Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Thông tư 29 có hiệu lực: Giáo viên dạy thêm trái quy định bị xử lý thế nào?

  • Thủy Tiên (T/h)
(DS&PL) -

Trường hợp giáo viên vi phạm quy định về dạy thêm sẽ phải chịu hình thức kỷ luật từ khiển trách, cảnh cáo và buộc thôi việc.

Quy định cấm dạy thêm 2025 mới nhất?

Theo Điều 4 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định các trường hợp cấm dạy thêm, tổ chức dạy thêm từ ngày 14/2/2025 gồm:

- Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kĩ năng sống.

- Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

- Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lí, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.

Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT quy định về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực từ ngày 14/2. Ảnh minh họa 

Ngoài ra, theo Điều 5 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định cấm dạy thêm đối với tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh nhưng không thực hiện các yêu cầu sau:

- Đăng kí kinh doanh theo quy định của pháp luật;

- Công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại nơi cơ sở dạy thêm đặt trụ sở về các môn học được tổ chức dạy thêm; thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm.

Bên cạnh đó, người dạy thêm ngoài nhà trường phải bảo đảm có phẩm chất đạo đức tốt; có năng lực chuyên môn phù hợp với môn học tham gia dạy thêm. Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với Hiệu trưởng hoặc Giám đốc hoặc người đứng đầu nhà trường (sau đây gọi chung là Hiệu trưởng) về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm.

Giáo viên dạy thêm trái quy định bị xử lý thế nào?

Trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, đoàn luật sư TP.Hà Nội cho hay, khi đã có quy định về các trường hợp “cấm” dạy thêm học thêm, nếu giáo viên vi phạm sẽ phải chịu hình thức kỷ luật từ khiển trách, cảnh cáo và buộc thôi việc.

Cụ thể, theo Điều 15, 16 Nghị định 112/2020 của Chính phủ quy định rõ các hình thức xử lý kỷ luật với giáo viên dạy thêm trái quy định. Với giáo viên dạy thêm không giữ chức vụ quản lý trong nhà trường sẽ chịu các hình thức kỷ luật như khiển trách, cảnh cáo và buộc thôi việc.

Giáo viên dạy thêm khi đang đảm nhận chức vụ quản lý phải chịu hình thức kỷ luật cao hơn, tùy vào mức độ sai phạm, gồm: khiển trách, cảnh cáo, cách chức và buộc thôi việc.

Người đứng đầu đơn vị sẽ căn cứ vào mức độ vi phạm để ra quyết định xử lý kỷ luật phù hợp với giáo viên có hành vi dạy thêm không đúng với quy định. Ngoài ra, một số trường hợp giáo viên còn có thể bị hạn chế thực hiện hoạt động nghề nghiệp theo quy định của pháp luật có liên quan.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, đoàn luật sư TP.Hà Nội.

Theo vị luật sư, ngoài hình thức xử lý kỷ luật thì giáo viên dạy thêm trái quy định còn có thể bị xử phạt đến 12 triệu đồng.

Luật sư Đặng Văn Cường cho biết thêm, Điều 3 Nghị định 04/2021/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 127/2021/NĐ-CP) quy định hình thức xử phạt và mức tiền phạt trong lĩnh vực giáo dục.

Trong đó, nếu vi phạm quy định trong giáo dục, giáo viên có thể bị phạt bổ sung như tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; đình chỉ hoạt động có thời hạn.

Tin nổi bật