Giá trị dinh dưỡng của thịt gà
Thịt gà là một nguồn thực phẩm giàu giá trị dinh dưỡng, bao gồm các vitamin như A, B1, B2, C, E và khoáng chất như canxi, phốt pho, sắt. Nó không chỉ là món ăn yêu thích của nhiều người mà còn được sử dụng trong y học để chữa trị bệnh tật. Vitamin B6 (hoặc các vitamin B tổng hợp) có trong thịt gà giúp kích thích các enzyme và các phản ứng trao đổi chất trong cơ thể.
Ngoài ra, thịt gà còn là nguồn cung cấp protein nạc tuyệt vời, ít chất béo, thích hợp cho những ai muốn duy trì vóc dáng khỏe mạnh hoặc giảm cân. Protein trong thịt gà có tác dụng giúp cơ thể tăng trưởng và phát triển cơ bắp. Thịt gà cũng chứa axit amin tryptophan, có khả năng làm dịu thần kinh và hỗ trợ giấc ngủ.
Thịt gà chứa nhiều dinh dưỡng, vitamin.
Thịt gà có tính ấm, rất thích hợp cho các món ăn tẩm bổ như hầm, cháo, canh, giúp bồi bổ cơ thể, đặc biệt là cho những người bệnh hoặc người mới ốm dậy. Với lượng phốt pho dồi dào, thịt gà giúp hỗ trợ sự phát triển của xương và răng, mang lại lợi ích cho những ai muốn giảm cân mà vẫn đảm bảo sức khỏe.
Có phải ăn thịt gà hâm lại sẽ gây ung thư?
Theo thông tin từ VOV, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), khẳng định không có bằng chứng khoa học nào chứng minh việc ăn thịt gà hâm lại gây ung thư.
Một số người lo ngại về việc tiêu thụ thịt gà hâm lại có thể dẫn đến nguy cơ mắc ung thư, vì trong quá trình phân hủy hợp chất hữu cơ có thể hình thành hợp chất nitrit, và khi vào dạ dày, nitrit có thể phản ứng dưới tác dụng của axit dạ dày để tạo ra chất nitrosamine – một chất có khả năng gây ung thư. Tuy nhiên, phản ứng này chỉ xảy ra trong điều kiện nhất định, và không phải thực phẩm nào cũng chứa nitrit.
Mặc dù vậy, ung thư là một căn bệnh phức tạp, do nhiều yếu tố tác động như yếu tố vật lý, hóa học và sinh học. Việc tiêu thụ thức ăn thừa không phải là nguyên nhân chính gây ung thư.
Không có bằng chứng thịt gà hâm lại gây ung thư.
Chuyên gia cũng khuyến cáo rằng, nếu không bảo quản tốt, thức ăn thừa, bao gồm thịt gà, sẽ dễ bị nhiễm vi sinh vật hoặc nấm mốc, có thể gây ngộ độc thực phẩm. Dấu hiệu ngộ độc thường là đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, và khó tiêu. Vi sinh vật không gây ung thư nhưng có thể tạo ra độc tố gây ngộ độc cấp tính, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.
Để đảm bảo an toàn sức khỏe, không nên tích trữ đồ ăn quá lâu trong tủ lạnh. Tốt nhất là chỉ nấu một lượng vừa đủ cho cả gia đình, ăn hết trong ngày. Thức ăn đã nấu chín chỉ nên bảo quản trong tủ lạnh từ 1 đến 2 ngày. Khi bảo quản, nên cho vào các túi nilon, hộp nhựa hoặc hộp thủy tinh đậy kín nắp và lưu trữ ở ngăn mát hoặc ngăn đông. Các loại rau củ quả tươi cũng nên được sử dụng ngay khi còn tươi.