Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Thỏa thuận Thương mại và Đầu tư EU-Việt Nam EVFTA

(DS&PL) -

Chiều ngày 25/6, Hội đồng Bộ trưởng châu Âu đã chính thức thông qua hai thỏa thuận về thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu ( EVFTA)

(ĐS&PL) Chiều ngày 25/6, Hội đồng Bộ trưởng châu Âu đã chính thức thông qua hai thỏa thuận về thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), chuẩn bị cho lễ ký kết vào ngày 30/6/2019 tại Hà Nội.

Cùng với Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), EVFTA là một FTA thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 nước thành viên EU. Hiệp định có phạm vi rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay. Sau kết thúc quá trình đàm phán và văn bản hiệp định được công bố ngày 01 tháng 2 năm 2016; tháng 6 năm 2018,văn bản đã thống nhất. Theo đó, được tách thành Hiệp định Thương mại (EVFTA), và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA) và, quá trình rà soát pháp lý đã hoàn tất, cả 2 Hiệp định sẽ  được chính thức ký kết vào một ngày gần đây.

EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu quá trình phát triển

Ngày 28/11/1990, Việt Nam và Liên minh châu Âu ( EU) chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.Năm 1996 , EU mở văn phòng Đại diện của Ủy ban EC tại Hà Nội và Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác (PCA) giữa 2 bên chính thức có hiệu lực từ ngày 01tháng 10 năm 2016.

Trong khuôn khổ hợp tác toàn duệnViệt Nam và EU đã phối hợp tại nhiều diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế, đặc biệt là trong khuôn khổ hợp tác ASEAN - EU, ASEM và Liên Hợp Quôc, nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, an ninh năng lượng, chống khủng bố, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, di cư bất hợp pháp...

Gần ¼ thế kỷ hợp tác phát triển, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của EU trong khu vực Đông Nam Á ( ASEAN). Kim ngạch thương mại song phương năm 2016 đạt 45,1 tỷ USD, tăng gần 10 lần kim ngạch năm 2001 và tăng 7,9% so với năm 2015. Trong 7 tháng đầu năm 2017, thương mại hai chiều EU-Việt Nam tăng 14% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng12.6%, đem lại thặng dư thương mại đáng  kể cho Việt Nam. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là hàng dệt may, giày dép, cà phê, hải sản, máy vi tính, linh kiện điện thoại.

Tính đến nửa đầu năm 2017, đã có 24/28 nước EU đầu tư 1.975 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký khoảng 21,7 tỷ USD, đứng thứ năm trong số các nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam . Đầu tư của EU chủ yếu tập trung vào các ngành công nghiệp công nghệ cao. Gần đây, có xu hướng gia tăng nhanh trong các ngành dịch vụ như bưu chính viễn thông, tài chính, văn phòng cho thuê và bán lẻ.. Đến nay, nhiều công ty châu Âu ở Việt nam đã trở thành những trung tâm phục vụ cho cả khu vực Mê Kông mở rộng (Bộ Ngoại giao Việt Nam 2019).

Với vai trò của nhà cung cấp viện trợ không hoàn lại lớn nhất, EU luôn là một trong những nhà tài trợ lớn cho Việt Nam. Trong 20 năm từ 1993 đến 2013, tổng cam kết ODA của cộng đồng châu Âu đầu tư vào Việt Nam lên tới 14 tỷ USD, chiếm 20% tổng cam kết của cộng đồng tài trợ thế giới. Trong đó, viện trợ không hoàn lại của đạt 1,5 tỷ USD. Vào giai đoạn 2014- 2020, cam kết viện trợ cho Việt Nam  của  EU đat 400 triệu euro tập trung vào lĩnh vực năng lượng bền vững và cải cách thể chế. Ngoài ra, Ủy ban châu Âu còn  cung cấp thêm những khoản viện trợ nhân đạo, giúp các địa phương thuộc khu vực Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn hoặc tài trợ cho các dự án phát triển nuôi tôm bền vững tại các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

Nhập khẩu chính của EU từ Việt Nam bao gồm thiết bị viễn thông, giày dép và dệt may, đồ nội thất và nông sản. Mặt hàng  EU xuất khẩu sang Việt Nam chủ yếu  là máy móc, thiết bị vận tải, hóa chất, thực phẩm và đồ uống. Những thỏa thuận đạt được với Việt Nam, cùng với những hiệp định ký kết với Singapore, đã góp phần quan trọng để mở đường hợp tác với các nước khu vực trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á(Bộ Ngoại giao Việt Nam 2019).  

Thỏa thuận Thương mại và Đầu tư EVFTA dưới góc nhìn doanh nghiệp và giới nghiên cứu

Thỏa thuận về thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu(EVFTA) chính thức được thông qua đã mở đường cho quan hệ hợp tác mới giữa EU với các quốc gia trong khu vực ASEAN. Đồng Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) Nicolas Audier, nhận định Hiệp định  EVFTA là một trong những thỏa thuận toàn diện nhất từng được ký kết giữa EU và một quốc gia đang phát triển. Nếu được triển khai thực hiện tốt nó sẽ giúp giảm thuế quan và các rào cản thương mại, đồng thời mở ra những cơ hội mới cho thương mại và đầu tư giữa EU và Việt Nam. EVFTA mang lại lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp và người tiêu dùng mà còn có cả vấn đề phúc lợi, tiền lương và mức sống của hàng triệu người Việt Nam.  

Kết quả khảo sát 1.000 thành viên Eurocham cuối năm 2018  về tác động của EVFTA cho thấy, hầu hết tỏ ra lạc quan về triển vọng kinh doanh tại Việt Nam. 79% doanh nghiệp khẳng định EVFTA sẽ tác động tích cực tới kế hoạch kinh doanh trung hạn. Nhìn xa hơn, con số còn ấn tượng hơn với 85% cho rằng, sẽ tạo tác động tích cực tới kế hoạch kinh doanh dài hạn.

Nicolas Audier đồng Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu Eurocham

Theo nhận định của Nicolas Audier , EVFTA còn làm được nhiều hơn việc tăng đầu tư và thương mại song phương. EVFTA sẽ giúp Việt Nam hiện đại hóa khung pháp lý, tăng cường môi trường thương mại và đầu tư, cải thiện các tiêu chuẩn an toàn và chất lượng thực phẩm .Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, người tiêu dùng mà quan trọng là đảm bảo phúc lợi, tiền lương và nâng cao mức sống của hàng triệu người Việt Nam (Kiều Mai 2019).

Dưới góc nhìn nghiên cứu, các nhà phân tích cho rằng: Những thỏa thuận EVFTA sẽ mang lại lợi ích chưa từng có cho các doanh nghiệp, người tiêu dùng, người lao động tại châu Âu và Việt Nam, đồng thời thúc đẩy việc tôn trọng quyền lao động, bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu theo Thỏa thuận Paris.

Các Hiệp định được thực thi sẽ loại bỏ hầu như toàn bộ thuế quan đối với các sản phẩm xuất nhập khẩu giữa hai bên. Với các điều khoản cụ thể về loại bỏ trở ngại kỹ thuật, 169 sản phẩm thực phẩm và đồ uống truyền thống của châu Âu được công nhận theo chỉ dẫn địa lý sẽ được bảo vệ tại Việt Nam. Theo thỏa thuận, các doanh nghiệp EU có thể tham gia đấu thầu mua sắm tại Việt Nam trên cơ sở bình đẳng với các công ty trong nước (Liên minh châu Âu 2019).

Đối với Việt Nam, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU ngay khi hiệp định có hiệu lực. Sau 07 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với  0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.Như vậy là, 100% giá trị xuất khẩu của Việt Nam sẽ được EU xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Đây là mức cam kết cao nhất dành cho Việt Nam trong các hiệp định thương mại đã được ký kết (Duy Mạnh 2019). 

Theo Bộ Công Thương Việt Nam, cam kết mở cửa thị trường của EVFTA sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại, giúp mở rộng hơn nữa thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới 100% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã thống nhất, cơ hội gia tăng những mặt hàng Việt Nam có lợi thế xuất khẩu như dệt may, da giày, nông thủy sản kể cả gạo, đường, mật ong, rau củ quả, đồ gỗ, v.v. là rất đáng kể.

Từ kết quả nghiên cứu tổng hợp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ ra, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030. Đồng thời với tăng trưởng xuất khẩu, kim ngạch nhập khẩu từ EU của Việt Nam cũng tăng khoảng 15,28% vào năm 2020; 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030. Về mặt vĩ mô, EVFTA có thể  góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18%-3,25% trong  giai đoạn 2019-2023; 4,57%-5,30% những năm 2024-2028 và 7,07%-7,72%trong thời kỳ từ 2029 đến 2033(VGP NEWs 2019).

Bên cạnh việc cung cấp các cơ hội kinh tế quan trọng, EU và Việt Nam đã nhất trí về các biện pháp phát triển bền vững;  thực hiện thỏa thuận khí hậu Paris một cách hiệu quả. Cả hai phía đều cam kết tôn trọng và thực hiện hiệu quả các nguyên tắc của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) liên quan đến các quyền cơ bản của người lao động. Thỏa thuận cũng thiết lập nền tảng dành riêng cho EU và Việt Nam để xã hội dân sự thực hiện các cam kết đề ra. Ngoài ra, thỏa thuận thương mại còn đề cập đến liên kết thể chế và pháp lý, cho phép hành động thích hợp trong trường hợp vi phạm nhân quyền.

Các  thỏa thuận bảo hộ đầu tư  bao gồm các quy tắc hiện đại về bảo vệ đầu tư được thi hành thông qua hệ thống Tòa án Đầu tư mới và đảm bảo chính phủ cả hai bên phải điều chỉnh lợi ích của công dân. Thỏa thuận cũng đưa ra các đảm bảo pháp lý ngăn ngừa xung đột lợi ích và tăng dường tính minh bạch , sẽ thay thế cho các thỏa thuận đầu tư song phương mà 21 quốc gia thành viên EU đã ký kết với Việt Nam (Liên minh châu Âu EU 2019).

Bình luận về EVFTA,Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Ủy ban châu Âu cho biết: "Tôi hoan nghênh quyết định của các quốc gia thành viên EU hôm nay. Sau Singapore, các thỏa thuận với Việt Nam là thỏa thuận thứ hai được ký kết giữa EU và một quốc gia Đông Nam Á, đó là bước đệm cho sự tham gia rộng lớn hơn giữa châu Âu và khu vực ASEAN. Đây cũng là tuyên bố chính trị của 2 đối tác là bạn bè cùng giao dịch cởi mở, công bằng và dựa trên luật lệ."(Liênminh châu Âu EU 2019).

Cao ủy phụ trách thương mại  EU, Cecilia Malmström, đã bày tỏ sự hài lòng về thỏa thuận đầu tư và thương mại với Việt Nam, Bà nói. "Tôi rất vui khi thấy các quốc gia thành viên đã bật đèn xanh cho các hiệp định thương mại và đầu tư của chúng tôi với Việt Nam. Việt Nam là một thị trường sôi động và đầy hứa hẹn của hơn 95 triệu người tiêu dùng và cả hai bên đều có được nhiều lợi ích từ quan hệ thương mại mạnh mẽ hơn. Lợi ích kinh tế rõ ràng, thỏa thuận này cũng nhằm tăng cường tôn trọng quyền con người cũng như bảo vệ môi trường và quyền của người lao động. Tôi hoan nghênh sự tham gia của Việt Nam trong quá trình này, việc phê chuẩn Công ước Tổ chức Lao động Quốc tế về thương lượng tập thể gần đây là một ví dụ tuyệt vời về cách hiệp định thương mại có thể khuyến khích các tiêu chuẩn cao hơn. "(Eurocharm 2019).

Đại diện cộng đồng doanh nghiêp châu Âu tại Viêt Nam, Nicolas Audier cho rằng, thương mại  toàn cầu hiện đang đứng trước những bước ngoặt. Rào cản và thuế quan đang ngày càng lan rộng trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc áp đặt hàng tỷ USD thuế mới đối với hàng nghìn mặt hàng từ ô tô đến nguyên liệu, thực phẩm. Thực tiễn ba thập kỷ qua đã chỉ ra rằng, chủ nghĩa bảo hộ không tốt cho kinh doanh và người tiêu dùng khi làm gia tăng chi phí thương mại, gây ảnh hưởng bất lợi tới việc làm và tăng trưởng kinh tế thế giới .

Thay lời kết luận

Phát biểu cùng giới truyền thông trong ngày 25tháng 6:năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh  "EVFTA có ý nghĩa đặc biệt quan trọng  đối vớii Việt Nam, đó là thời cơ lớn giúp  Việt Nam có đủ điều kiện hội nhập sâu hơn để tham gia vào thị trường khu vực và toàn cầu...". Thị trường mở rộng đã thúc đẩy mạnh thương mại và đầu tư xuyên biên giới. Thương mại tự do giúp đôi bên cùng có lợi đúng nghĩa, các doanh nghiệp được hưởng lợi từ chi phí thấp hơn và người tiêu dùng được hưởng lợi từ việc tiếp cận nhiều hơn với hàng hóa và dịch vụ.

Các thỏa thuận EVFTA được thiết lập sẽ mang lại lợi ích chưa từng có cho các công ty, người tiêu dùng và người lao động cả ở châu Âu và Việt Nam, đồng thời cũng thúc đẩy tôn trọng quyền lao động, bảo vệ môi trường và cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu theo Thỏa thuận Paris.

Hy vọng thỏa thuận thương mại và đầu tư EU-Việt Nam được ký kết sẽ mở ra những quan hệ mới tốt đẹp hơn giữa 2 châu lục Á-Âu./.

TS. Lê Thành Ý

Tin nổi bật