Trong cuộc phỏng vấn mới nhất với hãng thông tấn Tass, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov nhận định rằng Ukraine sẽ không bao giờ có thể trở thành thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đồng thời cảnh báo khối quân sự do Mỹ đứng đầu không nên lặp lại những sai lầm trong quá khứ.
Bình luận về tuyên bố của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg rằng điều kiện tiên quyết để Ukraine gia nhập khối quân sự này sẽ là chiến thắng trong cuộc xung đột với Nga, Thứ trưởng Ryabkov khẳng định một kịch bản như vậy sẽ không bao giờ xảy ra và bày tỏ hy vọng rằng ông Stoltenberg sẽ hiểu được điều đó.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov. Ảnh: Tass
Ông Ryabkov cho rằng nhà lãnh đạo NATO nên biết về những gì đã xảy ra sau khi khối này tuyên bố tại hội nghị thượng đỉnh Bucharest (Romania) năm 2008 rằng Ukraine cuối cùng sẽ trở thành thành viên. "Điều này đã trở thành nguyên nhân gây ra phần lớn cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang chứng kiến ngày nay”, ông nói.
Ukraine chính thức nộp đơn xin gia nhập liên minh quân sự do Mỹ dẫn dắt vào tháng 9/2022, không lâu sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt. Bất chấp đề nghị của Ukraine về việc đẩy nhanh lộ trình kết nạp, NATO đến nay vẫn từ chối ấn định một thời gian cụ thể hoặc lộ trình gia nhập cho Ukraine.
Kể từ năm 2023, Ukraine đã ký các hiệp định an ninh song phương với một số thành viên NATO, bao gồm Anh, Pháp và Đức. Tuy nhiên, các thỏa thuận này không có quyền lực tương tự như Điều 5 của Hiến chương NATO, trong đó quy định rằng một cuộc tấn công nhằm vào một thành viên đều được coi là một cuộc tấn công chống lại toàn bộ khối.
Trong khi đó, Nga coi nguyện vọng gia nhập NATO của Ukraine và việc khối này tiếp tục mở rộng về phía đông là một trong những nguyên nhân sâu xa của cuộc xung đột hiện nay. Moscow coi NATO là mối đe dọa đối với an ninh của nước này và khẳng định Ukraine phải là một quốc gia trung lập với lực lượng vũ trang hạn chế để đi đến đàm phán hòa bình.
Tuần trước, Tổng thống Vladimir Putin đã ra tín hiệu rằng Nga có thể ra lệnh ngừng bắn và bắt đầu đàm phán ngay khi Ukraine rút hoàn toàn quân khỏi Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporozhye. Tuy nhiên, chủ nhân Điện Kremlin nhấn mạnh rằng hòa bình lâu dài chỉ có thể đạt được nếu Ukraine cam kết duy trì vị thế trung lập và từ bỏ kế hoạch gia nhập NATO. Cả Ukraine và NATO sau đó đều bác bỏ “tối hậu thư” này.
Theo RT