(ĐSPL) - Lứa cầu thủ U19 Việt Nam đang được kỳ vọng sẽ nâng tầm đội tuyển nước nhà tại những giải đấu lớn ở khu vực và châu lục trong tương lai.
Đó là một tập thể tài năng và cũng đầy nghị lực, bởi trong số đó có nhiều cầu thủ biết cách vượt lên hoàn cảnh khó khăn của mình để theo đuổi niềm đam mê bóng đá. Những cái tên như Công Phượng, Tuấn Tài hay Ksor Úc... đang lấy lại lửa đam mê cho nền bóng đá dân tộc và truyền tới trái tim của hàng triệu người hâm mộ nước nhà.
Trước giờ diễn ra trận bán kết giữa đội tuyển U19 Việt Nam và U19 Myanmar, PV báo Đời sống & Pháp luật đã theo chân người nhà của cầu thủ Công Phượng tới "đại bản doanh" của đội để ghi nhận cảm xúc của những "người trong cuộc".
Cầu thủ Công Phượng gặp gỡ người thân tại phòng chờ khách sạn Thắng Lợi. |
Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi
Hay tin sẽ được vào thăm con trai, bà Nguyễn Thị Hoa (mẹ của cầu thủ Công Phượng mang áo số 10 trong đội tuyển U19) vui mừng khôn xiết. Do các cầu thủ đang tập trung cho trận đấu sắp tới nên hai mẹ con vẫn chưa có cơ hội được trò chuyện với nhau lâu. Bản thân cánh báo chí cũng không thể tiếp xúc được với các cầu thủ, bởi lý do tập trung thi đấu.
PV báo Đời sống và Pháp luật đã theo chân bà Hoa và người thân đến thăm Công Phượng tại khách sạn Thắng Lợi, Hà Nội (nơi các cầu thủ đang nghỉ ngơi). Trong tâm trạng mừng vui khi U19 Việt Nam được vào bán kết, mẹ cầu thủ Công Phượng cho biết, cô cùng với chị gái đón xe từ Đô Lương (Nghệ An) ra Hà Nội từ ngày 4/9 để chờ đến lượt con trai thi đấu. Đây cũng là lần đầu tiên người mẹ xứ Nghệ được ra thăm Thủ đô. "Thương con xa mấy cũng đi, chỉ mong con thi đấu tốt, hết trận chung kết, tôi mới về lại Nghệ An", bà Hoa chia sẻ.
Bà kể, các tỉnh miền Nam bà từng đi nhiều lần nhưng Hà Nội thì đây là lần đầu tiên. "Trước khi đi, bà con hàng xóm dặn tôi phải đi chơi nhiều chỗ để khi nào về kể lại cho họ nghe nên hôm nào không đi xem con trai thi đấu tôi với bà chị lại dắt nhau đi thăm thú Thủ đô". Thế nên, trong những ngày ở Hà Nội, bà được người thân đưa đi tham quan nhiều địa danh như hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây, trung tâm thương mại Times City...
Ra Hà Nội đúng vào thời điểm Đô Lương đang vào vụ gặt, bà Hoa kể: "Dù nhà không có người chăm nhưng bố Phượng bảo đây là cơ hội ngàn năm có một nên tôi phải ra Hà Nội xem con thi đấu. Mấy sào ruộng nhà tôi giao cả cho ông ấy để ra xem Phượng đá. ông ấy ở nhà phải đi xem ngoài quán vì tivi của nhà nhiều khi không thu được. Để ông ấy ở nhà tôi cũng lo lắm nhưng ra để cổ vũ động viên con thi đấu tốt. ông ấy cũng để dành tiền, chờ U19 Việt Nam nếu lọt vào chung kết mới có điều kiện đi Hà Nội".
Khi đang say sưa kể về chuyến ra Hà Nội cổ vũ cậu con trai thi đấu, bà Hoa bất ngờ gặp Huấn luyện viên Guillaume Graechen trong khu vực phòng chờ của khách sạn Thắng Lợi. Người mẹ xứ Nghệ vội vàng chạy đến cảm ơn ông thầy đã giúp con mình có được thành tích như ngày hôm nay. Bất ngờ khi có người cầm tay cảm ơn, thầy "Giôm" nở nụ cười hạnh phúc và không quên cảm ơn tấm chân tình của bà Hoa.
Câu chuyện của mẹ cầu thủ Công Phượng với PV báo ĐS&PL tiếp tục trở lại. Bà kể, trước mỗi trận đấu bà thường cầu nguyện cho con trai ghi được bàn thắng vào lưới đội bạn, đồng thời tin tưởng U19 Việt Nam sẽ giành chiến thắng. Sau trận đấu giữa U19 Việt Nam - U19 Australia, ngồi trên khán đài xem con trai thi đấu, ghi được bàn thắng bà rất tự hào. Tuy nhiên, bà không khỏi lo cho sức khỏe cậu con trai khi các cầu thủ U19 Australia có thể hình to cao hơn.
Cuộc nói chuyện bị cắt ngang khi các cầu thủ U19 xuất hiện trong khuôn viên phòng chờ. Bà Hoa liền tiến đến hỏi han tình hình sức khỏe và hỏi thăm Đông Triều về những chấn thương cậu gặp phải, đồng thời gửi lời hỏi thăm đến gia đình cầu thủ này. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi gặp gỡ mẹ và người thân, Công Phượng liên tục được người hâm mộ xin chữ ký và chụp ảnh. Nhiều vị khách nước ngoài cũng đến chụp ảnh làm kỷ niệm với cầu thủ này sau khi xem U19 Việt Nam thi đấu.
Những mong ước giản đơn
Trong cuộc trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Hoa cũng tỏ ra lo ngại khi Công Phượng được nhiều người tung hô quá mức. "Thấy Phượng ghi bàn, tôi vui lắm nhưng mọi người cứ tung hô, ca ngợi nó như thế là hơi quá. Mọi người đừng tung hô em như thế". Trong cuộc gặp gỡ ngắn ngủi, bà cũng không quên dặn con trai ăn tốt, ngủ tốt, thi đấu hay để mang về nhiều niềm vui.
Cũng giống như mẹ của Công Phượng, rất đông người thân của các cầu thủ U19 đã ra Hà Nội để cổ vũ cho con trai mình thi đấu. Dù không phải ai cũng được gặp riêng con trai để trò chuyện nhưng họ đều chung mong ước các cầu thủ sẽ thi đấu hết mình để mang lại vinh quang cho bóng đá nước nhà.
Trong một cuộc gặp gỡ khác, chia sẻ với PV, ông Hoàng Thanh Tuấn (bố của cầu thủ Hoàng Thanh Tùng mang áo số 18) kể: "Đi xe từ Thanh Hóa ra Hà Nội mất mấy tiếng đồng hồ nhưng chúng tôi cũng đã được gặp nó (cầu thủ Hoàng Thanh Tùng - PV) đâu. Chắc phải chờ nó thi đấu xong không thì phải hẹn gặp ở đâu đó thôi. Những ngày này tôi rất vui vì được xem con trai thi đấu, mong sao nó mang lại vinh quang cho nước nhà".
Theo lời kể của ông Tuấn, trước trận đấu với U19 Australia, cả gia đình đã thuê xe ô tô, vượt hàng trăm cây số từ xã Dân Lực (huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) ra Hà Nội để xem Tùng thi đấu. Có người từ Thanh Hóa ra, có người từ Vĩnh Phúc xuống. Cả gia đình đến 50 người. ông nội của Tùng đi cùng đại gia đình ra Thủ đô xem đứa cháu thi đấu. "Đi xe đường dài nhưng vì rất phấn khởi nên chúng tôi không thấy mệt. Được ra Hà Nội xem đội tuyển U19 Việt Nam trong đó có con trai thi đấu tôi rất mừng. Tôi mong sao Tùng đá hết mình, mang lại thành công cho U19 Việt Nam. Ghi được càng nhiều bàn thắng càng tốt", bà Lê Thị Hoa - mẹ của Tùng chia sẻ.
Được biết, cả nhà ra Hà Nội nhưng không thể gặp được Tùng vì các cầu thủ bị quản lý rất chặt. Sau trận đấu, gia đình cũng đã trở về Thanh Hóa luôn. Sinh ra tại một vùng quê nghèo của tỉnh Thanh Hóa, trong gia đình có bố làm âm nhạc (bố hát chèo, mẹ may vá) nhưng Tùng lại có máu mê trái bóng tròn. Ngay từ khi còn nhỏ, Tùng đã thể hiện mình có năng khiếu bóng đá khi tham gia các giải đấu của trường và chứng tỏ được khả năng với danh hiệu "vua phá lưới nhí".
Năm học lớp 5, Tùng tham gia giải bóng đá Delta (cấp thành phố) và giành được danh hiệu "Vua phá lưới" với 13 bàn thắng ghi vào lưới đối phương. Sau đó Tùng tham dự giải YAMAHA toàn quốc. Năm học lớp 6, Tùng được CLB Bóng đá Thanh Hóa chọn vào đội tuyển U13 nhưng sau một thời gian, Tùng bị trả về vì còn quá nhỏ, sợ không đủ thể lực để thi đấu. Năm 2007, nghe tin Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG đang tuyển học viên, Tùng được bố mẹ cho nộp hồ sơ thử sức. Kết quả, trong tổng số 700 thí sinh dự thi, Tùng là 1 trong 4 ứng viên lọt vào vòng chung kết.
"Người hùng thầm lặng" thận trọng khi trao đổi với PV Đối với Công Phượng, cầu thủ trẻ này tỏ ra khá bình tĩnh trước kết quả của hai trận đấu gặp U19 Australia và U19 Nhật Bản. Khi PV báo ĐS&PL đặt câu hỏi, Phượng chỉ nói hai chữ "Bình thường". Trong suốt khoảng thời gian gặp gỡ mẹ và người thân tại nhà chờ của khách sạn Thắng Lợi, Phượng hỏi han tình hình gia đình và sức khỏe của mọi người. Cầu thủ trẻ này khá ít nói, hay cười và bận rộn bởi các cuộc điện thoại từ người thân gọi điện đến. |