Bộ GTVT đã ký văn bản đồng ý cho Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) thu phí cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi từ 0h ngày 27/10 mặc cho các nhà thầu chưa xử lý xong sự cố thấm dột cầu cống.
Trả lời câu hỏi về việc trên cao tốc vẫn còn nham nhở, nhiều cầu xuất hiện thấm dột nhưng tại sao vẫn cho lưu thông và thu phí, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết chủ đầu tư phải có trách nhiệm phối hợp với đơn vị tư vấn giám sát, các nhà thầu nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của bộ GTVT.
Nước mưa thấm dột lâu ngày tạo mảng rêu xanh ở cầu chui VD09B thuộc gói thầu A3, tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Ảnh: (Zing.vn) |
"Tất cả những hư hỏng mà báo chí phản ánh, chủ đầu tư phải có trách nhiệm cùng các đơn vị liên quan sửa chữa theo đúng thiết kế. Những hạng mục chưa hoàn thiện thì phải gấp rút làm ngay", Thứ trưởng bộ GTVT nhấn mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng Thọ, khi bộ nhận thấy cao tốc đã đủ điều kiện thông xe kỹ thuật và "Thu phí là để thu hồi vốn cho Nhà nước, cái này cũng hợp lý", ông Thọ chốt lại.
Rạng sáng 27/10, chủ đầu tư dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi thu phí trở lại khiến nhiều tài xế và cả nhiều chuyên gia chuyên môn tỏ ra bất ngờ vì trước đó họ không nhận được thông tin nào liên quan đến việc này.
Theo nhiều tài xế cho biết, họ mong có đường chất lượng để rút ngắn thời gian đi lại giữa các vùng miền. Tuy nhiên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi mới đưa vào khai thác hơn 1 tháng đã xuất hiện ổ gà, ổ voi, cầu cống thấm dột nước mưa khắp nơi thì mất tiền trả phí công trình là bất hợp lý. Hơn nữa, phần lớn các lái xe tỏ ra ngạc nhiên trước việc thu phí chưa thỏa đáng này.
Ảnh TTXVN |
Ông Nguyễn Văn Đực, Ủy viên ban chấp hành Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, cho biết đường cao tốc còn hư hỏng chưa sửa xong nhưng Bộ GTVT cho chủ đầu tư thu phí trở lại là quá vội vàng.
Vị chuyên gia này cho rằng vừa thu phí, vừa sửa cao tốc là điều phi lý. Khi sản phẩm chưa hoàn chỉnh, việc sửa đường chưa nghe nói nghiệm thu, chưa thấy cơ quan nào chứng nhận thì không thể thu phí hoàn vốn.
"Nếu công trình phát sinh hư hỏng thì phải có cục Giám định Nhà nước nghiệm thu, chứng nhận thì mới có thể thu phí trở lại. Công trình mới đưa vào khai thác 1 tháng nhưng xảy ra hư hỏng, thấm dột còn chưa sửa xong đã thu phí trở lại là sai luật rồi. Không thể nói anh tự sửa đường mà anh thu tiền là không thể được", ông Đực nêu quan điểm.
Còn theo ông Nguyễn Hoàng Sơn, nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, ông nhấn mạnh: "Tôi thấy những hàng rào chắn an toàn hai bên cao tốc còn lắp đặt chưa xong, xe máy, chó mèo còn đi lung tung trên đó quá nguy hiểm. Công trình hư hỏng chưa khắc phục xong nhưng Bộ cho VEC thu phí thì càng không nên. Bộ GTVT cho thu phí như vậy là vội vã, chưa đảm bảo an toàn cho người dân".
Dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi có tổng chiều dài gần 140km, gồm 2 hợp phần là hợp phần do JICA tài trợ (Km0+000-Km65+000) và hợp phần WB tài trợ (Km65+000-Km139+204).
Đoạn tuyến hợp phần JICA tài trợ (Km0+000-Km65+000) được đưa vào khai thác từ ngày 2/8/2017. Sau 14 tháng vận hành, ở một số vị trí trên tuyến xuất hiện ổ gà, hiện tượng hư hỏng mặt đường xuất hiện ở lớp VTO và có gần 20 cầu, cống chui xảy ra sự cố thấm dột nước mưa.
Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngại hư hại nặng nề sau 1 tháng thông xe. |
Ông Nguyễn Hoàng Ngân, chuyên gia cầu đường ở Quảng Ngãi, cho biết Nhà nước cần vào cuộc truy tìm nguyên nhân, đưa ra giải pháp khắc phục, sau đó nhà thầu mới tiến hành sửa chữa. Khi chưa làm rõ nguyên nhân thì nhà thầu không được phép tùy tiện xử lý.
"Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi 34.500 tỷ đồng mới đưa vào khai thác hơn 1 tháng mà hàng loạt cầu, cống bị thấm dột là khó thể tin nổi. Sự cố thấm dột xảy ra tràn lan mang tính hệ thống như vậy có nguy cơ gây ảnh hưởng lớn đến tuổi thọ công trình", ông Ngân nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đực, Ủy viên Ban chấp hành Tổng hội Xây dựng Việt Nam đề xuất công trình mới đưa vào khai thác hơn 1 tháng đã phát sinh hư hỏng thì cần giám định, khảo sát khoan địa chất xuống nền đường 1- 2 m để lấy mẫu phân tích tìm ra lỗi để có giải pháp khắc phục phù hợp.
"Bong tróc mặt đường do chất lượng bê tông nhựa không đảm bảo. Sự cố thấm dột ở các cây cầu, cống chui cao tốc ở các khe, mối nối là do thi công ẩu. Nếu nước mưa thấm xuyên qua nền đường xuống trần cầu, cống chui thì cần phải đục, bóc sạch lớp bê tông nhựa bên trên thay mới thì xử lý thấm dột mới hiệu quả", ông Đực đề xuất.
Trong khi đó, ông Trần Xuân Thành, chuyên gia bê tông nhựa Hà Nội, cho biết thêm cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi mới đưa vào khai thác có gần 20 cầu, cống chui thấm dột nước mưa thì "tuổi thọ công trình không thể lâu dài".
Theo vị chuyên gia, nhiều khả năng ván khuôn bị mất nước làm khối bê tông xuất hiện lỗ rỗng nên nước mưa mới thấm qua được. Nếu đào nền đường cao tốc lên xử lý thì phức tạp, tốn kém. Phương án xử lý sự cố thấm dột từ dưới lên vẫn có thể được nhưng phải thực hiện đúng giải pháp thì mới triệt để.
Chiều 17/10, VEC phối hợp với các đơn vị tư vấn giám sát, nhà thầu sửa xong những hư hỏng ổ gà, hư hỏng trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Sau đó, chủ đầu tư có văn bản xin bộ GTVT đồng ý cho thu phí trở lại.
Trước đó, chiều 19/10 từ tin báo của người dân, báo chí phát hiện gần 20 cầu và hầm chui thuộc dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi thấm dột. Theo người dân, cứ có trận mưa là những cầu và hầm này lại có hiện tượng trên.
Chiều 20/10, ông Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc ban quản lý dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi xác nhận việc các cầu, hầm chui bị thấm dột báo chí phản ánh là đúng và đơn vị này đang yêu cầu các nhà thầu khắc phục.
Chiều 26/10, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng bộ Giao thông Vận tải (GTVT), cho biết cơ quan này đã có văn bản đồng ý cho Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) thu phí cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi từ 0h ngày 27/10.
Theo Người Đưa Tin