Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Thi THPT quốc gia 2018: Điểm trung bình môn Tiếng Anh, Lịch sử chỉ hơn 3 điểm

(DS&PL) -

Thay vì “cơn mưa” điểm 10 như mọi năm, điểm trung bình môn Tiếng Anh và Lịch sử năm nay thấp kỷ lục . Tính riêng môn tiếng Anh đã có tới hơn 2000 thí sinh bị điểm 1.

Thay vì “cơn mưa” điểm 10 như mọi năm, điểm trung bình môn Tiếng Anh và Lịch sử năm nay thấp kỷ lục . Tính riêng môn tiếng Anh đã có tới hơn 2.000 thí sinh bị điểm 1.

Điểm trung bình và điểm liệt gia tăng chóng mặt

Ngày hôm qua (11/7), sau khi công bố điểm thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT đã công bố phổ điểm theo từng môn thi và khối thi.

Theo Bộ GD-ĐT, phổ điểm đã được phân tán tương đối rộng, đánh giá đúng năng lực của thí sinh và giảm đáng kể hiện tượng đoán mò trong các bài thi trắc nghiệm khách quan.

Cụ thể, môn Hóa học có 470 bài thi bị điểm 0, số thí sinh dưới 1 điểm là 815, điểm trung bình là 4,87 và 16 bài được điểm 10. Môn này cũng có tới 50,6% thí sinh có điểm dưới trung bình và điểm có nhiều thí sinh đạt nhất là 5.

Môn Vật lý có 372 bài điểm 0; 2 bài điểm 10; 19 bài điểm 9,75. Có tới 48,4% thí sinh có điểm dưới trung bình.

Môn Sinh học có 340 bài điểm 0, điểm trung bình 4,54. Có tới 63,4% thí sinh có điểm dưới trung bình và chỉ có 2 bài thi đạt 10 điểm, 9 bài đạt 9,75 điểm.

Môn Toán có hơn 950 bài bị điểm 0; số thí sinh có điểm dưới 1 là 1.558; điểm trung bình là 4,86. Cả nước chỉ có 2 bài thi đạt điểm 10 tuyệt đối, 7 bài thi đạt điểm 9,8; 30 bài thi đạt điểm 9,6. Còn môn Ngữ văn có 783 thí sinh có điểm dưới 1, điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 6; không có bài thi nào đạt điểm 10 và chỉ có 7 bài đạt 9,75 điểm.

Điểm Tiếng Anh và Lịch sử thấp kỷ lục

Kết quả thấp thảm hại của môn Lịch sử và Tiếng Anh có thể coi là rất đáng lo ngại trong mùa thi năm nay.

Cụ thể, ở môn Lịch sử, với 527 thí sinh bị 0 điểm và điểm trung bình của cả nước chỉ là 3,79, thấp kỷ lục so với các năm trước. Có đến 83,24% thí sinh có điểm dưới trung bình và bài thi có nhiều thí sinh đạt nhất là 3,25 điểm.

Phổ điểm môn Lịch sử. Ảnh: Thanh Niên

Một môn xã hội khác là Địa lý có điểm số tốt hơn với điểm trung bình là 5,46. Ở môn này có 29 thí sinh đạt điểm 10; 111 bài thi đạt 9,75 điểm và 328 bài thi đạt 7,5 điểm. Môn Giáo dục công dân là môn có điểm trung bình cao nhất: 7,13, trong đó số bài thi đạt điểm 10 cao kỷ lục: 309 bài.

Trả lời về vấn đề điểm Sử giảm sút trầm trọng trên Thanh Niên, ông Mai Văn Trinh- Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho rằng, chính mục đích dự thi của thí sinh đã ảnh hưởng tới phổ điểm môn này. Ở một kỳ thi với 2 mục đích nên tính mục đích của các thí sinh trong kỳ thi rất rõ. Thực tế là những thí sinh dự thi môn lịch sử với mục đích xét tuyển ĐH, CĐ có điểm số tốt hơn hẳn so với những thí sinh chỉ dự thi với mục đích tốt nghiệp.

Ở môn tiếng Anh, có tới 2.189 thí sinh dưới 1 điểm; điểm trung bình là 3,91 và cả nước chỉ có 76 thí sinh đạt điểm 10.

Theo phân tích của Bộ GD-ĐT, cả nước có tới 78,22% thí sinh điểm dưới trung bình môn tiếng Anh, với 637.335/814.779 TS dự thi. Điểm có nhiều thí sinh đạt nhất ở môn này là 3 với 57.320 em. Điểm trung bình môn tiếng Anh là 3,91, thấp hơn khá nhiều so với năm 2017 là 4,6 và chỉ cao hơn năm 2016 là 3,22 điểm.

Ngoài ra, có 76 thí sinh điểm 10 môn tiếng Anh và 732 thí sinh đạt điểm 0. Có 2.189 TS có điểm liệt (<=1), cao khoảng gấp đôi so với năm ngoái.

Đặc biệt, tại một số tỉnh khó khăn đã phản ánh rõ nhất về mức điểm yếu kém của môn tiếng Anh.

Phổ điểm môn Tiếng Anh. Ảnh: Thanh Niên

Sở GD-ĐT Hòa Bình cho biết có tới 93% bài thi tiếng Anh đạt dưới trung bình. Đây cũng là môn có số điểm liệt cao nhất ở tỉnh này với khoảng hơn 30 điểm liệt.

Tuy nhiên, một số TP lớn như TP.HCM, Hà Nội thì điểm môn tiếng Anh cũng phản ánh khá sát mức độ đầu tư cho môn học này của không chỉ nhà trường mà cả gia đình học sinh. Ví dụ, cả nước có 76 điểm 10 thì Hà Nội đã có tới 28 điểm 10 trong môn này, ngoài ra còn có 579 điểm 9. Đây cũng là môn Hà Nội có nhiều điểm 10 nhất trong các môn thi. TP.HCM cũng có khoảng 20 thí sinh đạt điểm 10. Tuy nhiên, mức độ chênh lệch về điểm ngoại ngữ cũng thể hiện ở ngay trong một địa phương. Dù dẫn đầu cả nước về số điểm tuyệt đối nhưng môn tiếng Anh cũng là môn mà Hà Nội có số điểm liệt nhiều nhất trong tất cả các môn, với 112 em.

Cũng theo ông Mai Văn Trinh, nếu chỉ nhìn trong phạm vi cả nước thì sự chuyển biến chưa rõ nét. Tuy nhiên, đi vào phân tích sâu theo từng tỉnh, từng vùng thì thấy rất rõ đối với những TP, thị xã có điều kiện để học ngoại ngữ tốt thì kết quả của các em cao và sự cải tiến nâng cao chất lượng rất rõ. Còn ở những vùng còn khó khăn thì sự chuyển biến về ngoại ngữ chưa rõ nét. Đó là thực tế và chứng tỏ phổ điểm đã phản ánh chân thực. Để khắc phục điều này, tới đây, Bộ GD-ĐT tiếp tục triển khai một cách hiệu quả đề án dạy học ngoại ngữ quốc gia.

Nguyễn Phượng (T/h)

Tin nổi bật