Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Thủ tướng chỉ đạo xử lý nghiêm vi phạm trong sử dụng kinh phí chống dịch Covid-19

(DS&PL) -

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, chuyển hồ sơ, tài liệu cho cơ quan điều tra, xử lý nghiêm những vi phạm pháp luật trong thực hiện các gói thầu mua sắm thiết bị y tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, chuyển hồ sơ, tài liệu cho cơ quan điều tra, xử lý nghiêm theo quy định những vi phạm pháp luật trong thực hiện các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế.

Thiết bị máy xét nghiệm tự động phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Báo Chính Phủ

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến chỉ đạo về việc xử lý vi phạm trong sử dụng kinh phí phòng, chống dịch Covid-19.

Xét đề nghị của bộ Công an về tình hình vi phạm trong việc sử dụng kinh phí chống dịch Covid-19 tại một số địa phương, Thủ tướng chỉ đạo bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, chấn chỉnh, thẩm định lại và thanh tra việc thực hiện các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, thuốc chữa bệnh… phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu rà soát các gói thầu mua sắm hệ thống máy xét nghiệm sinh hóa, máy thở, khẩu trang y tế, hóa chất vật tư tiêu hao; nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chuyển hồ sơ, tài liệu cho cơ quan điều tra để điều tra làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định.

Trước đó, ngày 22/4, C03 bộ Công an đã khởi tố bị can Nguyễn Nhật Cảm (Giám đốc CDC Hà Nội) cùng 6 người khác về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Điều tra ban đầu xác định các bị can đã câu kết, gian lận, thông đồng nâng khống giá trị gói thầu mua sắm Hệ thống Realtime PCR tự động - xét nghiệm Covid-19.

Theo kết quả điều tra ban đầu, từ đầu năm 2020, CDC Hà Nội mua sắm một số hệ thống Realtime PCR tự động nhằm phục vụ nhu cầu xét nghiệm phòng chống dịch Covid-19.

Hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phòng chống Covid-19 khi nhập về Việt Nam chỉ có giá khoảng 2,3 tỷ đồng, tuy nhiên, các đối tượng đã "bắt tay" nâng khống giá lên tới 7 tỷ đồng.

Sau vụ việc ở Hà Nội, một loạt các địa phương như Quảng Nam, Thái Bình, Quảng Ninh,..được phản ánh mua thiết bị xét nghiệm Covid-19 với giá cao và được yêu cầu rà soát, thanh tra làm rõ thủ tục mua sắm.

Ngày 24/4, Bộ Y tế có công văn số 2288/BYT-KH-TC đề nghị Sở Y tế các địa phương và nhiều bệnh viện bổ sung số liệu và tổng hợp báo cáo kết quả mua sắm hệ thống máy Real-time PCR tự động của hãng Quiagen (Đức) và toàn bộ các bộ phận cấu thành của hệ thống. 

Công văn nêu rõ, trước đó, ngày 17/4, Bộ Y tế có công văn số 2151/BYT-KH-TC về việc báo cáo mua sắm hệ thống máy Real-time PCR tự động phục vụ công tác xét nghiệm. Ngay sau đó, một số địa phương đã gửi báo cáo về bộ Y tế, tuy nhiên còn nhiều địa phương chưa gửi báo cáo.

Tiếp theo công văn này, Bộ Y tế đề nghị các địa phương, đơn vị tiếp tục thu thập bổ sung số liệu và tổng hợp báo cáo về kết quả mua sắm hệ thống máy Real-time PCR tự động của hãng Quiagen (Đức) và toàn bộ các bộ phận cấu thành của hệ thống trên địa bàn về Bộ Y tế. Thời gian báo cáo bổ sung thêm gồm tất cả các hợp đồng đã được ký kết từ ngày 1/3/2018 đến 29/2/2020 (2 năm).

Bộ Y tế yêu cầu các tài liệu đề nghị photocopy, đóng dấu sao y bản chính và gủi kèm báo cáo về Bộ Y tế gồm: Quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã được phê duyệt; quyết định phê duyệt kết quả trúng thầu; hợp đồng mua bán giữa các bên, tài liệu về thông số, tính năng kỹ thuật của hệ thống; catologue của thiết bị chính và các thiết bị thành phần của hệ thống, chụp ảnh của các thiết bị nêu trên.

Bạch Hiền (t/h)

Tin nổi bật