Vô sinh, hiếm muộn ngày càng gia tăng, trở thành một thách thức lớn của ngành sản khoa Việt Nam. Điều đáng nói là độ tuổi của bệnh vô sinh hiếm muộn đang có chiều hướng trẻ hóa. Trước thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng, việc cho phép thực hiện mang thai hộ sẽ cởi "nút thắt" cho các cặp vợ chồng kém may mắn.
Cho phép thực hiện mang thai hộ sẽ mang lại hạnh phúc cho các cặp vợ chồng hiếm muộn (Ảnh minh họa). |
Trẻ hoá độ tuổi vô sinh
Kết hôn đã gần 10 năm nay nhưng vợ chồng anh Lương Văn H. (phố Hồng Hà, Hà Nội) vẫn chưa có con. Qua các lần thăm khám, bác sỹ chẩn đoán nguyên nhân do anh Ph. vì anh mắc chứng yếu sinh lý. Với thời gian gần 10 năm không thể sinh em bé dù đã can thiệp nhiều cách, các bác sỹ cho biết khả năng vô sinh của vợ chồng anh H. là rất lớn.
Trao đổi với PV, BS.Lê Thị Kim Dung- Phụ trách khoa Sản - trung tâm Y khoa Thái Hà (Hà Nội) cho biết, đã gặp rất nhiều trường hợp như anh H.. Với những số liệu vừa được công bố tại tại hội thảo tư vấn "Tháng nâng cao nhận thức về hiếm muộn 2014" cho thấy, hơn 1 triệu cặp vợ chồng đang độ tuổi sinh đẻ bị hiếm muộn và vô sinh chiếm 7,7\% tổng số cặp vợ chồng trong cả nước khiến Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn về tình trạng vô sinh, hiếm muộn.
Trước thực trạng trên, bộ Y tế đã tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Nghị định của Chính phủ về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. PGS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng bộ Y tế cho hay, dự kiến sẽ chỉ đề xuất 3 đơn vị gồm bệnh viện Phụ sản Trung ương, bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế và bệnh viện Từ Dũ TP.HCM được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ. Sau một năm triển khai thực hiện, bộ Y tế sẽ đánh giá và đưa ra quyết định về việc giữ nguyên hoặc bổ sung thêm danh sách bệnh viện thực hiện kỹ thuật này.
Phương án này được sự đồng tình cao của các chuyên gia y tế trong ngành sản phụ khoa vì làm như vậy sẽ kiểm soát tốt hơn, tránh tình trạng biến tướng, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội. Đây là giai đoạn thí điểm, nên việc quản lý được đặt lên hàng đầu nhằm thực hiện đúng yêu cầu của Chính phủ khi cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Tuy nhiên, do việc mang thai hộ là vấn đề mới, phức tạp và nhạy cảm nên tiến tới thực hiện kỹ thuật này, các y bác sỹ cũng còn không ít băn khoăn.
Cởi "nút thắt" cho các vợ chồng hiếm muộn
Trao đổi với PV, các chuyên gia y tế cho rằng, việc cho phép mang thai hộ góp phần duy trì, phát triển giống nòi. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý cũng nên dự liệu biện pháp xử lý trong các trường hợp tranh chấp, rủi ro... xảy ra khi thực hiện kỹ thuật mang thai hộ. Cụ thể, trong quá trình mang thai, qua tầm soát thai sản phát hiện đứa trẻ bị hội chứng Down, hở hàm ếch, dị tật... người nhờ mang thai hộ muốn bỏ thai, nhưng người phụ nữ mang thai hộ không đồng ý. Đến khi đứa trẻ ra đời thì người nhờ mang thai không nhận con và sau đó xảy ra tranh chấp giữa hai bên.
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Viết Tiến cho biết: "Trong dự thảo Nghị định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, bộ Y tế cũng đã tính đến các sự cố như: Nếu bên mang thai hộ từ chối giao con thì bên nhờ mang thai hộ có quyền yêu cầu tòa án buộc bên mang thai hộ giao con. Trong trường hợp chưa giao đứa trẻ mà cả hai vợ chồng bên nhờ mang thai hộ chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì bên mang thai hộ có quyền nhận nuôi đứa trẻ hoặc đứa trẻ sẽ được giám hộ, cấp dưỡng theo quy định của pháp luật hiện hành...".
Trao đổi với PV, TS.BS. Lê Thị Thu Hà - Trưởng khoa Hậu sản M- bệnh viện Từ Dũ cho biết: Hiện nay, ngày càng nhiều cặp vợ chồng mắc chứng vô sinh. Nhiều người vợ không thể mang thai bởi tử cung có quá nhiều nhân xơ, niêm mạc tử cung quá mỏng khiến phôi không thể làm tổ, dính buồng tử cung do nạo phá thai, lỗi của nhân viên y tế trong quá trình phẫu thuật... Cho phép mang thai hộ đã mở ra một cơ hội vàng cho những cặp vợ chồng kém may mắn.
Mang thai hộ xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của một số cặp vợ chồng với mong muốn được đảm bảo quyền làm cha mẹ chính đáng. Vậy nên, dư luận sẽ rất ủng hộ quyết định này của bộ Y tế. Tuy nhiên, để tránh việc lợi dụng thương mại hóa và bảo vệ quyền lợi của các bên thì cần cẩn trọng những vấn đề liên quan đến pháp lý. Do quy định vấn đề mang thai hộ là vấn đề mới lại rất phức tạp và nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của nhiều người: Đứa trẻ, người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ, liên quan trực tiếp đến số phận của đứa trẻ được sinh ra, có thể có các hệ lụy về sau đối với các bên liên quan, ảnh hưởng về mặt huyết thống, quan hệ, tình cảm. Chính vì vậy, phải thận trọng trong khâu thẩm định hồ sơ, thủ tục để thấy đó là nhu cầu thực chất của các cặp vợ chồng hiếm muộn chứ không phải việc lợi dụng kinh doanh.
Tuy nhiên, điều khiến vị bác sỹ này băn khoăn đó là quy định bắt buộc người mang thai hộ phải là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ, đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần. Quy định này sẽ gây khó khăn cho những cặp vợ chồng là con một; không có chị em gái. "Theo tôi, điều quan trọng nhất là những người mang thai hộ phải khoẻ mạnh để đảm bảo đứa trẻ sinh ra sẽ có thể trạng tốt nhất", bác sỹ Hà nhấn mạnh.
Theo bác sỹ Hà, về cơ bản, kỹ thuật thực hiện một ca mang thai hộ cũng giống như kỹ thuật một ca thụ tinh trong ống nghiệm. Với những bệnh viện đã thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm thì việc tiến hành các ca mang thai hộ sẽ không có khó khăn gì. Như vậy có thể thấy, các bệnh viện sẽ không gặp trở ngại trong chuyên môn. Vấn đề chính là thủ tục pháp lý để xác định những người mang thai hộ là nhu cầu thực chất, tránh hiện tượng trục lợi từ việc này.
Ngăn chặn tình trạng buôn bán tinh trùng, phôi và đẻ thuê Theo TS.Nguyễn Huy Quang-Vụ trưởng vụ Pháp chế (bộ Y tế) dự thảo Nghị định về quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, người mang thai hộ vẫn phải là họ hàng thân thích cùng hàng của bên vợ hay bên chồng với người nhờ mang thai hộ. Quy định này để khống chế tình trạng buôn bán tinh trùng, noãn, phôi, hoặc đẻ thuê. Bên cạnh đó, quy định trên cũng loại bỏ tình trạng mẹ đẻ giùm cho con gái, bà đẻ giùm cháu (gây những phức tạp về sau cho số phận đứa trẻ). |