Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

11 địa phương sử dụng vượt 7.951 biên chế

(DS&PL) -

Sáng 27/6, Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2016 đã họp phiên thứ hai.

Sáng 27/6, Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2016 đã họp phiên thứ hai, nghe Chính phủ báo cáo và giải trình về nội dung này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Trưởng đoàn giám sát chủ trì phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

11 địa phương sử dụng vượt 7.951 biên chế

Theo báo cáo của Chính phủ, trước thời điểm tháng 7/2011, Chính phủ nhiệm kỳ 2007 - 2011 có 30 cơ quan, gồm 22 bộ, cơ quan ngang bộ; 8 cơ quan thuộc Chính phủ. So với Chính phủ khóa XI giảm được 8 đầu mối: giảm 4 bộ, cơ quan ngang bộ và 4 cơ quan thuộc Chính phủ. Trong nhiệm kỳ Chính phủ 2011 - 2016 và thời điểm từ tháng 8/2016 đến nay, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, tổ chức bộ máy của Chính phủ được giữ ổn định gồm: 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ và 8 cơ quan thuộc Chính phủ. Các cơ quan chuyên môn ở địa phương được sắp xếp, tổ chức lại phù hợp, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt và theo xu hướng thu gọn đầu mối, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính.

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, năm 2015, 2016 có 34 lượt bộ, ngành và 106 lượt địa phương đề nghị thẩm tra đối tượng tinh giản biên chế với tổng số đối tượng giải quyết tinh giản biên chế là hơn 17.600 người. Tính đến ngày 15/3, tổng số đối tượng được thẩm tra tinh giản biên chế là gần 5.000 người. Hiện nay, có 11 địa phương gồm: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Dương, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Long An sử dụng vượt 7.951 biên chế so với số biên chế công chức được Bộ Nội vụ giao.

Ngoài ra, tính đến 30/11/2016, các bộ, ngành, địa phương ký lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp là 19.900 người; trong đó, ở 18 bộ, ngành là 10.218 người và 46 địa phương là 9.682 người. Số lượng cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố tính đến tháng 12/2016 là 1.193.162 người. Tổng quỹ lương của cán bộ, công chức cấp xã và thực hiện khoán quỹ phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố là 32.404,788 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy, số lượng cấp phó tại một số tổ chức hành chính còn vượt so với quy định. Tổ chức bộ máy bên trong của một số bộ, ngành vẫn còn biểu hiện cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian…

Điều này cũng được Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định khi cho biết qua làm việc với 15 bộ, ngành ở trung ương và trực tiếp giám sát tại 15 tỉnh, thành phố, Đoàn giám sát nhận thấy việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước thời gian qua còn không ít bất cập, hạn chế. Tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước còn cồng kềnh, tầng nấc, chưa thực sự tinh gọn và hiệu lực, hiệu quả. Một số chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan còn có sự giao thoa, chồng chéo, bỏ trống, chưa thực sự hợp lý. Kết quả thực hiện chính sách tinh giản biên chế còn rất hạn chế.

“Nhìn vào số liệu là không giảm. Tổng biên chế cả nước tính đến 31/12/2015 là 3.563.903 người nhưng biên chế cả nước tính đến 1/2/2017 là 3574.303 người, là tăng chứ không giảm. Theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị (về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức) thì số lượng đã tăng 20.400 người, tăng 0,57%. Từ đó, quỹ lương cho biên chế năm 2015 là 405.000 tỷ đồng nhưng đến năm 2016 đã tăng lên 410.000 tỷ đồng, tăng 1,3%. Điều đó cho thấy tinh giản biên chế nhưng chưa hiệu quả, chưa có con số thuyết phục”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Khó tinh giản biên chế

Lý giải về việc tăng biên chế công chức, Chính phủ cho rằng nguyên nhân là do bổ sung chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực theo quy định của pháp luật chuyên ngành và việc chia tách, thành lập mới các đơn vị hành chính cấp, huyện, xã. Song, theo một số thành viên đoàn giám sát, cần xem lại cách xác định biên chế, nơi nào cần biên chế, nơi nào không, từ đó mới thực hiện tinh giản biên chế có hiệu quả.

Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho rằng, tinh giản biên chế thực tế rất khó. Nhìn lại quá trình thực hiện Nghị định 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế, hầu như không cơ quan nào thực hiện được. Chủ yếu chỉ là giải quyết cho những người đến tuổi nghỉ hưu.

“Những người không làm được việc vẫn ở trong bộ máy. Những người ra, theo yêu cầu của Nghị định này là 10 người nghỉ hưu được lấy 5 người. 5 người đấy là những người đã chờ sẵn. Còn lại là đội ngũ đã lão hóa, cứ sống lâu lên lão làng, không thay đổi được, không chuyển hóa được thì bộ máy lão hóa, không hiệu lực, hiệu quả”, ông Phan Trung Lý khẳng định. Từ đó, ông đề nghị xem lại cách xác định biên chế. Công chức là thực hiện công vụ nhưng có phải tất cả các công vụ điều do công chức thực hiện không và tất cả các dịch vụ công đều do người nhà nước thực hiện không?

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, Nghị định 108 quy định về điều kiện tinh giản biên chế là chưa hợp lý, trong đó chủ yếu là người đủ tuổi về hưu, còn những người làm việc không hiệu quả, không có kỷ luật kỷ cương thì không thể giảm được.

Cuối cùng “chúng ta vẫn giữ lại trong bộ máy một bộ phận người làm việc chưa có hiệu lực, hiệu quả, chưa đảm bảo tiêu chuẩn, chức năng, điều kiện trình độ của cán bộ, công chức, đó là điều đáng suy nghĩ”, ông Uông Chu Lưu nêu rõ, đề nghị tới đây phải tiếp tục thực hiện.

Nhìn từ hiện tượng chức năng, nhiệm vụ của các bộ, cơ quan ngang bộ vẫn còn giao thoa, chồng lấn, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, thành viên đoàn giám sát phân tích: Ngoài các bộ, cơ quan ngang bộ đã được tổ chức theo mô hình đa ngành, đa lĩnh vực, vẫn còn có 92 cơ quan tổ chức do Chính phủ và Thủ tướng thành lập và 123 tổ chức do bộ trưởng thành lập. Đó là điều đáng suy nghĩ.

Hiện tượng này thể hiện nguyên tắc phân công quản lý nhà nước một cơ quan làm nhiều việc, nhưng một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính lại chưa được thực hiện. Vì vậy còn rất nhiều tổ chức phải liên ngành. Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Đường đề nghị Chính phủ cần đánh giá sâu về nội dung này.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, để tinh gọn bộ máy và biên chế phải có cách nhìn, quan điểm nhất quán, tổng thể. Phải đổi mới cả hệ thống chính trị. Nhìn từ góc độ đổi mới cả hệ thống chính trị và từ quan điểm xây dựng nhà nước pháp quyền, nền kinh tế thị trường và vai trò của xã hội, từ đó mới tiếp tục sắp xếp, kiện toàn được bộ máy hành chính nhà nước.

“Có nhất thiết việc gì cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan ủy ban, các bộ, ngành đều phải trực tiếp tham gia không, mà có thể có những việc phải chuyển ra cho khu vực xã hội, khu vực tư nhân, đẩy mạnh xã hội hóa, có thể tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm ở những nơi mà đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện. Hoặc chúng ta thực hiện cơ chế một người có thể kiêm nhiệm nhiều vị trí, chức danh và khoán chi hành chính, khoán chi biên chế, đó là những giải pháp”, Phó Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng, xây dựng tổ chức bộ máy, tinh gọn đầu mối cần nghiên cứu cải cách từ trên xuống.

Tin nổi bật