(ĐSPL) - Joshua Wong năm nay mới 17 tuổi, thậm chí không đủ tuổi để lái xe, thiếu niên này được truyền thông nhà nước của Trung Quốc gọi là “phần tử quá khích”.Theo CNN, Joshua Wong đã bị bắt vào tối 26/9 trong khi đang cùng các sinh viên biểu tình tiến vào khu vực trụ sở chính quyền Hong Kong và sau đó đã được thả vào tối 28/9. Cảnh sát đã lục soát phòng trọ trong ký túc xá của sinh viên này và đã tịch thu một số thứ, bao gồm máy tính và điện thoại.
Lãnh đạo phong trào đòi dân chủ của giới trẻ
Joshua Wong sinh ngày 13/10/1996 tại Hong Kong. Tháng 8/2014 vừa qua, Wong bắt đầu theo học tại Đại học Mở Hong Kong, chuyên ngành khoa học xã hội.
|
Joshua Wong chỉ mới 17 tuổi nhưng là người lãnh đạo phong trào biểu tình ở Hong Kong. |
Thủ lĩnh sinh viên 17 tuổi này có dáng người gầy, đeo kính cận. Trong hai năm qua, Wong đã xây dựng một phong trào thanh niên ủng hộ dân chủ tại Hồng Kông. Các nhà hoạt động thanh thiếu niên muốn tổ chức một làn sóng nhằm gây áp lực để Trung Quốc cho Hong Kong được tự bầu chọn nhà lãnh đạo của đặc khu kinh tế này.
Phong trào của Wong được cho là nổi lên sau nhiều năm “thất vọng bị dồn nén”. Năm 1997, khi trao trả Hong Kong về cho Trung Quốc, Anh và Trung Quốc đã cùng ký một hiệp ước, theo đó Trung Quốc cam kết sẽ cho phép Hong Kong “quyền tự trị giới hạn”, bao gồm việc cho phép bầu cử dân chủ để chọn ra đặc khu trưởng. Nhưng thỏa thuận hầu như không được thực hiện 17 năm nay.
Đề xuất mới nhất của Trung Quốc cho thấy người dân Hong Kong có thể bỏ phiếu bầu chọn nhà lãnh đạo của họ, nhưng các ứng viên sẽ phải đứng trước sự đồng ý của Bắc Kinh.
Wong được cho là đang nỗ lực chiến đấu chống lại điều này và đang rất nôn nóng. “Tôi không nghĩ cuộc chiến của chúng tôi sẽ kéo dài quá lâu”, Wong nói với CNN. "Nếu có tâm lý rằng đấu tranh cho nền dân chủ là một cuộc đấu tranh kéo dài và tiến hành nó từ từ thì sẽ không bao giờ đạt được mục đích. Phải xem mọi cuộc đấu tranh có thể là trận chiến cuối cùng thì mới có quyết tâm chiến đấu", Wong nói.
“Phần tử quá khích”
Năm 2011, Wong khi đó mới 15 tuổi, đã phản đối kịch liệt đề xuất của Bắc Kinh đưa chương trình “Giáo dục đạo đức và quốc gia” vào các trường học công ở Hong Kong.
|
Người biểu tình Hong Kong bỏ chạy trước hơi cay đến từ cảnh sát. |
Cùng với sự giúp đỡ của một vài sinh viên khác, Wong bắt đầu lập một nhóm sinh viên biểu tình gọi là Scholarism. Nhóm của Wong hiện có khoảng 300 thành viên sinh viên. Đến tháng 9/ 2012, Scholarism đã quy tập 120.000 người biểu tình, trong đó có 13 cuộc biểu tình tuyệt thực của giới trẻ, gây sức ép tại trụ sở chính quyền Hồng Kông, buộc các nhà lãnh đạo thu hồi đề xuất.
Đó cũng là khi Wong nhận ra rằng tuổi trẻ của Hồng Kông có một tiềm năng rất lớn, CNN nhận xét. "5 năm trước, không thể tưởng tượng là học sinh Hong Kong sẽ quan tâm đến chính trị" - Wong nói - "Nhưng có một sự thức tỉnh khi vấn đề giáo dục nảy sinh. Chúng tôi bắt đầu quan tâm đến điều này”.
Thủ lĩnh sinh viên này cho rằng Hong Kong đang nhanh chóng trở nên "không khác so với các thành phố khác của Trung Quốc". Vì thế Wong đặt mục tiêu đòi quyền bầu cử phổ thông cho Hong Kong.
Hồi tháng 6, nhóm Scholarism soạn thảo một kế hoạch cải cách hệ thống bầu cử của Hong Kong đã giành được sự ủng hộ của gần 1/3 số cử tri trong một cuộc trưng cầu toàn thành phố không chính thức.
Tháng 7, phong trào của Wong tiến hành một cuộc biểu tình ngồi khiến quan chức Trung Quốc phải lên tiếng cảnh cáo. Lần đó khoảng 511 người đã bị bắt.
Trong tuần này, Scholarism đang huy động sinh viên bãi khóa, một hành động có tác động rất lớn khi Hong Kong là một nơi coi trọng giáo dục, để gửi thông điệp đòi dân chủ đến Bắc Kinh.
Tuy nhiên, Joshua Wong cùng với nhóm Scholarism bị truyền thông nhà nước Trung Quốc xếp vào danh sách những phần tử "quá khích". Wong cũng được nêu tên trong sách xanh an ninh quốc gia, trong đó xác định các mối đe dọa đến sự ổn định nội bộ đất nước.