng này còn nắm bắt tâm lý vô cùng giỏi. Đặc tính ở nước ta, không ít người dân có thói quen mua bán theo cảm tính nhiều hơn là sự kiểm chứng, xác thực hoặc ít quan tâm, ít hiểu biết về các chỉ số, thành phần của sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, tính hợp pháp, hợp qui… Nhiều người thấy rẻ, có lợi và thuận tiện là sẵn sàng mua.

Ngoài ra, như đã nói ở trên những đối tượng này còn lợi dụng mạng xã hội, tạo không gian ảo, lợi dụng những người có sức ảnh hưởng xã hội như diễn viên, ca sĩ, người nổi tiếng, chuyên gia dinh dưỡng, bác sĩ… đánh vào tâm lý của người tiêu dùng, tạo ra nhiều câu chuyện dẫn dụ khiến nhiều người rơi vào “mê hồn trận”, chỉ thấy điều tốt đẹp, tin tưởng tuyệt đối vào quảng cáo, thông tin do các đối tượng cung cấp mà không nghĩ đến việc kiểm chứng hay nói cách khác là không có khả năng kiểm chứng.

Đặc biệt, cũng giống như ma túy, thực phẩm chức năng, hàng tiêu dùng thiết yếu, thuốc chữa bệnh cũng là những mặt hàng được xem là siêu lợi nhuận. Các đối tượng luôn tìm mọi cách để tối đa lợi nhuận từ khâu nguyên liệu, vận hành, sản xuất đến tiêu thụ làm sao có chi phí thấp nhất, lợi nhuận cao nhất… Vậy nên, chỉ có làm hàng giả, hàng kém chất lượng, lừa đảo người tiêu dùng mới đạt được mục đích này.

Hàng nghìn lọ thuốc giả bị cơ quan công an bắt giữ khi "sắp sửa" được tung ra thị trường

Một vấn đề cũng rất quan trọng là nhận thức và ý thức của người tiêu dùng. Nhiều người còn hạn chế về nhận thức pháp luật và ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật. Tâm lý phổ biến của người tiêu dùng là cảm tính, ham rẻ, nhẹ dạ, cả tin, rất dễ bị lôi kéo, dụ dỗ trở thành “nạn nhân tự nguyện” của tội phạm. Nhiều người chưa có ý thức cảnh giác, phát hiện, cung cấp thông tin, tài liệu, tố cáo, tố giác các hiện tượng, hành vi làm hàng giả và đối tượng có biểu hiện vi phạm cho các cơ quan chức năng qua đó góp phần phòng ngừa, ngăn chặn loại tội phạm này.

ĐS&PL: Theo ông, đâu là động cơ tâm lý chính thúc đẩy các đối tượng bất chấp sản xuất và phân phối sữa giả, thuốc giả?

Đại tá. PGS. TS Đỗ Cảnh Thìn: Thực ra cho đến nay qua nghiên cứu, chúng tôi nhận định rằng, yếu tố lợi nhuận chiếm vai trò chính trong các hành vi phạm tội dạng này. Bởi hầu hết đối tượng phạm tội làm hàng giả, thuốc giả, thực phẩm giả, thực phẩm chức năng giả đều hướng đến mục đích này.

Những năm gần đây chúng ta có thể thấy, những vụ án lớn hầu hết liên quan đến kinh tế, những đối tượng phạm tội chủ yếu là vì mục đích đạt được lợi ích kinh tế.

Vì đồng tiền, các đối tượng không từ thủ đoạn, bất chấp lương tri

Điểm chung là khi đã bị đồng tiền che mắt, nhiều người đánh đổi lương tri, nhân tính, bất chấp đạo đức, pháp luật để mưu lợi, dù cái giá phải trả có thể uy tín, danh dự, tương lai của bản thân và gia đình; phải chịu những hình phạt nghiêm khắc của pháp luật như phạt tiền, tịch thu tài sản, tù tội…

Ngoài ra, còn có nhiều sắc thái khác nhau của loại tội phạm này. Cũng có những đối tượng ngông cuồng, có đối tượng thích thể hiện như kiểu “giang hồ mạng”, muốn phá quấy để nổi tiếng, để “khác người”,…Nhưng tôi cho rằng, hình thức này không phổ biến mà chỉ mang tính đơn lẻ. Một số ít trường hợp có thể do tâm lý lệch lạc, bị kích động, lôi kéo, hoặc có tư tưởng chống phá... nhưng không nhiều.

Cần tăng chế tài xử phạt

ĐS&PL: Thưa ông, về mặt pháp luật, khung hình phạt hiện nay cho các tội danh liên quan đến làm giả, buôn bán thuốc/sữa giả như thế nào? Và hình phạt này liệu đã đủ sức răn đe chưa?

Đại tá. PGS. TS Đỗ Cảnh Thìn: Pháp luật Việt Nam đã có khung hình phạt tương đối rõ và nghiêm khắc với tội phạm hàng giả, đặc biệt là đối với hàng giả là thuốc chữa bệnh, lương thực, thực phẩm... Tuy nhiên, tôi cho rằng, cần nghiên cứu nâng mức chế tài cao hơn với loại tội phạm này để tăng sức răn đe, phòng ngừa.

Chuyên gia cho rằng, cần nghiên cứu nâng mức chế tài cao hơn với loại tội phạm này để tăng sức răn đe, phòng ngừa.

Bởi đây không chỉ là hành vi lừa đảo, vi phạm quy định sản xuất, kinh doanh… mà còn là hành vi đe dọa đến sức khỏe, tính mạng người dân, gây mất niềm tin vào thị trường.

Bên cạnh đó, cần xem xét điều chỉnh, bổ sung một số qui định về quản lý đối với các loại hàng hóa này như qui định về cấp phép, kiểm định, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm… Bởi lẽ, qua một số vụ việc xảy ra gần đây, chúng ta cũng đã thấy bộc lộ một số những sơ hở về pháp luật và công tác quản lý để các đối tượng lợi dụng thực hiện tội phạm.

ĐS&PL: Ông có lời khuyên nào để nâng cao cảnh giác và bảo vệ bản thân, khi đối mặt với các thủ đoạn tinh vi như hiện nay?

Đại tá. PGS. TS Đỗ Cảnh Thìn: Trong Tội vào học có một nội dung rất quan trọng là “yếu tố nạn nhân”. Điều này muốn nói đến “nạn nhân” trong nhiều trường hợp cũng trở thành các “nguyên nhân, điều kiện” để cho tội phạm thực hiện hành vi phạm tội.

Bởi vậy, mỗi người chúng ta cần trang bị cho mình ý thức tự bảo vệ bản thân và gia đình cũng như các kỹ năng tự bảo vệ. Nếu mỗi người chúng ta không có kiến thức pháp luật, không có tinh thần cảnh giác, không có ý thức phát hiện, tố cáo, tố giác tội phạm; bên cạnh đó còn dễ dãi, đơn giản, tùy tiện trong việc mua và sử dụng các loại hàng hóa, thậm chí cổ súy, tiếp tay cho các hành vi sản xuất, kinh doanh không tuân thủ pháp luật… thì các loại tội phạm này còn “đất sống”, còn tiếp tục gây hại cho xã hội, trong đó không loại trừ nạn nhân là bất kỳ ai.

 

Có ai đó đã nói rằng: Đã ngon thì chưa chắc đã bổ, đã bổ thì chưa chắc đã rẻ. Điều này cũng tương tự như kiểu “việc nhẹ, lương cao” đã khiến không ít người rơi vào bẫy của bọn tội phạm và phải trả giá rất đắt.

Đại tá. PGS. TS Đỗ Cảnh Thìn

Có ai đó đã nói rằng: Đã ngon thì chưa chắc đã bổ, đã bổ thì chưa chắc đã rẻ. Điều này cũng tương tự như kiểu “việc nhẹ, lương cao” đã khiến không ít người rơi vào bẫy của bọn tội phạm và phải trả giá rất đắt.

ĐS&PL: Xin cảm ơn ông về những chia sẻ thẳng thắn và sâu sắc

Thực hiện: Đỗ Chang – Lê Liên - Nguyễn Lâm

Tin nổi bật