Báo Người Lao Động đưa tin ngày 19/9, Sở GD&ĐT TP.HCM phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị sơ kết 1 năm triển khai chương trình phối hợp về định hướng phân luồng và giáo dục nghề nghiệp đối với học sinh THCS và THPT giai đoạn 2023 - 2025.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã nêu rõ thực tế cũng như các nguyên nhân dẫn đến công tác phân luồng và định hướng giáo dục nghề nghiệp tại TP.HCM vẫn chưa đạt kết quả như kỳ vọng.
Ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội giáo dục nghề nghiệp nhìn nhận công tác phân luồng dù đã có những tín hiệu tích cực nhưng công tác tư vấn phân luồng vẫn còn nhiều hạn chế, khiến TP.HCM chưa đạt được chỉ tiêu đề ra.
Tại các trường học không có lực lượng chuyên trách về tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Giáo viên không được đào tạo về chuyên môn để hướng nghiệp, đội ngũ tư vấn còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình hướng nghiệp…
Công tác hướng nghiệp học sinh THCS và THPT có vai trò quan trọng đối với công tác phân luồng. Ảnh minh họa: Tạp chí Giáo Dục TP.HCM
Theo chia sẻ của ông Đăng Văn Đại - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Đông Sài Gòn, trong các buổi tư vấn hướng nghiệp, mạnh trường nào thì trường đó nói khiến học sinh bị rối, không có sự tập trung.
Từ thực tế đi tư vấn, ông Đăng Văn Đại cho hay giáo viên làm công tác giáo dục hướng nghiệp tại các trường phổ thông chưa chuyên nghiệp, cần phải được đào tạo và bồi dưỡng thêm. Hơn nữa, việc tổ chức tư vấn phân luồng tại các trường chưa tập trung.
Ông Đặng Văn Đại nhìn nhận, công tác hướng nghiệp học sinh THCS và THPT có vai trò quan trọng đối với công tác phân luồng. Nếu công tác hướng nghiệp làm tốt thì sẽ tác động mạnh đến công tác phân luồng, giúp các trường trung cấp có điều kiện để đẩy mạnh hoạt động đào tạo.
Theo ông, để công tác hướng nghiệp, phân luồng đạt hiệu quả thì cần trang bị kiến thức kỹ năng cho giáo viên làm tốt công tác hướng nghiệp.
Đặc biệt, ông đề xuất kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập tại TP.HCM cần có thêm nguyện vọng dành cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để nâng cao hơn nữa nhận thức vai trò của công tác phân luồng ở bậc THCS, giúp giáo viên có định hướng tư vấn và phụ huynh học sinh có định hướng để lựa chọn.
“Hiện nay, TP.HCM có 3 nguyện vọng tuyển sinh vào lớp 10 công lập cho học sinh THCS. Đề xuất nguyện vọng 4 là nguyện vọng dành cho các trường cao đẳng, trung cấp nghề, GDTX…”, tạp chí Giáo dục TP.HCM dẫn lời ông Đăng Văn Đại.
Ngoài ra, ông Đăng Văn Đại kiến nghị cần thay đổi cách thức tổ chức công tác hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh THCS. Hàng năm, trước khi học sinh thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập thì các trường THCS đều tổ chức tư vấn phân luồng cho học sinh, song chưa có sự tập trung.
Để hiệu quả thì vai trò của phòng GD&ĐT rất quan trọng, cần tổ chức có sự tập trung, mời sự tham gia của nhiều đơn vị, tư vấn có sự tập trung chứ không thể mạnh trường nào trường đó nói, rất thiếu hiệu quả.
“Công tác tư vấn hướng nghiệp không chỉ là “mãi võ” được, mà cần xác định rõ thế mạnh của mỗi đơn vị để tư vấn, nếu không sẽ mất sự tập trung và thiếu định hướng, thiếu hiệu quả”, ông Đăng Văn Đại phân tích.
Nhiều đại biểu nêu rõ thực tế cũng như các nguyên nhân dẫn đến công tác phân luồng và định hướng giáo dục nghề nghiệp tại TP.HCM vẫn chưa đạt kết quả như kỳ vọng. Ảnh minh họa: Người Lao Động
Tương tự, ông Trần Thanh Hải - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn đông TP.HCm chia sẻ, hệ thống đăng ký nguyện vọng tuyển sinh vào lớp 10 công lập tại TP.HCM hàng năm không hề có tên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Ông kiến nghị thành phố mạnh dạn nghiên cứu đưa hệ thống giáo dục nghề nghiệp trở thành một nguyện vọng trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập, nhằm tăng hiệu quả phân luồng.
Đồng thời, thành phố mạnh dạn thực hiện Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong GDPT giai đoạn 2018-2025”, tăng tỷ lệ học sinh sau THCS học nghề.
Bên cạnh đó, ông Trần Thanh Hải cho hay, hệ thống giáo dục nghề nghiệp đang gặp bất cập trong quản lý Nhà nước. Cụ thể, việc cấp bù học phí cho học sinh học nghề thì với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, ngân sách sẽ rót trực tiếp về trường; còn với cơ sở ngoài công lập thì ngân sách lại rót trực tiếp cho người học với nhiều thủ tục nhiêu khê, từ đó làm giảm đi sự hấp dẫn của việc phân luồng.
Vì vậy, ông đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các địa phương thay đổi phương thức để thực hiện tốt hơn công tác phân luồng. Đồng thời đề nghị các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động thay đổi, làm mới mình để thu hút người học.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, bà Trần Thị Diệu Thuý - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, theo kết quả báo cáo công tác tuyển sinh hàng năm của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS nhập học các trình độ giáo dục nghề nghiệp bình quân hàng năm khoảng 26,19%. Như vậy, theo chỉ tiêu phấn đấu của đề án mà Thủ tướng phê duyệt thì TP.HCM còn một khoảng cách rất xa, tuy nhiên điều kiện kinh tế xã hội của thành phố khác với tỉnh thành khác.
Bà Trần Thị Diệu Thúy đề nghị các đơn vị cần tập trung cho công tác tuyên truyền cụ thể tuyên truyền hướng nghiệp, tuyên truyền cho giáo viên, cho phụ huynh về chuyện học nghề và chọn nghề phù hợp, cộng với phân luồng phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của từng học sinh. Sở GD&ĐT phải tạo điều kiện cho các trường nghề được tiếp cận và tham gia bình đẳng trong các chương trình tuyển sinh.
"Chúng ta phân luồng, hướng dẫn cho các em chọn nghề nhưng khi đến với trường nghề thì trường nào cũng hạn chế cơ sở vật chất, ít trường chú trọng đầu tư. Trường không hấp dẫn thì làm sao phụ huynh chọn. Chúng ta đào tạo nghề nhưng máy móc từ cách đây 20 năm thì làm sao hấp dẫn doanh nghiệp....", bà Trần Thị Diệu Thúy nói.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, kỹ năng nghề rất quan trọng. "Các em học hết lớp 9, phân luồng qua học xong trường nghề sau đó tốt nghiệp trường nghề có bằng. Khi tốt nghiệp chỉ có 18 tuổi quá non nớt vì thế khi gia nhập thị trường lao động nhiều doanh nghiệp cảm thấy lo lắng.
Do đó kỹ năng nghề, kỹ năng lao động, kỹ năng làm việc rất cần. Đề nghị các trường cần phải quan tâm đến vấn đề này để doanh nghiệp tuỷển dụng người ta an tâm về thế hệ đảm bảo chất lượng nghề cũng như kỹ năng làm việc”, bà cho hay.