Theo báo VTC News, đến cuối ngày 15/11, thị trường lãi suất tiền gửi ngân hàng ghi nhận thêm 2 ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất gồm Đông Á Bank và TPBank.
Thêm 2 ngân hàng nhập cuộc đua giảm lãi suất huy động.
Với Đông Á Bank, đây là lần thứ 2 trong tháng 11 ngân hàng này giảm lãi suất huy động. Theo đó, kỳ hạn 1 - 5 tháng đồng loạt giảm 0,3 điểm phần trăm xuống 3,9%/năm. Kỳ hạn 6 - 8 tháng cũng giảm 0,3 điểm phần trăm, xuống còn 4,9%/năm.
Đối với tiền gửi kỳ hạn 9 - 11 tháng, lãi suất được điều chỉnh giảm 0,2 điểm phần trăm xuống còn 5,1%/năm. Trong khi đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng giảm 0,15 điểm phần trăm xuống 5,4%/năm. Kỳ hạn 13 tháng cũng giảm 0,15 điểm phần trăm xuống còn 5,8%/năm.
Các kỳ hạn tiền gửi từ 18 - 36 tháng được điều chỉnh giảm 0,15 điểm phần trăm xuống còn 5,7%/năm.
Tại TPBank, đây là lần đầu ngân hàng này giảm lãi suất huy động kể từ thời điểm trung tuần tháng 9/2023. Với các kỳ hạn từ 1 - 3 tháng giảm 0,2 điểm phần trăm xuống 3,6 - 3,8%/năm. Ở kỳ hạn 6 tháng, ngân hàng này chỉ còn mức lãi suất 4,8%/năm sau khi giảm 0,2 điểm phần trăm. Kỳ hạn tiền gửi 12 tháng cũng được ngân hàng này đưa về mức 5,35%/năm.
Như vậy, kể từ đầu tháng 11 đến nay đã có 22 ngân hàng giảm lãi suất huy động là ACB, Bắc Á Bank, Bảo Việt Bank, Đông Á Bank, Eximbank, Kiên Long Bank, Nam Á Bank, NCB, OCB, OceanBank, PG Bank, PVCombank, SHB, SCB, Sacombank, Techcombank, TPBank, VIB, VietBank, Việt Á Bank, Vietcombank, và VPBank.
Thông tin trên báo Dân trí, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hiện mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND giảm khoảng 2 điểm % so với cuối năm ngoái.
Trong cuộc họp bàn về tín dụng bất động sản tổ chức sáng 13/11 vừa qua, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, cho biết mặt bằng lãi suất cũ có giảm nhưng theo các ngân hàng cần theo kỳ hạn của người gửi tiền.
Giải thích cho việc vì sao lãi suất các khoản cho vay bất động sản dài hạn vẫn còn cao, các ngân hàng cho biết nguồn vốn chủ yếu vẫn từ ngắn hạn và cần tuân thủ các quy định về an toàn vốn.
Cũng tại cuộc họp nêu trên, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank cho hay, lãi vay phụ thuộc vào năng lực tài chính mỗi ngân hàng.
Theo ông, tinh thần chung các ngân hàng đều giảm lãi suất cho vay, song việc giảm đến đâu còn phụ thuộc vào cơ cấu nguồn vốn của ngân hàng, nếu cơ cấu nguồn vốn giá cao thì phải cho vay lãi suất cao. Bên cạnh đó, các ngân hàng có nợ xấu cao, phải trích lập dự phòng lớn thì giá vốn cũng bị đẩy lên cao, dẫn tới lãi suất cho vay cao.
TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM, nhận định lãi suất cho vay thời gian tới sẽ còn giảm tiếp, nhưng sẽ giảm chậm hơn lãi suất huy động. Việc giảm lãi suất mạnh sẽ có thể chỉ xảy ra tại các ngân hàng lớn, còn những ngân hàng nhỏ có giảm cũng không quá nhiều.
Vân Anh (T/h)