Theo nguồn tin từ báo Dân Việt, tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam đến năm 2025: Cơ hội và thách thức” mới đây, Thứ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay, kinh tế Việt Nam bắt đầu xu thế giảm từ năm 2007. Tới năm 2012, tăng trưởng kinh tế ở mức thấp nhất trong 15 năm. Từ 2013 tới nay, tăng trưởng cao hơn trước, nhưng chưa như kỳ vọng.
“Trong khu vực ASEAN, GDP bình quân đầu người của Việt Nam chỉ hơn Lào, Campuchia, Đông Timo, Myanmar. Nếu vẫn phát triển như hiện nay, các nước này chỉ mất 3-5 năm tới là vượt mình, đó là điều đáng buồn. Đã tới lúc kinh tế nước ta cần thay đổi để phù hợp với yêu cầu phát triển”, ông Dũng nói.
Theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2013, GDP bình quân đầu người của Việt Nam là 1.910 USD/người, Lào 1.645 USD/người, Campuchia 1.007 USD/người; Myanmar 900 USD/người.
Tuy nhiên khoảng cách này có thể sẽ được rút ngắn nhanh chóng nếu Việt Nam bị rơi vào "bẫy thu nhập trung bình". Năm 2008, thời điểm Việt Nam gia nhập WTO và nền kinh tế được kỳ vọng sẽ trở thành "con rồng" châu Á mới nổi thì nguy cơ bẫy thu nhập trung bình trong tương lai cũng đã được cảnh báo.
Theo TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, chúng ta đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình: “Sau 30 năm đổi mới, cơ cấu kinh tế của ta vẫn là khai thác tài nguyên, gia công dệt may với gia giày và lắp ráp.
Chúng ta xác định quan điểm là một nước công nghiệp công nghệ cao, hiện đại nhưng thực chất, lại không rõ công nghiệp hiện đại, công nghệ cao là như thế nào? Cả 3 nhóm chủ lực nhất của một nền kinh tế công nghiệp đều ở đẳng cấp thấp. Tình trạng này còn có thể kéo dài nữa”
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, ngưỡng để một quốc gia bị coi là rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp là kẹt cứng ở một vị trí thu nhập trung bình trong 28 năm và ngưỡng thời gian rơi vào bẫy thu nhập trung bình cao là 14 năm.