Nhằm chấn chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã chính thức ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT ngày 30 /12/2024, quy định cụ thể về công tác này. Một trong những nội dung đáng chú ý của Thông tư là việc không tổ chức dạy thêm đối với học sinh cấp tiểu học, ngoại trừ các hoạt động bồi dưỡng năng khiếu về nghệ thuật, thể dục thể thao, hoặc rèn luyện kỹ năng sống.
Quy định này được kỳ vọng sẽ góp phần giảm tải áp lực học tập cho học sinh tiểu học, đồng thời hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, gây bức xúc trong dư luận thời gian qua.
Mặc dù đã được thông báo và chuẩn bị tâm lý từ trước, nhiều phụ huynh không khỏi bỡ ngỡ khi Thông tư 29 chính thức có hiệu lực từ ngày 14/2. Chia sẻ với báo Sức khỏe & Đời sống, chị Quỳnh Mai (36 tuổi, ngụ tại quận Hà Đông, Hà Nội), có con đang theo học lớp 1, bày tỏ: "Vợ chồng tôi đều là công chức, công việc bận rộn, lại thêm chồng thường xuyên đi công tác xa. Ngày đầu tiên quy định mới được áp dụng, tôi buộc phải xin phép cơ quan về sớm để đón con. Tuy nhiên, việc xin nghỉ thường xuyên như vậy là không khả thi."
Thông tư 29 quy định về dạy thêm học thêm chính thức có hiệu lực từ ngày 14/2. Ảnh minh họa
Tương tự như chị Mai, chị Thu Trang (29 tuổi, trú tại huyện Thạch Thất, Hà Nội), có con đang học lớp 2 tại Trường Tiểu học P.K, cho biết: "Nhà trường đã triển khai Thông tư 29, theo đó các tiết học bồi dưỡng kiến thức văn hóa buổi chiều đều bị cắt giảm, thời gian tan học sớm hơn, vào khoảng 15h30. Trong khi đó, giờ tan làm của tôi là 17h, nên việc sắp xếp đưa đón con sau giờ học trở thành một bài toán khó."
Chị Trang cũng đồng tình với chủ trương quản lý chặt chẽ hoạt động dạy thêm, học thêm để tránh tình trạng giáo viên gây áp lực, ép học sinh học thêm nhằm tạo lợi thế cho học sinh tham gia học thêm.
"Trước đây, con tan học muộn hơn, tôi có thể đón con ngay sau khi hết giờ làm. Nhưng bây giờ, tôi đang phải tìm người thân, bạn bè hỗ trợ đưa đón hoặc gửi con tại các nhóm trông trẻ tư nhân, vừa tốn kém, vừa không yên tâm về chất lượng chăm sóc," chị Trang bày tỏ sự băn khoăn.
Không chỉ riêng chị Mai hay chị Trang, trên các diễn đàn phụ huynh và nhóm lớp, nhiều cha mẹ có con đang học tiểu học cũng bày tỏ sự lo lắng khi phải tìm kiếm giải pháp cho việc đưa đón con sớm.
Nói về những băn khoăn của phụ huynh trong việc đưa đón con khi thời khóa biểu thay đổi tại Tọa đàm “Thông tư 29: Cơ hội hay thách thức cho giáo dục?” vừa diễn ra, VOV dẫn lời Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Xuân Thành cho biết, trong việc tổ chức hoạt động giáo dục trong nhà trường không phải chỉ đưa học sinh vào lớp để dạy, khi triển khai chương trình 2018, Bộ ban hành một công văn 5512, hướng dẫn giáo viên thực hiện đúng vai trò của mình là người tổ chức, kiểm tra, định hướng hoạt động học tập của học sinh chứ không phải chỉ dạy.
Thầy cô soạn bài làm sao để giao việc cho học sinh làm bài, sau đó kiểm tra hỗ trợ, cho các em trao đổi với nhau để phát triển các năng lực khác, rồi mới kết luận. Làm như vậy năng tự học của học sinh sẽ được rèn ngay từ trong từng bài học của chương trình và khi hết giờ, học sinh vẫn còn nhiều thứ có thể phải tự làm tiếp.
“Thậm chí có nhiều hoạt động vận dụng kiến thức vào thực tiễn, với câu hỏi mở mà học sinh sẽ phải thực hiện bên ngoài lớp học. Khi đó, trường vẫn còn không gian, tại sao lại đuổi các cháu ra khỏi trường? Trường là của công, có bảo vệ, các cháu được ở lại trường, chẳng phải gửi đơn hay nộp tiền gì cả. Học sinh sẽ làm tiếp với nhau các hoạt động vận dụng cô giao.
Nhưng vận dụng ở đây không phải là giao cho một tờ phiếu để làm bài tập. Vận dụng là hôm nay học môn hóa chất này, trong bữa cơm nhà con xem có các chất gì. Hay học giãn nở về nhiệt, học sinh xem ở nhà có chỗ nào cần phải chống giãn nở nhiệt không”, ông Thành dẫn chứng.
Việc các trường học ngừng triển khai các hoạt động bồi dưỡng, tăng cường kiến thức có thu phí đã đặt ra thách thức mới đối với các bậc cha mẹ. Ảnh minh họa
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học nhấn mạnh, có nhiều hoạt động khác đều vận dụng kiến thức với nhiều câu hỏi mở, để dành thì giờ cho trẻ con làm và viết ra rồi nộp cho cô. Tất cả những không gian, thời gian ấy trong nhà trường cần phải tặng cho học sinh. Các trường đều có thư viện cần mở tối đa để phục vụ các em đọc sách.
“Một kế hoạch giáo dục nhà trường mà vỏn vẹn chỉ có thời khóa biểu thì có đúng không? Chúng ta cứ tưởng tượng, nếu một ngày có 7- 8 tiết mà trẻ con phải ngồi từng ấy tiết trong lớp, không chính khóa học thêm, các em hoạt động vào lúc nào để đạt được năng lực mong muốn? Chính các nhà trường cần thấy phải có trách nhiệm đối với các học sinh đã tin tưởng đến trường mình”, ông Thành nói.