Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Thông qua Luật Thanh niên (sửa đổi) và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

(DS&PL) -

Chiều 16/6, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thanh niên (sửa đổi) và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án với đa số phiếu tán thành.

Chiều 16/6, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thanh niên (sửa đổi) và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án với đa số phiếu tán thành.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Tiếp tục chương trình kỳ họp, sáng 16/6, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo Nghị quyết giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác.

Qua thảo luận, các ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội về sự cần thiết ban hành Nghị quyết, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác theo hướng kịp thời, đúng đối tượng, nhằm đạt được mục tiêu về hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, đồng thời phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của ngân sách nhà nước.

Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về những vấn đề: sự cần thiết ban hành Nghị quyết; tên gọi của Nghị quyết; đối tượng áp dụng; mức giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; nới rộng mức giảm thuế từ 30% lên 40%; các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, bảo đảm chính sách hỗ trợ về tín dụng; gia hạn thời gian kiểm toán, thanh tra tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất; kỳ tính thuế và chi phí phải thu; hiệu lực thi hành Nghị quyết...

Các ý kiến thảo luận của đại biểu sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội và các cơ quan có liên quan tiếp thu, giải trình đầy đủ để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội thông qua.

Thời gian còn lại của buổi sáng, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Biên phòng Việt Nam. Các ý kiến đại biểu cơ bản đồng tình với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội về sự cần thiết ban hành Luật.

Tại phiên thảo luận, các ý kiến đại biểu tập trung thảo luận về tên gọi, phạm vi điều chỉnh; nhiệm vụ của biên phòng và nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng; lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng; phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng; quyền hạn của bộ đội biên phòng; chế độ, chính sách về biên phòng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân...

Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Trong phiên họp toàn thể buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thanh niên (sửa đổi) và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án với đa số phiếu tán thành.

Thời gian còn lại của buổi chiều, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Các ý kiến tập trung thảo luận việc thay thế phương thức quản lý dân cư thông qua Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú bằng phương thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú; điều kiện được đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc trung ương; quy định chuyển tiếp khi Luật có hiệu lực thi hành; làm rõ một số khái niệm nội hàm của một số nội dung được quy định trong Luật; tính khả thi, thời gian, sự bất cập của thời điểm thi hành Luật Cư trú; địa điểm không được đăng ký thường trú, tạm trú mới; việc bổ sung trường hợp bị xóa đăng ký thường trú; các hành vi bị nghiêm cấm; các trường hợp bị hạn chế quyền tự do cư trú; trách nhiệm của công dân về cư trú; trách nhiệm quản lý nhà nước về cư trú…

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá rằng ý kiến của các đại biểu Quốc hội thống nhất cao với sự cần thiết phải sửa đổi toàn diện Luật Cư trú hiện hành, đồng thời tán thành với nhiều chính sách lớn trong dự án luật và nhiều nội dung của Báo cáo thẩm tra. Các đại biểu Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan liên quan cần rà soát thêm các khái niệm, thuật ngữ ở trong dự thảo luật để đảm bảo tính thống nhất và chính xác; yêu cầu phải chuẩn bị các điều kiện như việc cấp số định danh cá nhân, việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư... để bảo đảm luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2021.

Các ý kiến thảo luận của đại biểu sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với Cơ quan trình dự án và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình hoàn thiện dự thảo Luật để Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10. 

Ngày mai 17/6, Quốc hội tiếp tục làm việc theo chương trình.


Tin nổi bật