Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bí ẩn những hòn đá cháy liên tục 2.500 năm không bao giờ tắt

  • Mộc Miên
(DS&PL) -

Không ai biết chính xác nguyên nhân khiến những hòn đá tại Yanartas bốc cháy. Người xưa gắn hiện tượng này với truyền thuyết về quái vật phun lửa Chimera.

Gần thung lũng Olympos ở phía tây nam Thổ Nhĩ Kỳ tồn tại một khu vực được gọi là Yanartas, nơi xuất hiện nhiều ngọn lửa cháy mãi không tắt.

Theo truyền thuyết của người dân địa phương, những hòn đá tại đây đã bốc cháy liên tục trong suốt 2.500 năm qua. Cái tên Yanartas, mang nghĩa "đá bốc cháy" trong tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, phản ánh đặc điểm độc đáo của khu vực này.

Mặc dù không ai biết chính xác nguyên nhân khiến những hòn đá tại Yanartas bốc cháy. Người xưa đã gắn hiện tượng này với truyền thuyết về quái vật phun lửa Chimera, được nhắc đến trong trường ca Iliad của nhà thơ Homer.

Những hòn đá bốc cháy tại Yanartas. 

Theo câu chuyện, vị anh hùng Hy Lạp Bellerophon đã tiêu diệt Chimera và chôn quái vật này xuống đất. Nhiều người tin rằng ngọn lửa ở Yanartas chính là hơi thở của quái vật bị phong ấn dưới lòng đất.

Tuy nhiên, các nhà khoa học không đồng tình với cách lý giải dựa trên truyền thuyết. Họ đã nghiên cứu trong nhiều năm để tìm ra nguyên nhân thực sự khiến những ngọn lửa tại đây bùng cháy.

Kết quả cho thấy, khí methane rò rỉ từ lớp địa tầng bên dưới qua các kẽ nứt là nguồn gốc của những ngọn lửa này. Điều thú vị là khí methane ở Yanartas được hình thành ở mức nhiệt độ cao hơn mức nhiệt độ hiện tại của khu vực. Dẫu vậy, bí ẩn về nguồn lửa châm ngòi cho quá trình cháy kéo dài hàng thiên niên kỷ vẫn chưa được giải đáp.

Khí methane rò rỉ từ lớp địa tầng bên dưới qua các kẽ nứt được cho là nguồn gốc của những ngọn lửa này.

Một nghiên cứu gần đây của Giuseppe Etiope, nhà khoa học thuộc Viện Địa vật lý và Núi lửa Quốc gia ở Rome, cùng các đồng nghiệp tại Đại học Bolyai (Rumani), đã đưa ra một giả thuyết mới.

Họ phát hiện rằng Ruthenium, một kim loại hiếm có trong các hòn đá tại Yanartas, có thể đóng vai trò chất xúc tác. Thí nghiệm trong phòng lab cho thấy Ruthenium giúp hình thành khí methane ở nhiệt độ dưới 100°C, gần với điều kiện tại Yanartas.

Theo chuyên gia Michael Whiticar từ Đại học Victoria (Canada), phát hiện này chứng minh rằng khí methane có thể được hình thành ở nhiệt độ thấp hơn so với quan niệm thông thường. Đồng thời, việc giải mã hiện tượng tại Yanartas mở ra khả năng tồn tại các mỏ methane phi sinh học khác trên thế giới, hứa hẹn nguồn cung khí đốt tự nhiên tiềm năng cho tương lai.

 Việc giải mã hiện tượng tại Yanartas mang lại nhiều ý nghĩa về mặt khoa học.

Tin nổi bật