Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Doanh nghiệp ngóng lãi suất giảm thêm, các sếp ngân hàng nói gì?

  • Vân Anh
(DS&PL) -

Lãi suất vay vốn tiếp tục là vấn đề nóng được doanh nghiệp đưa ra tại Hội nghị tín dụng đối với bất động sản và phát triển nhà ở xã hội sáng 13/11.

Pháp lý, lãi suất là vấn đề nóng

Tại Hội nghị tín dụng đối với bất động sản và phát triển nhà ở xã hội diễn ra tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước sáng nay (13/11), lãnh đạo các doanh nghiệp đã nêu ra một số khó khăn về pháp lý và lãi suất.

Quang cảnh Hội nghị. 

Chia sẻ trên tạp chí Bất động sản Việt Nam Reatimes, ông Nguyễn Văn Cường, Phó Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết, doanh nghiệp đã vừa được LPBank cấp hạn mức cho vay 5.000 tỷ đồng. Nguồn vốn này đã giúp tháo gỡ nút thắt về vốn cho các doanh nghiệp trong Tập đoàn và hàng trăm nhà thầu tại các dự án đang dang dở.

Ông Cường cho biết, đã lên kế hoạch đưa dòng tiền này vào trực tiếp các dự án, triển khai xây dựng và sản xuất kinh doanh, tạo ra hàng chục ngàn công ăn việc làm, tạo ra các sản phẩm đáp ứng được nhu cầu thực của người ở thực với giá cả phù hợp, vừa túi tiền. Nhiều ngành nghề phụ trợ cũng đang chờ dòng tiền này để tiếp tục sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, doanh nghiệp lại gặp khó vì pháp lý các dự án bất động sản đang triển khai kéo dài, vì vậy mong muốn các ngân hàng đơn giản hóa các điều kiện cho vay các dự án bất động sản, đồng thời kéo dài thời gian cho vay hơn so với bình thường để doanh nghiệp có thêm thời gian xoay xở trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

“Chúng tôi tin rằng khi dòng vốn đi trực tiếp vào sản xuất kinh doanh sẽ góp phần khôi phục lại và thúc đẩy hoạt động của thị trường bất động sản, giải quyết công ăn việc làm và tạo ra sự phát triển kinh tế - xã hội ổn định”, ông Cường bày tỏ kỳ vọng.

Phát biểu tại hội nghị, ông Dennis Ng Teck Yow, Tổng giám đốc Tập đoàn Novaland cho biết khó khăn về pháp lý chiếm đến 80% các khó khăn hiện tại của doanh nghiệp bất động sản và gây ra rất nhiều hệ lụy xấu. Nếu không được giải quyết kịp thời, con số doanh nghiệp giải thể, phá sản trong những tháng tiếp theo sẽ tăng cao.

"Kính đề nghị Chính phủ phối hợp cùng UBND các tỉnh/thành phố hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể, tạo điều kiện cho doanh nghiệp bất động sản phát triển dự án đồng bộ đúng với chỉ tiêu được giao. Chính phủ và Quốc hội cân nhắc xem xét, kiện toàn Luật Đầu tư để quy trình đầu tư – giao đất – quy hoạch – cấp phép xây dựng được diễn ra nhanh chóng, minh bạch, tiết kiệm nguồn vốn cho xã hội.

Kiến nghị Chính phủ có giải pháp giải quyết triệt để các vướng mắc về các thủ tục pháp lý chưa đồng bộ, các vướng mắc qua từng thời kỳ và không hồi tố. Kính đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ban, ngành có chính sách giảm thuế và giãn thuế TNDN cho các doanh nghiệp bất động sản để tháo gỡ khó khăn và tập trung ổn định kinh doanh trong 3 năm (năm 2022, 2023 và 2024)", Tổng giám đốc Novaland kiến nghị.

Ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT Vinhomes. Ảnh: SBV

Theo báo Dân trí, đại diện của Vinhomes thì nêu ra những khó khăn về lãi suất. Cụ thể, ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT Vinhomes cho biết doanh nghiệp chưa tiếp cận được vốn vay lãi suất thấp, lãi vẫn cao, một số ngân hàng bị hạn chế room tín dụng, biên độ lãi suất cao, lãi suất chưa đạt kỳ vọng.

Ông Hoa cũng đề cập đến cập đến câu chuyện dự án bất động sản vướng mắc trong quy trình, nhiều ngân hàng chỉ giải ngân cho khoản vay có tài sản đảm bảo.

Sếp ngân hàng nói gì?

Về phía các ngân hàng, Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank nói, đã nhiều lần giảm lãi suất, lên tới 2,5% với tổ chức, cá nhân nhưng mặt bằng giá bất động sản cao, có xu hướng tăng. "Lãi suất vay chỉ là một phần", ông nói. Các giao dịch bất động sản chủ yếu là mua đi, bán lại của các môi giới, có thể gây bong bóng bất động sản. Ông Tùng thông tin bất động sản chiếm 24,6% tổng dư nợ tín dụng của Vietcombank.

Đại diện MB là Tổng giám đốc Phạm Như Ánh nói "lãi vay đã thấp nhất từ trước đến nay". Về ý kiến các thủ tục, thẩm định cho vay, ông Ánh nói đây là giai đoạn bắt buộc phải thẩm định kỹ bởi doanh nghiệp bất động sản đang rất khó khăn. Ông nói doanh nghiệp cần phối hợp với ngân hàng để cung cấp đầy đủ hồ sơ, không được giấu diếm. 

Đại diện Techcombank là Phó tổng giám đốc Phùng Quang Hưng nói đã làm việc với doanh nghiệp bất động sản nhiều năm, hợp tác sâu, tham gia cùng khâu thẩm định dự án.

Về lãi suất, ông Hưng nói đã giảm nhiều. Lãi vay mua nhà đã giảm khoảng 3% từ đầu năm, có thể chỉ khoảng 7-8%, tùy sản phẩm. Đơn vị này cũng đã phát triển nhiều giải pháp tài chính đa dạng: cho vay vốn lưu động, tài trợ... 

Ông Hưng kiến nghị Bộ Tài chính thúc đẩy tính thanh khoản thị trường trái phiếu để hỗ trợ kênh dẫn vốn, không chỉ phụ thuộc tín dụng. Ông cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước cân nhắc giảm hệ số rủi ro cho ngân hàng và xem xét giãn tỷ lệ cho vay bất động sản trên tổng dư nợ để xếp hạng tín nhiệm. 

Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank khẳng định: "Không có ngành nào được Thủ tướng quan tâm như bất động sản". 70-80% khó khăn của thị trường này không nằm ở lãi suất ngân hàng mà là các quy định, chính sách của Nhà nước: pháp lý, quá trình thực thi. "Giải quyết vấn đề bất động sản chủ yếu phải ở cơ quan Nhà nước", ông Vinh nói. 

Ông nói gói lãi suất 2% không chạy dù đã cố gắng. Ông Vinh đề xuất gói này hỗ trợ cho người mua nhà. Còn với doanh nghiệp bất động sản, ông nói "phải thay đổi, xem lại mình", đặc biệt ở việc minh bạch trong sử dụng vốn, không thể "ôm" tất cả dự án.

Các đại biểu đóng góp ý kiến tại hội nghị tín dụng đối với bất động sản và phát triển nhà ở xã hội. Ảnh: Sài Gòn giải phóng

Trước những ý kiến, đề xuất của doanh nghiệp, ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cho biết đang khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Thông tư 03 và Thông tư 06 để kịp thời ban hành các văn bản sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn thị trường, tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, đảm bảo an toàn hệ thống theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

Đơn vị này cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp để nâng cao khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân; tiếp tục triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư 02…

Vân Anh (T/h)

Tin nổi bật