Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều

(DS&PL) -

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, 92,34% đại biểu có mặt đã biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.

Sáng 17/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, 92,34% đại biểu có mặt đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.

Kết quả biểu biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ luật, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua khoản 6, Điều 1 sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 và điểm c khoản 3 Điều 9 Luật Phòng, chống thiên tai về ngân sách nhà nước cho phòng chống thiên tai; khoản 4 Điều 2 Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 28 Luật Đê điều về việc bỏ quy định cầu dẫn trên bãi sông khi xây cầu qua tuyến sông có đê.

Tại báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều cho thấy: Đối với ngân sách nhà nước cho Phòng chống thiên tai (Khoản 6 Điều 1 sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 và điểm c khoản 3 Điều 9 Luật Phòng chống thiên tai), có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị ngân sách Nhà nước cho phòng, chống thiên tai cần bổ sung mục chi riêng trong mục lục ngân sách nhà nước để tập trung, chủ động nguồn lực cho phòng, chống thiên tai, tránh tình trạng thiếu hụt và chậm trễ trong phân bổ, sử dụng. Ý kiến khác đề nghị không nên quy định nội dung này trong Luật, mà để văn bản hướng dẫn Luật Ngân sách Nhà nước quy định.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, qua giám sát và báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, ngân sách Nhà nước cho phòng chống thiên tai mặc dù được Nhà nước quan tâm nhưng cũng chỉ đáp ứng được một phần của Kế hoạch Phòng chống thiên tai. Do nguồn lực thiếu nên ngân sách Nhà nước chủ yếu tập trung cho công tác ứng phó thiên tai và hỗ trợ một phần cho khắc phục hậu quả thiên tai, nhiều hoạt động Phòng chống thiên tai còn chưa được thực hiện; việc sử dụng còn thiếu tập trung, thiếu đồng bộ do sử dụng từ nhiều nguồn, nhiều cơ quan quản lý nên việc cần có mục chi trong mục lục ngân sách nhà nước là cần thiết. Tuy nhiên, theo Luật Ngân sách Nhà nước, nội dung này được quy định trong văn bản dưới Luật (Điều 26). Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép không bổ sung nội dung này trong Luật và đề nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện trong văn bản dưới Luật.

Về việc bỏ quy định cầu dẫn trên bãi sông khi xây cầu qua tuyến sông có đê tại Khoản 4 Điều 2 sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 28 Luật Đê điều, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quy định rõ tiêu chí đảm bảo an toàn thoát lũ khi bỏ quy định về xây dựng cầu dẫn trên bãi sông khi xây cầu qua sông có đê để thống nhất trong công tác quản lý; có ý kiến đề nghị nên bỏ quy định này.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, Luật Đê điều được ban hành năm 2006 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho công tác bảo vệ đê điều, bảo vệ thành quả phát triển kinh tế - xã hội trước thiên tai. Nhưng do trình độ khoa học và công nghệ phát triển; diễn biến lưu lượng lũ của các tuyến sông có đê cũng có sự thay đổi nên quy định xây dựng cầu dẫn trên bãi sông khi xây cầu qua sông có đê tại khoản 1 Điều 28 ở một số khu vực là không phù hợp, gây lãng phí. Vì vậy, việc bỏ quy định này là phù hợp. Còn về quy định rõ tiêu chí bảo đảm an toàn thoát lũ trong Luật thì đây là vấn đề kỹ thuật, phụ thuộc nhiều vào điều kiện địa chất, thủy văn, tình hình thiên tai ở từng khu vực và sự phát triển khoa học công nghệ trong từng thời kỳ nên rất khó thể hiện cụ thể trong Luật. Do vậy, trong Dự thảo Luật đã quy định giao Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể nội dung này để bảo đảm chặt chẽ, bảo đảm thoát lũ, an toàn đê điều, thông thoáng dòng chảy và phù hợp với điều kiện thực tế…

Như vậy, từ ngày 1/7/2021, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều gồm 3 Điều có hiệu lực thi hành, nhằm tháo gỡ những bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành; đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đồng thời không để phát sinh khoảng trống về pháp lý trong công tác quản lý nhà nước, thực thi pháp luật về phòng, chống thiên tai và quản lý đê điều.


Tin nổi bật