Đưa con tới nhập viện trong tình trạng bé sốt nhiều ngày không khỏi, ho không ngừng và bắt đầu cảm giác thở khó, chị Lan Anh (Mỹ Đình, Hà Nội) hốt hoảng khi bác sĩ kết luận bé bị viêm phế quản. Ban đầu, chị nghĩ con chỉ bị cúm mùa thông thường nên không quá lo lắng mà tự mua thuốc về điều trị. Tuy nhiên, càng ngày tình trạng bé càng nặng chị vội vàng đưa con nhập viện. Sau khi thăm khám, bé được bác sĩ chỉ định điều trị nội trú tại viện.
Theo PGS. TS Nguyễn Thị Hoài An, nguyên trưởng khoa Tai Mũi Họng trẻ em, Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương, đây chỉ một trong nhiều trường hợp trẻ em nhập viện vì viêm phế quản hiện nay.
Theo thống kê từ chuyên gia, hiện nay số lượng bệnh nhân mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên và dưới đều tăng vọt, đây là một thực trạng đáng buồn đặc biệt là với các em nhỏ thời điểm giao mùa nắng mưa thất thường.
“Nguyên nhân của tình trạng này là do sự bùng phát các dịch bệnh do virus như dịch cúm A, cúm B, virus hợp bào đường thở và đặc biệt Adeno, chưa tính tới các dịch sốt do các loại virus thông thường gây ra”, PGS An nhận định.
Theo PGS. TS Nguyễn Thị Hoài An, tất cả các bệnh lý nói trên nếu không được điều trị sớm và đúng đều khiến bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch trầm trọng và tất yếu dẫn đến viêm phế quản, viêm phổi. Khi bệnh đã dẫn đến viêm phổi thì tiên lượng rất nặng và tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.
Nhiều trẻ nhập viện vì viêm phế quản nặng
Về triệu chứng, PGS Hoài An cho biết bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ tuy nhiên người lớn cũng có thể mắc bệnh dù tỷ lệ ít hơn nhiều. Thường trẻ sẽ bắt đầu bằng ngạt mũi, chảy mũi và sốt cao từ 39-40 độ, tình trạng ho ngày càng tăng. Trẻ cũng mệt mỏi, ăn uống kém hơn.
Nếu không được điều trị tích cực sớm, trẻ có thể xuất hiện tình trạng khó thở, nhịp thở nhanh, thở khò khè, khi đó trẻ đã có dấu hiệm bị viêm phế quản phổi. Tiên lượng nặng và cần được điều trị tích cực ở các cơ sở khoa nhi.
Cách phòng tránh các biến chứng của viêm phế quản
Theo vị chuyên gia, khi trẻ nhỏ cũng như người lớn xuất hiện tình trạng sốt cao đơn thuần hoặc sốt cao kèm các dấu hiệu của cảm cúm cần xét nghiệm máu để xác định nguyên nhân do virus hay vi khuẩn. Điều này rất quan trọng để có chiến lược điều trị đúng, có cần dùng kháng sinh và hạ nhiệt cùng với bù nước điện giải hay chỉ cần hạ thiệt, bù nước điện giải giúp trẻ bớt mệt mỏi và ăn uống tốt hơn.
Nếu trẻ có dấu hiệu cảm cúm phải cho trẻ uống thuốc cảm cúm sớm nhất có thể từ những giờ đầu tiên hoặc ngày đầu tiên. Khi cho trẻ uống thuốc cảm cúm, trẻ có thể sẽ hết các triệu chứng nên sẽ hết mệt rất nhanh. Nếu trẻ bị ho có thể dùng siro ho cũng rất tốt.
Khi xét nghiệm máu có thể sẽ giúp bác sĩ loại trừ được sốt xuất huyết, xác định nguyên nhân xem sốt là do virus cúm A, B, Adeno virus, virus hợp bào đường thở... để có phương án điều trị tốt và đúng nhất.
Nếu việc điều trị triệu chứng sớm và đúng, trẻ sẽ khỏe lại sớm và không có biến chứng viêm phế quản. Nhiều trường hợp không cần dùng thuốc kháng sinh để điều trị cho trẻ.
"Cần đưa trẻ tới nhập viện khi có các dấu hiệu trở nặng", PGS Hoài An lưu ý.