Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023 diễn ra vào chiều ngày 3/6, câu hỏi về nguy cơ thiếu điện và giải pháp để bảo đảm điện cho sinh hoạt và sản xuất trong thời gian tới đã được đặt ra với Bộ Công Thương.
Về vấn đề này, Thứ tưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết hiện nay, có một số nơi đang thiếu điện cho sản xuất, điện sinh hoạt của người dân.
"Thay mặt Bộ Công Thương, tôi xin được bày tỏ sự đồng cảm, sự chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp, cũng như sự bất tiện, nỗi khổ của người dân trong sinh hoạt, trong cuộc sống hàng ngày", báo Người Lao Động dẫn lời ông Đỗ Thắng Hải. Dù vậy, theo ông, việc thiếu và mất điện tại Hà Nội và một số địa phương chỉ trong một thời gian nhất định.
Thứ trưởng Bộ Công Thương chia sẻ, trong 4 tháng đầu năm tình hình cung ứng điện cơ bản ổn định nhưng bước sang tháng 5 đã gặp khó khăn do tình trạng nắng nóng gay gắt kéo dài, nhu cầu sử dụng điện tăng cao.
Trong khi đó, lưu lượng nước về các hồ thủy điện, nhất là phía Bắc, rất thấp cũng gây ảnh hưởng lớn đến tình hình cung ứng điện. Đặc biệt, cuối tháng 5 vừa qua, nguồn thân nhập khẩu về chậm hơn so với nhu cầu cung ứng cho sản xuất điện.
Trước tình hình nói trên, Chính phủ, Thủ tướng và Bộ Công Thương đã có chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và các đơn vị có liên quan theo sát tình hình thời tiết, đảm bảo nguồn cung nguyên liệu cho phát điện. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, nâng cấp, sửa chữa các công trình nguồn và lưới điện.
Thứ tưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải. Ảnh: VTC News
Bộ Công Thương đã thực hiện theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo cung ứng điện, nhất là trong những tháng nắng nóng. Lãnh đạo Bộ Công Thương đã nêu 3 nhóm giải pháp chính nhằm đảm bảo cung ứng điện.
Thứ nhất, cần đảm bảo và tăng cường công tác vận hành, vận hành hệ thống điện sẵn có và đảm bảo việc cung cấp nhiên liệu để phục vụ sản xuất điện.
Theo đó, Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị điện lực tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ mà Thủ tướng và Chính phủ giao để đảm bảo cung ứng điện mùa khô năm 2023.
Ngoài ra, rà soát công tác vận hành hệ thống điện, chỉ đạo các đơn vị phát điện chuẩn bị tư liệu sẵn sàng phục vụ cho phát điện.
Đồng thời, Bộ Công Thương yêu cầu tăng sản lượng than cho cấp điện, khoảng 300.000 tấn cho tháng 5 và khoảng 100.000 tấn cho các tháng tiếp theo; tăng 18% lượng khí cấp cho khu vực Đông Nam Bộ và 8% khí cấp cho khu vực Tây Nam Bộ.
Thứ hai, khẩn trương đưa các nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp hòa lưới. Tính đến chiều ngày 31/5, đã có 7 dự án với tổng công suất hơn 430 MW chính thức được phát điện thương mại lên lưới.
Hiện có 59/85 dự án với tổng công suất 3389 MW đã gửi hồ sơ cho công ty mua bán điện thuộc EVN để đàm phán giá điện. Thế nhưng, 26 nhà máy điện với tổng công suất lắp đặt khoảng 1.300 MW chưa gửi hồ sơ.
Thứ ba, đẩy mạnh tiết kiêm điện - giải pháp thực hiện xuyên suốt, lâu dài, không phải khi thiếu điện mới triển khai.
Trước tình hình cấp điện khó khăn, Bộ Công Thương đã phối hợp các địa phương đẩy mạnh tiết kiệm điện. Lượng điện tiết kiệm 20 triệu kWh/ngày, tương đương 2,5% lượng điện tiêu thụ, theo thông tin trên báo Tuổi Trẻ.
Về giải quyết điện gió và điện mặt trời, theo ông Đỗ Thắng Hải, Thủ tướng đã ban hành Quy hoạch điện 8, nêu rõ tổng công suất phát triển điện gió, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời và không có tên dự án cụ thể. Bộ Công Thương hiện đang hoàn thiện quy định, xây dựng cơ sở triển khai để làm căn cứ thực hiện các dự án trong thời gian tới.
Về tháo gỡ cho các dự án, Bộ Công Thương đã ban hành quy định về khung giá chuyển tiếp, chỉ đạo EVN và các chủ đầu tư đàm phán và không vượt quá khung giá phát điện. Tuy nhiên, ngoài cơ chế giá điện, các dự án cần tuân thủ quy định khác như quy hoạch, đầu tư, đất đai, môi trường.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói: “Với sự thiện chí, quan điểm hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro, tuân thủ pháp luật, chúng ta mong các dự án này sớm khắc phục vướng mắc, khó khăn, thậm chí vi phạm. Các địa phương cần hỗ trợ để vượt qua khó khăn và sớm đưa vào huy động nguồn điện đảm bảo cung cấp điện”.
Trong thời gian tới, với tổng nguồn của hệ thống điện hơn 81.000 MW, còn phụ tải cao nhất là 44.000 MW, ông Đỗ Thắng Hải bày tỏ, nếu đảm bảo các tổ máy không gặp sự cố, vận hành tin cậy và đủ nhiên liệu, đủ tiếp nước cho các hồ thủy điện thì sẽ khắc phục được tình trạng thiếu điện và đảm bảo điện cho sản xuất, đời sống người dân.
Đinh Kim (T/h)