Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Chấm dứt tình trạng dạy thêm học thêm là mệnh lệnh của ngành giáo dục

  • Thủy Tiên (T/h)
(DS&PL) -

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, hiện nay dạy thêm học thêm tràn lan “đã chạm đến lằn ranh đỏ”. Việc chấm dứt tình trạng dạy thêm học thêm là mệnh lệnh của ngành giáo dục.

Mới đây, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai công tác tuyển sinh đầu cấp, tổ chức thi tốt nghiệp THPT và đánh giá việc thực hiện Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 29).

Thông tư 29 nhận được sự đồng thuận cao, quan tâm đặc biệt của xã hội

Phát biểu tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông (Bộ GD&ĐT) Thái Văn Tài cho biết, Thông tư 29 đã nhận được sự đồng thuận cao và quan tâm đặc biệt của xã hội, nên được nắm bắt nhanh chóng và được triển khai kịp thời, đáp ứng mong mỏi của người dân, báo Đại biểu Nhân dân đưa tin.

Các địa phương, Nhà trường, giáo viên, cha mẹ học sinh nhận thức rõ thêm về hệ lụy, tác hại của dạy thêm học thêm tràn lan tới học sinh, cha mẹ học sinh, Nhà trường và toàn xã hội.

Quy định của Thông tư 29 hạn chế tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan, không đúng quy định. Các trường học tập trung nâng cao chất lượng dạy và học trong chương trình chính khóa; chấm dứt việc dạy thêm có thu phí trong Nhà trường, tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận tri thức mà không bị áp lực về học tập và tài chính.

Về tồn tại, hạn chế, Bộ GD&ĐT đánh giá còn một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên chưa hiểu hết quy định, tinh thần của Thông tư số 29. Tại các buổi làm việc, Bộ GD&ĐT ghi nhận một số ý kiến băn khoăn, lúng túng cho thấy việc tuyên truyền chưa thực sự hiệu quả, kịp thời.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông Thái Văn Tài. Ảnh: Đại biểu Nhân dân

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông, qua kiểm tra thực tiễn tại một số địa phương và tổng hợp báo cáo của các Sở GD&ĐT, Bộ GD&ĐT nhận thấy việc triển khai thực hiện Thông tư số 29 chưa được hiệu quả ở một số địa phương vì những nguyên nhân chính sau:

Thứ nhất, việc quản lý dạy thêm, học thêm không phải là vấn đề mới. Từ năm 2012, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 17/2012/TT-BGD&ĐT về quản lý dạy thêm, học thêm, theo đó dạy thêm, học thêm được đưa vào danh mục kinh doanh có điều kiện và được cấp phép để hoạt động.

Tuy nhiên, có một số nơi đã buông lỏng quản lý, dẫn tới dạy thêm, học thêm tràn lan, chưa thực hiện đúng các quy định tại Thông tư 17/2012/TT-BGD&ĐT.

Thứ hai, việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày chưa được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, chưa khai thác và sử dụng hết hiệu suất về cơ sở vật chất và định biên giáo viên được giao cho nhà trường để thực hiện các nội dung dạy học chính khóa, chưa khai thác hết nguồn lực để dạy học theo nhu cầu người học theo quy định. Công văn hướng dẫn dạy học 2 buổi/ngày ban hành năm 2010 chưa đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018 cần phải thay đổi điều chỉnh.

Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm; thành lập đoàn kiểm tra và tiến hành kiểm tra trực tiếp tại 5 tỉnh thành (Hà Nội, Quảng Trị, Hải Phòng, Bắc Giang, Thái Bình và TP.HCM); chủ động, thường xuyên rà soát, nắm bắt thông tin để kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định về dạy thêm, học thêm, bảo đảm phù hợp thực tiễn và đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới.

Dạy thêm học thêm tràn lan “đã chạm đến lằn ranh đỏ”

Cũng tại Hội nghị, báo VietNamnet dẫn lời Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho hay, hệ lụy của việc dạy thêm học thêm là triệt tiêu tinh thần, phương pháp tự học của học sinh do lệ thuộc vào thầy cô; ảnh hưởng tới đội ngũ nhà giáo, làm xấu đi hình ảnh ngành giáo dục.

Vì thế sự ra đời của Thông tư 29, dù chưa thể chấm dứt ngay tình trạng dạy thêm học thêm, nhưng đã phần nào hạn chế điều này.

Trước việc “ra đời” của nhiều trung tâm, hộ kinh doanh dạy thêm, Thứ trưởng khuyên các địa phương “nên bình tĩnh”. “Mục tiêu của chúng ta là không để học sinh phải ra trung tâm học thêm tràn lan. Đấy cũng là sứ mệnh của nhà trường và các thầy cô giáo”, ông nói.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng. Ảnh: VietNamnet

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, các nhà trường cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Giáo viên cũng phải tự tôn, tự trọng, không thể biết nhưng cố tình vi phạm, đi 'dạy chui'. Thầy cô nếu tự tôn, tự trọng, tới trung tâm bên ngoài, thấy cơ sở vật chất xập xệ, không đủ ánh sáng, không đảm bảo phòng cháy chữa cháy, xin các thầy cô không dạy ở đấy và khuyên học sinh đừng đến học. Tinh thần là không khuyến khích học sinh học thêm bằng mọi giải pháp”, ông Thưởng nói.

Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT trước đây, thầy cô nghĩ dạy thêm như hoạt động bình thường trên lớp. Nhiều phụ huynh cũng đã quen như vậy nên khi quản lý chặt lại không tránh khỏi khó khăn. Tuy nhiên, hiện nay dạy thêm học thêm tràn lan “đã chạm đến lằn ranh đỏ”. Việc chấm dứt tình trạng dạy thêm học thêm là mệnh lệnh của ngành giáo dục.

“Đó là mệnh lệnh về tinh thần trách nhiệm để giáo dục học sinh phát triển toàn diện, đưa giáo dục trở lại đúng nguyên lý của giáo dục vốn có, trả lại tuổi thơ cho các em học sinh.

Dù có nhiều khó khăn, các địa phương, nhà trường phải quyết tâm, nghiêm khắc với những vi phạm, không buông lỏng, không thỏa hiệp với việc dạy thêm, học thêm trái quy định”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng khẳng định.

Tin nổi bật