Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Thiết bị dạy học đa chức năng: GV lúng túng, phụ huynh kêu trời

(DS&PL) -

(ĐSPL)- Chương trình đưa thiết bị dạy học đa chức năng vào trường mầm non và tiểu học đã được gần một năm nay nhưng đến thời điểm này, nhiều giáo viên và học sinh vẫn băn khoăn về phương pháp học mới mẻ này.

(ĐSPL)- Mặc dù sở GD&ĐT TP.HCM thí điểm chương trình đưa thiết bị dạy học đa chức năng (còn gọi là máy tương tác) vào trường mầm non và tiểu học gần một năm nay nhưng theo tìm hiểu của PV, cho đến thời điểm này, khi năm học mới đã cận kề, nhiều giáo viên và học sinh trên địa bàn thành phố vẫn băn khoăn về phương pháp học mới mẻ này.
Những lo lắng trên hoàn toàn có cơ sở khi năm học mới đây, thiết bị này sẽ được áp dụng đại trà tại các trường học phổ thông trên địa bàn TP.
Giáo viên lúng túng
Nhằm thực hiện đề án "Phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp thành phố", đề án "Phổ cập mầm non cho trẻ năm tuổi", năm 2014, sở GD&ĐT TP.HCM phối hợp với UBND TP.HCM chỉ đạo các trường mua sắm trang thiết bị giảng dạy đa chức năng. Sau gần một năm thí điểm, phương tiện giảng dạy này đã được áp dụng thí điểm tại một số trường mầm non và tiểu học.
Đầu năm học 2014-2015, sở GD&ĐT TP.HCM chỉ đạo cho tất cả các trường học các cấp gồm mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, trung học phổ thông đưa vào áp dụng đại trà. Chi phí mỗi bảng tương tác có giá khoảng 180 triệu đồng/máy. Với thiết bị mới này, giáo viên sẽ thuận lợi hơn trong việc giảng dạy vì những phần mềm kiến thức được cài đặt sẵn, học sinh tiếp thu bài nhanh, dễ nhớ bài...
Một thực trạng đáng nói, là sau khi tiếp nhận loại máy này về trường học, nhiều giáo viên mặc dù đã được đi tập huấn giảng dạy về máy tương tác nhưng vẫn chưa thông thạo. Một giáo viên dạy giỏi khối THPT trên địa bàn quận 12 cho biết: "Năm học mới 2014-2015, chúng tôi được nhà trường cho đi tập huấn để bắt tay giảng dạy bằng máy tương tác. Thực ra, trên chỉ đạo xuống thì chúng tôi phải làm, nhưng tôi thấy không hiệu quả. Thực tế nhiều giáo viên còn yếu về kiến thức máy tính, trong khi chỉ được tập huấn trong thời gian ít ỏi 4- 5 ngày thì không hiệu quả. Việc giảng dạy của chúng tôi vì thế trở nên lúng túng. Và sau một vài lần dùng thấy không hiệu quả chúng tôi đã tự ý tẩy chay".
Trên thực tế, nhiều trường khác trên địa bàn cũng rơi vào tình trạng này. Chi phí mua máy nhà trường được hỗ trợ một nửa. Phần còn lại tự giáo viên và học sinh đóng góp. Như vậy, trường phải bỏ ra 180 triệu đồng để mua hai máy nhưng không phát huy được hiệu quả trong giảng dạy. Khi đưa vào sử dụng, giáo viên và học sinh cứ loay hoay mãi nhưng vẫn không ra.
Tuy nhiên, nói về tính ưu việt của thiết bị dạy học này, cô  Lê Thị Thu Huệ, Phó Hiệu trưởng trường THCS Châu Văn Liêm (quận Phú Nhuận) cho rằng, phương pháp dạy học bằng máy tương tác rất mới ở Việt Nam. Lợi thế của máy tương tác là giảm tải được thời gian cho giáo viên và học sinh.
Bởi vì máy tương tác đã được cài đặt sẵn phần mềm về những kiến thức giảng dạy theo từng cấp học, học sinh sẽ nắm bài học rất nhanh. Chẳng hạn, khi dạy về một bài toán của học sinh lớp 9, nhưng trong bài toán này cần sử  dụng những công thức toán học ở lớp dưới thì giáo viên chỉ cần  tìm trong phần mềm đã được cài đặt sẵn ở máy. Như vậy thời gian trên lớp sẽ được giảm tải, thay vào đó, giáo viên giảng giải cho học sinh nghe để các em nắm bắt.
"Sử dụng máy tương tác vào công tác dạy học, tôi cho rằng đây là một cách cải cách giáo dục tốt nhất. Tuy nhiên, theo tôi, không phải trường học nào trên địa bàn thành phố cũng có thể áp dụng hiệu quả. Mỗi bài giảng trên máy tương tác chiếm rất nhiều thời gian soạn bài của giáo viên. Trước khi lên lớp dạy, giáo viên phải tự nghiên cứu phương pháp dạy của mình đối với từng tiết học. Muốn vậy, mỗi giáo viên cần nhiều thời gian, trong khi ở những trường học phổ thông đại trà thì giáo viên thường phải kiêm nhiệm rất nhiều việc như sổ sách, chủ nhiệm, dạy nhiều tiết... Các thầy cô không có thời gian để soạn bài giảng để dạy theo máy tương tác", cô Huệ nói.
Đây là vấn đề không hề đơn giản với những trường học có chất lượng bình dân. Dẫu biết là áp dụng công nghệ thông tin, nhằm xây dựng lớp học thông minh để nâng cao chất lượng ngành giáo dục, nhưng cải cách cũng cần được cân nhắc cho phù hợp với thực tiễn thì mới thành công.
 
Cơ sở vật chất chưa đáp ứng để dùng máy tương tác tại trường THCS Châu Văn Liêm. 
Rất lãng phí
Theo cô Huệ, sở GD-ĐT TP.HCM đã tiến hành thí điểm chương trình máy tương tác vào trường học năm học 2013- 2014, nhiều trường đã thực hiện tốt trong năm học vừa qua. Nhưng đó là những trường chuyên, họ có đầy đủ cơ sở vật chất, điều kiện giáo viên cũng được đáp ứng cơ bản. Cho nên có thể nói, những trường chuyên dùng máy tương tác dạy học thì rất hay. Bên cạnh đó, hầu hết các trường không chuyên chưa khai thác hết hiệu quả máy tính bảng, thậm chí nhiều trường mua về rồi bỏ không, rất lãng phí. Như trường THCS Châu Văn Liêm là một điển hình.
"Chúng tôi cho rằng khi điều kiện kinh tế của phụ huynh học sinh còn hạn hẹp, thì việc đóng góp tiền cho công việc xây dựng, mua mới trang thiết bị dạy học là chưa nên. Bởi vì nếu phụ huynh khó khăn không đóng tiền, nhà trường sẽ không biết thu tiền từ nguồn nào để trả nợ cho cơ sở cung cấp trang thiết bị, vô  tình nhà trường trở thành con nợ của những doanh nghiệp sản xuất, cung cấp máy tương tác. Trước tình hình đề án thiếu tính thực tiễn, chúng tôi nhất định không dùng máy tương tác để dạy học, vì trường không đủ cơ sở vật chất, kinh phí... Tôi cho rằng nếu trường còn nghèo mà mình đưa thiết bị hiện đại vào giảng dạy thì sẽ rất khập khiễng", cô Huệ bày tỏ.
Còn theo thầy Nguyễn Thanh Phương, Phó Hiệu trưởng trường THPT Hoàng Hoa Thám (quận Bình Thạnh), tại trường THPT Hoàng Hoa Thám, năm nay phòng GD&ĐT quận mới có chủ trương chỉ đạo trường dùng máy tương tác để hỗ trợ giáo viên dạy học. Thầy Phương chia sẻ: "Theo quan điểm cá nhân tôi thì máy tương tác là một phương tiện để hỗ trợ giáo viên trong quá trình giảng dạy rất tốt. Với những phần mềm kiến thức được cài đặt sẵn, nó sẽ giúp giáo viên giảm bớt thời gian viết bài giảng trên lớp, học sinh cũng được nhắc lại kiến thức cũ đã học, đặc biệt, thông điệp từ bài giảng trở nên sinh động linh hoạt hơn khi giúp học sinh dễ tiếp cận bài học".
Tuy nhiên, thầy Phương cũng cho biết, đây là thiết bị dạy học hiện đại nhưng rất tốn kém. Hiện trường THPT Hoàng Hoa Thám đã mua hai máy tương tác với giá 181 triệu đồng/máy. Trong đó nhà trường phải bỏ ra 50\%  chi phí, đồng nghĩa với việc phải thu thêm tiền của học sinh. Thầy Phương đánh giá: "Về mặt chuyên môn tôi cho rằng nếu giáo viên sử dụng thành thạo máy tương tác giảng dạy thì rất tốt, ngược lại, nó sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng học tập của học sinh nếu giáo viên không am hiểu về máy tương tác. Trường chúng tôi vừa cho giáo viên đi tập huấn về cách sử dụng máy tương tác để áp dụng giảng dạy năm học mới này".         

Phụ huynh phản đối

Trao đổi với PV, một  giáo viên  tham gia chương trình giảng dạy máy tương tác cho biết: "Tôi là người đã từng sử dụng phương pháp dạy học bằng máy tương tác. Theo tôi, nhiều phụ huynh phản đối gay gắt chính là họ phải trích một khoản tiền cho con đóng hàng tháng, trong khi chất lượng học tập vẫn chưa được nâng cao. Họ yêu cầu nhà trường hủy bỏ chương trình này nhưng đây là chỉ đạo từ cấp trên, chúng tôi không thể tự quyết định".

Tin nổi bật