Theo Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, một đội đặc nhiệm từ Lực lượng Phòng thủ dưới nước (SAS) đã được triển khai đến khu vực phát hiện thuỷ lôi ở gần thị trấn cảng Igneada (sát biên giới Bulgaria) để vô hiệu hoá vật thể này.
"Một quả thủy lôi được phát hiện ngoài khơi Igneada và gần biên giới với Bulgaria trên Biển Đen. Nó đã được khống chế và vô hiệu hóa. Ankara đang đối thoại với Moscow và Kiev để phối hợp trong vấn đề này", Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết trong bài đăng trên Twitter ngày 28/3.
Tàu quét mìn Thổ Nhĩ Kỳ trên eo biển Bosphorus ngày 26/3.
Bộ Quốc phòng Romania cùng ngày cũng thông báo thợ lặn đang cố gắng tháo ngòi một quả thủy lôi được ngư dân tìm thấy cách bờ biển nước này khoảng 70 km.
Cuối tuần trước, một vật thể tương tự đã được các ngư dân Thổ Nhĩ Kỳ phát hiện gần Eo biển Bosphorus. Quá trình vô hiệu hoá quả thuỷ lôi tạo nên một tiếng nổ lớn ở phía Bắc Istanbul.
Vụ việc đã khiến giao thông ở Eo biển Bosphorus - tuyến đường quan trọng nối Biển Đen và Địa Trung Hải - bị ngưng trệ trong thời gian ngắn. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cũng buộc phải ban hành lệnh cấm đánh bắt cá vào ban đêm ở Biển Đen.
Thổ Nhĩ Kỳ, Romania có chung biên giới trên Biển Đen với Nga, Ukraine.
Năm ngoái, khoảng 38.500 con tàu đã đi qua Bosporus, nối Biển Đen và Địa Trung Hải. Ngay sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự tại Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ đã không cho các tàu quân sự đi qua eo biển này.
Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB hôm 19/3 cảnh báo một số quả thủy lôi đời cũ được Ukraine triển khai ở Biển Đen đã bị đứt cáp neo do bão, khiến chúng trôi đến eo biển chiến lược Bosphorus và thậm chí là Địa Trung Hải. Tuy nhiên, cáo buộc này đã bị phía Ukraine bác bỏ. Kiev tuyên bố đó chỉ là thông tin sai lệch mà Moscow đưa ra nhằm lấy cớ đóng cửa một số vùng biển.
Biển Đen hiện là tuyến đường vận chuyển chính của các sản phẩm ngũ cốc, dầu và các sản phẩm từ dầu.
Linh Chi (T/h)