Tuần vừa qua, Triều Tiên đã ghi nhận những ca mắc COVID-19 đầu tiên và thừa nhận rằng họ đang phải chiến đấu với một đợt bùng phát dịch bệnh. Quốc gia này đang huy động các lực lượng quân đội và chiến dịch truyền thông công khai để chống dịch COVID-19, Reuters đưa tin ngày 17/5 (giờ địa phương).
Trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình nhà nước hôm 16/5, Thứ trưởng Bộ Y tế Công cộng Triều Tiên Kim Hyong Hun cho biết đất nước đã chuyển từ cách ly sang điều trị để xử lý hàng trăm nghìn trường hợp bị nghi ngờ "sốt" được báo cáo.
Để điều trị COVID-19 và các triệu chứng của nó, truyền thông nhà nước Triều Tiên đã khuyến khích bệnh nhân sử dụng thuốc giảm đau và hạ sốt như ibuprofen, amoxicillin và các kháng sinh khác - các loại thuốc không có khả năng chống lại virus nhưng được kê cho các trường hợp nhiễm khuẩn thứ phát.
Bên cạnh đó, họ cũng khuyến khích người dân súc miệng bằng nước muối, uống trà kim ngân hoặc trà lá liễu ba lần mỗi ngày.
Nhân viên của Nhà máy nước khoáng Daesongsan ở Bình Nhưỡng tiến hành khử trùng tại một cơ sở làm việc. Ảnh: AFP.
Một người phụ nữ trả lời phỏng vấn đài truyền hình nhà nước Triều Tiên cho biết: "Phương pháp điều trị truyền thống là tốt nhất". Cô cho biết gia đình của mình thường súc miệng bằng nước muối mỗi sáng và tối.
Trường hợp khác là một người cao tuổi ở Bình Nhưỡng cho biết bà cảm thấy khá hơn khi uống trà gừng và giữ cho phòng được thông thoáng. Bà nói trong một bài phỏng vấn: "Ban đầu tôi thấy sợ COVID-19 nhưng sau khi làm theo lời khuyên của bác sĩ và thực hiện các phương pháp điều trị thích hợp, tôi nhận thấy mọi chuyện cũng không có gì quá to tát".
Ngày 15/5, hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA báo cáo thêm 392.920 trường hợp sốt và thêm 8 người tử vong. Nhà lãnh đạo Kim Jong Un cho biết thuốc dự trữ không đến tay người dân và yêu cầu quân đội giúp ổn định nguồn cung cấp thuốc ở Bình Nhưỡng, nơi được coi là tâm điểm của dịch bệnh.
Các nhà chức trách cho biết một phần lớn trường hợp tử vong là do những người “bất cẩn trong việc dùng thuốc do thiếu kiến thức và hiểu biết” về biến thể Omicron và phương pháp điều trị chính xác.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chuyển một số bộ dụng cụ y tế và các vật dụng khác tới Triều Tiên nhưng không cho biết chúng chứa những loại thuốc nào. Các nước láng giềng Trung Quốc và Hàn Quốc đã đề nghị gửi viện trợ nếu Bình Nhưỡng yêu cầu.
Theo Reuters, mặc dù không tuyên bố rằng thuốc kháng sinh và phương pháp điều trị tại nhà sẽ loại bỏ được COVID-19 nhưng Triều Tiên trước đây từng sử dụng các phương pháp điều trị chưa được khoa học chứng minh.
Các chuyên gia cho biết, mặc dù có số lượng bác sĩ được đào tạo bài bản và có kinh nghiệm huy động cho các trường hợp khẩn cấp về y tế nhưng hệ thống y tế của Triều Tiên lại thiếu nguồn nhân lực một cách đáng kinh ngạc.
Bích Thảo (Theo Reuters)