Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Thưa Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, làm giáo dục đừng giống… đèn cù!

(DS&PL) -

Thí điểm bỏ biên chế mà Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu, nói sẽ thực hiện khiến giáo dục “dậy sóng”. Từ “thí điểm”, tôi thấy sao quen thế như những vết xe trước đây, c

Thí điểm bỏ biên chế mà Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu, nói sẽ thực hiện khiến giáo dục “dậy sóng”. Từ “thí điểm”, tôi thấy sao quen thế như những vết xe trước đây, có bóng dáng... đèn cù.

Bộ trưởng đáng kính ạ! Thời gian gần đây sự “nóng” của giáo dục phản ứng với thông tin “thí điểm bỏ biên chế” còn nóng hơn cái nắng 42 độ của ngày hè. Nắng nóng, người ta chỉ cháy da, cháy thịt nhưng có thể trú ẩn vào nơi bóng mát. Còn cái “nóng” thầy thổi vào ngành giáo dục với các giáo viên khiến người người cháy lòng, cháy dạ không thể chạy trốn hiện thực!

Bộ trưởng bộ Giáo dục & Đào tạo Phùng Xuân Nhạ chủ trương thí điểm bỏ biên chế với giáo viên.

Thầy ạ, tôi xin gọi như vậy. Bởi thầy xuất phát từ nghề giáo và thầy vẫn xưng danh như thế với người làm báo như tôi. Nhiều lần, con người trong tôi thắc mắc lắm: Ngày xưa thầy phải phấn đấu như thế nào để vào được biên chế ngành giáo dục? Và, không có một “chân” trong biên chế ngày ấy, liệu thầy có trở thành Tư lệnh ngành như hôm nay không? Biên chế với giáo viên có phải là sự phấn đấu, thi thố khắt khe mà đã thành quy định của ngành? Còn sự tiêu cực xảy ra nó xuất phát từ khâu quản lý!

Thầy đột phá, sáng tạo và tạo dấu ấn riêng khi đảm nhận cương vị mới. Đúng rồi, lịch sử của ngành giáo dục là luôn đổi mới, luôn cải cách và luôn thí điểm... Kiểu như các nhà triết minh vẫn nói: “Tôi tư duy nghĩa là tôi tồn tại”. Và ngành giáo dục không đổi mới, cải cách, thí điểm... các Bộ trưởng không hành động thì người người không biết sự tồn tại xuất sắc của ngành!? Thầy đang làm Bộ trưởng đương nhiệm, thầy cũng đang tư duy! Tôi rất nể phục người luôn luôn tư duy, luôn luôn tồn tại của các đời Bộ trưởng. Tôi càng nể phục mình, nể phục bao thế hệ xoáy vào vòng xoay cải cách, đi theo đường xoáy trôn ốc mệt phờ mà vẫn tới đích may mắn hơn bao nhiêu người đứt gánh giữa đường trôi về điểm xuất phát.

Vì nể phục những cải cách, đổi mới tạo dấu ấn của thầy về “bỏ biên chế” đối với giáo viên mà tôi mong được gặp thầy bằng được. Tôi muốn gửi thầy một đoạn tâm thư (của người tên Lê Nguyễn ở Hải Dương) đang được chia sẻ rất nhiều, là sự băn khoăn, lo lắng của đội ngũ giáo viên. Với một người nếu làm trong ngành giáo dục cần được quan tâm mà nếu là người dân thường tâm tư như thế càng nên được trân trọng!

Nghề giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý.

“Giáo dục là một ngành đặc thù, đặc biệt quan trọng, đã được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm sóc. Vậy tại sao bây giờ lại biến thành doanh nghiệp để hạch toán như kinh doanh của các ngành nghề kinh tế khác? Rồi xuất hiện cảnh ông chủ và người làm công. Đừng nên ngụy biện vì cơ chế thị trường mọi ngành nghề phải cạnh tranh bình đẳng. Chỉ nhìn qua đã thấy có gì đó không ổn, người giáo viên bị hụt hẫng, lo âu vì công việc sẽ bấp bênh không ổn định và mặc cảm với danh phận bấy lâu được xã hội đề cao tôn trọng: "Nghề dạy học là một nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý", "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư", "Thầy, cô như mẹ hiền"... Bỗng một ngày nào đó, các giáo viên bị cắt hợp đồng dạy học, thử hỏi những ảnh hưởng tiêu cực của việc này gây ra sẽ nguy hại và gây nên bất ổn cho xã hội tai hại biết nhường nào?”...

Và người này hỏi thẳng Bộ trưởng: “Xin thưa Bộ trưởng, nếu thí điểm, tôi tin sẽ thành công, thậm chí thành công to lớn. Rồi cũng như bao lần đổi mới trước đây như mô hình giáo dục VNEN, đề án Ngoại ngữ 2020... thí điểm thành công nhưng áp dụng vài năm lại "chết không thuốc chữa", chấp nhận thất bại, làm rối loạn và tốn kém biết bao nghìn tỷ đồng, gây hoang mang, mất lòng tin của người dân và giáo viên”.

Bộ trưởng bộ Giáo dục & Đào Tạo trong phiên chất vất trả lời chất vấn tại Quốc hội.

Câu hỏi này cần được Bộ trưởng trả lời, nó là tâm tư của nhiều giáo viên, là thắc mắc của dư luận. Một người làm báo, với trách nhiệm đưa tin trung thực, có quan điểm tôi đã nhiều lần tiếp cận Bộ trưởng mong nhận được câu trả lời thỏa đáng.

Tôi tìm gặp Bộ trưởng nhiều lần trong Quốc hội, nơi Bộ trưởng là Đại biểu đại diện cho tiếng nói của người dân nói chung và cho ngành giáo dục nói riêng. Nhưng tôi luôn bị thất vọng hết lần này đến lần khác vì lời từ chối khéo, có khi rất thẳng của Bộ trưởng. Tôi nghĩ, vì một câu hỏi mà xã hội quan tâm tôi sẽ tìm đến khi tới đích, cho dù Bộ trưởng có không hài lòng!

Đặt vấn đề “bỏ biên chế giáo viên” lần nào gặp Bộ trưởng trong Quốc hội tôi cũng được nghe câu nói rất vội: Điều này thầy đã chia sẻ trên các báo rồi! Bộ trưởng ạ, câu hỏi tôi gửi tới Bộ trưởng là tâm tư của giáo viên, của người dân, nó khác các báo!

Chỉ khi, không đành lòng được nữa, tôi nhắn một tin dài mong muốn được Bộ trưởng giải đáp tôi nhận được một sự hồi âm thật yêu mến đúng như tình thầy trò: “Chào..., định hướng thí điểm theo từng bước thận trọng mình đã nói rõ (thể hiện trên báo chí rồi). Cảm ơn... nhé”- (sau dấu ba chấm là tên của PV). Chỉ khi tôi hỏi thẳng về bức tâm thư trên, thì tôi nhận được trao đổi bằng điện thoại và email của Thư ký của Bộ trưởng. Mặc dù nhắn tôi gửi câu hỏi để Bộ trưởng xem xét trả lời nhưng không biết Bộ trưởng có nhận được câu hỏi của một nhà báo như tôi chưa? Mang sứ mệnh giải đáp vấn đề dư luận quan tâm, nhưng đã hơn một tuần trôi qua, những câu hỏi vẫn rơi vào khoảng không vô định. Tôi vẫn nhìn thấy Bộ trưởng, tìm gặp nhiều lần, hỏi nhiều lần nhưng chỉ nhận được cái bắt tay hờ hững!

Thú thật, cá nhân tôi bắt đầu có sự thất vọng. Báo chí lao vào điểm nóng dư luận gặp bức tường đá như một thành trì cố hữu, né tránh thì nản quá! Sự không nhìn thẳng, giải đáp băn khoăn, lo lắng của giáo viên, dư luận có phải là ứng xử thông minh trong thời điểm... im lặng quý hơn vàng!

Giáo dục hướng đến thực chất nhằm tạo ra thành tích thực sự. (ảnh minh họa)

Thầy ạ, tôi muốn vàng của ngành giáo dục là đích đến thực chất, là những tấm huy chương lấp lánh thực sự, chứ không phải sự im lặng đến khó hiểu! Con đường của giáo dục có khi là sự bảo thủ, là đường dài nhưng luôn tìm đích đến vinh quang chứ không phải người xây, người phá. Mọi thí điểm, cải cách chỉ thỏa mãn cái tôi cá nhân để giáo dục giậm chân tại chỗ là có lỗi với thế hệ hôm nay và mai sau. Trong thời điểm toàn cầu tiến về phía trước mình đứng yên nghĩa là tụt hậu.

Mong giáo dục đi con đường quen, lối chân người tiền nhiệm đã khai phá, mỗi đời Bộ trưởng có trọng trách đặt thêm những viên gạch hồng sẽ thành con đường đẹp hướng tới đích tuy có hơi dài. Giáo dục đừng đi đường vòng, có thể nhìn thấy đích sớm nhưng dễ lạc lối, xoay tít vòng quanh và lại thấy bóng dáng của đèn cù!

Minh Khánh

Tin nổi bật