Kết thúc năm 2020, người dân trên toàn thế giới đã hướng tới năm 2021 với hy vọng về sự bình ổn và phục hồi sau thời gian bị tàn phá bởi đại dịch COVID-19.
Khi năm 2021 bắt đầu, thế giới ghi nhận những tín hiệu tích cực đầu tiên trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19, đó là việc các loại vaccine phòng bệnh được phê duyệt và đưa vào sử dụng, mở ra kỳ vọng cho sự trở lại của cuộc sống thời kỳ trước COVID-19. Thật không may, mọi thứ đã không diễn biến như vậy. COVID-19 trong năm 2021 vẫn diễn biến phức tạp bởi sự xuất hiện của các biến thể SARS-CoV-2 mới, bao gồm biến thể Delta và Omicron.
Trong đó, biến thể Delta được phát hiện lần đầu vào tháng 12/2020 tại Ấn Độ và đã trở thành biến thể COVID-19 thống trị thế giới trong phần lớn thời gian năm 2021.
Mùa xuân 2021, Ấn Độ là quốc gia đầu tiên chịu ảnh hưởng từ biến thể Delta. Trong những ngày tồi tệ nhất, Ấn Độ từng ghi nhận tới hơn 40.000 ca mắc COVID-19 chỉ trong 24h. Tại thời điểm đó, hình ảnh người Ấn Độ tử vong ngoài đường vì bệnh viện và nhà xác quá tải đã khiến cả thế giới chấn động.
Rất nhanh sau đó, biến thể Delta đã lan ra nhiều nơi khác trên thế giới, bao gồm Mỹ, Đông Nam Á và châu Âu, trở thành biến thể “thống trị” toàn cầu. Điều khiến Delta được phân loại biến thể “đáng lo ngại” vì khả năng lây lan nhanh và nguy cơ gây ra các triệu chứng nghiêm trọng với người bệnh. Tỷ lệ ca mắc mới và tử vong trên thế giới đã tăng trở lại sau khi biến thể Delta lây lan.
Trong khi đó, biến thể Omicron dù mới được báo cáo tại Nam Phi từ ngày 25/11 vừa qua nhưng đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của các nhà khoa học và được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân loại “biến thể đáng lo ngại”. Tại Mỹ, chỉ sau vài tuần, biến thể Omicron đã vượt qua biến thể Delta trở thành biến thể thống trị, chiếm 73% tỷ lệ ca mắc COVID-19 mới, tính đến ngày 20/12.Trong khi đó, ở châu Âu, hàng loạt quốc gia từng dỡ bỏ hạn chế nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao thì lại đang tiếp tục lao đao vì đợt dịch mới. Cụ thể, Áo và Đức đã áp lệnh hạn chế với những người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 để ngăn chặn tác động của dịch và thúc giục người dân tiêm chủng.
Sau 2 năm kể từ khi đại dịch COVID-19 lần đầu xuất hiện, World Meter thống kê tổng cộng 278.694.919 người trên toàn thế giới đã được xác định dương tính với SARS-CoV-2 (tính tới ngày 24/12). Trong đó, 5.403.829 bệnh nhân COVID-19 đã tử vong do dịch bệnh.
Chỉ riêng tại Mỹ, đến thời điểm hiện tại, hơn 800.000 người đã thiệt mạng do dịch bệnh. Đối với châu Âu, tâm dịch hiện nay của thế giới, các chuyên gia cảnh báo số người chết do COVID-19 có thể sẽ tăng thêm 700.000 người tính tới cuối tháng 3/2022. Những con số này đã vẽ nên một bức tranh đại dịch buồn trong năm 2021, không chỉ ở những quốc gia nghèo mà ngay tại những nơi phát triển nhất, tiến bộ nhất, cũng không thể trở thành “ngoại lệ” của dịch bệnh.
Các quan chức y tế hàng đầu thế giới đã một lần nữa nhấn mạnh tiêm vaccine là biện pháp tốt nhất để ngăn chặn COVID-19 cũng như những biến thể mới gây lo ngại như Omicron.
Ngoài bức tranh buồn về đại dịch, năm 2021, thế giới còn chứng kiến sự hỗn loạn tại nhiều nơi.
Ngày 6/1, nước Mỹ trải qua “ngày đen tối” nhất với cuộc biểu tình bạo lực chưa từng có tại Điện Capitol – toà nhà Quốc hội liên bang. Thời điểm đó, các nghị sĩ lưỡng đảng cùng nhau họp bàn để xác nhận người chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020.
Tuy nhiên, ở bên ngoài, cựu Tổng thống Donald Trump, khi ấy còn đương chức, đã kêu gọi người ủng hộ biểu tình đến Điện Capitol ngăn các nghị sĩ xác nhận chiến thắng của đại diện đảng Dân chủ Joe Biden. Cuộc biểu tình nhanh chóng trở thành bạo lực khi nhóm người quá khích vượt rào xông vào bên trong Điện Capitol đập phá, cản trở và gây nguy hiểm tới những nghị sĩ tham gia cuộc họp.
Sau sự kiện này, ông Trump đã phải đối mặt với cuộc điều tra luận tội thứ 2 trong nhiệm kỳ tổng thống của mình. Đến nay, Mỹ đã thành lập một uỷ ban điều tra để tiếp tục làm rõ trách nhiệm của những người liên quan tới “ngày đen tối” trên.
Tới ngày 1/2, ngay trước kỳ họp đầu tiên của Quốc hội mới tại Myanamr, quân đội nước này (Tatmadaw) đã bất ngờ ban bố tình trạng khẩn cấp, phế truất chính quyền dân sự, bắt giữ Tổng thống Win Myint, Cố vấn Nhà nước, Chủ tịch Đảng Liên minh Quốc gia vì dân chủ (NLD) Aung San Suu Kyi và các thành viên nội các, Quốc hội.
Khi ấy, quân đội Myanamr đã trao quyền lực cho chính quyền quân sự do Thống tướng, Tổng tư lệnh Min Aung Halaing đứng đầu. Sự việc diễn ra sau các cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử gây tranh cãi trước đó. Theo đó, Thống tướng Min Aung Halaing cho biết ông chỉ tạm thời lãnh đạo và cam kết sẽ trao lại quyền lực sau cuộc bầu cử năm 2023.
Không chỉ tại Myanmar, trong năm 2021, Guinea và Sudan cũng xảy ra 2 cuộc chính biến vào tháng 9 và tháng 10. Cụ thể, ngày 5/9, lực lượng đặc nhiệm quân đội Guinea bất ngờ tuyên bố đã lật đổ Tổng thống lâu năm Alpha Condé và giải thể chính phủ, hiến pháp cũng như đóng cửa biên giới cả trên bộ lẫn trên không. Trong đó, người đứng đầu lực lượng tinh nhuệ này, ông Mamady Doumbouya cho biết "tình trạng nghèo đói và nạn tham nhũng" đã buộc lực lượng của ông phải làm điều này.
Trong khi đó, ngày 25/10, hãng tin Reuters trích dẫn các nguồn tin không xác định của Al Hadath, hãng tin thuộc sở hữu của Ả Rập Xê-út, có trụ sở tại Dubai, cho biết Thủ tướng Sudan Abdalla Hamdok bị quản thúc tại gia sau khi cuộc đảo chính của lực lượng quân đội. Ngoài ông Hamdok, 4 bộ trưởng của nội các Sudan, 1 thành viên dân sự của Hội đồng chủ quyền cầm quyền, cùng một số thống đốc bang và lãnh đạo đảng ủng hộ chính phủ cũng đã bị bắt giữ trong ngày hôm đó. Vụ đảo chính diễn ra trong thời điểm các nhóm quân sự và dân sự nhằm chia sẻ quyền lực kể từ khi cựu lãnh đạo Omar al-Bashir bị lật đổ vào năm 2019.
Ngày 10/5, xung đội giữa Israel và lực lượng Hamas tại Dải Gaza đã chuyển thành cuộc đụng độ quân sự. Theo đo, Lực lượng phòng vệ Israel (IDF cáo buộc Hamasđã phóng hơn 4.000 quả rocket vào lãnh thổ nước này. Cùng lúc, IDF cũng đã triển khai chiến dịch đánh bom và không kích vào Dải Gaza, nhằm vào hệ thống đường hầm của Hamas và các cơ sở hạ tầng khác, bao gồm bệnh viện và trung tâm y tế.
Cuộc giao tranh các liệt kéo dài trong 11 ngày, tới ngày 21/5, Dải Gaza đã không còn tiếng bom khi Israel và phiến quân Hamas đạt được thỏa thuận ngừng bắn.
Theo số liệu của cơ quan y tế Dải Gaza, 232 người, bao gồm hơn 66 trẻ vị thành niên, đã thiệt mạng do các cuộc không kích của Israel trong 10 ngày qua. Trong khi đó, IDF thông tin hơn 120 người trong số những người thiệt mạng là thành viên của Hamas và hơn 25 người là thành viên của Thánh chiến Hồi giáo Palestine tính đến tối 17/5. Về phía Israel, trong 11 ngày xung đột, nước này ghi nhận 12 người thiệt mạng, trong đó có 2 trẻ em, và hàng trăm người bị thương do các đòn tấn công đến từ Hamas.
Dù đạt được thoả thuận ngừng bắn, song tình hình ở Dải Gaza vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Minh chứng là vào tháng 9, Israel tiép tục tuyên bố thực hiện các cuộc không kích nhằm vào Dải Gaza để đáp trả vụ bắn tên lửa của người Palestine vào lãnh thổ nước này.
Căng thẳng giữa 2 bên đã gia tăng sau vụ 6 chiến binh Palestin trốn thoát khỏi nhà tù của Israel hôm 6/9. Lực lượng Israel sau đó đã bắt giữ toàn bộ các tù binh.
Được biết, vào ngày 10/9, các chiến binh tại Gaza đã phóng một quả tên lửa vào Israel khi 2 trong số các tù nhân bỏ trốn bị bắt trở lại và tiếp tục thực hiện một vụ tấn công khác vào ngày 11/9, khi có thêm 2 tù nhân vượt ngục khác bị bắt giữ. Đáp trả lại hành động gây hấn trên, Quân đội Israel cho biết họ đã tấn công nhằm vào các mục tiêu thuộc Hamas, nhóm vũ trang Hồi giáo cai trị Gaza.
Tháng 7, cố Tổng thống Haiti Jovenel Moise (53 tuổi) đã bị ám sát ngay tại dinh thự ở thủ đô Port-au-Prince. Cụ thể, rạng sáng 7/7, một nhóm các tay súng đã đột nhập vào nhà ông Moise và sát hại ông. Đệ nhất phu nhân Haiti Martine Moise cũng bị tấn công và phải sang Mỹ điều trị.
Sau vụ việc, cảnh sát Haiti đã bắt hàng loạt nghi phạm liên quan đến vụ ám sát, bao gồm 18 người Colombia cùng một số người Haiti và người Mỹ gốc Haiti. Trong số nghi phạm có các cựu biệt kích Colombia, một cựu thẩm phán, một nhân viên bán thiết bị an ninh, một nhà môi giới tài sản và bảo hiểm ở Florida cùng hai chỉ huy đội cận vệ của cố Tổng thống Jovenel.
Thời điểm xảy ra vụ ám sát, ông Jovenel đang phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Trong đó, ông đã bị nhiều người biểu tình phản đối, yêu cầu từ chức vào tháng 2/2021. Đồng thời, các băng đảng vũ trang đang gia tăng kiểm soát các con phố, khủng bố những khu dân cư nghèo và khiến hàng nghìn người phải chạy trốn, bắt cóc cả học sinh và mục sư nhà thờ.
Cùng thời điểm, gười dân Haiti cũng đang phải sống trong cảnh nghèo đói, tham nhũng gia tăng. Các quan chức bị cáo buộc chỉ biết vơ vét cho bản thân, không cung cấp cho người dân ngay cả những dịch vụ cơ bản nhất.
Ngoài ra, cô Tổng thống Jovenel còn được cho là có mâu thuẫn với một số nhà tài phiệt giàu có, bao gồm dòng họ đang kiểm soát lưới điện quốc gia.
Không thể không nhắc đến sự trỗi dậy của Taliban ở Afghanistan sau cuộc rút quân hỗn loạn của Mỹ và phương Tây trong năm 2021. Cụ thể, ngày 15/8, thế giới đã chấn động trước sự sụp đổ nhanh chóng chỉ sau vỏn vẹn 11 ngày của chính phủ Afghanistan mà Mỹ và phương Tây hậu thuẫn.
Sự thay đổi này diễn ra vào thời điểm Mỹ và NATO hoàn tất kế hoạch rút quân khỏi Afghansitan sau 20 năm triển khai quân sự tại quốc gia này.
Sự trỗi dậy của Taliban ở Afghanistan đã khiến Tổng thống Mỹ Joe Biden vấp chỉ trích gay gắt từ chính đảng Dân chủ và nhiều nhà phê bình trên thế giới. Sau khi Taliban giành quyền kiểm soát Kabul, Mỹ cùng các nước phương Tây đã đẩy nhanh kế hoạch sơ tán công dân và người Afghanistan từng làm việc với quân đội.
Cuối tháng 8/2021, trong lúc hàng nghìn người tụ tập ở sân bay Kabul, tìm cơ hội rời đi, IS-K, một nhánh của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), đã tiến hành một vụ đánh bom liều chết và tấn công khủng bố nhằm vào đám đông bên ngoài sân bay. Vụ tấn công khiến 13 quân nhân Mỹ làm nhiệm vụ tại đây cùng hơn 180 người dân khác thiệt mạng và trở thành một đòn giáng mạnh vào nhiệm kỳ tổng thống của ông Joe Biden.
Sau khi lên nắm quyền lãnh đạo, Taliban đã thành lập chính phủ mới và cam kết sẽ có nhiều thay đổi, tôn trọng quyền của phụ nữ và trẻ em, đồng thời không để Afghanistan trở lại thành “cái nôi” của khủng bố.
Tuy nhiên, đã nhiều tháng trôi qua sau khi Taliban tuyên bố giành quyền kiểm soát Afghanistan, dù các quan chức trong bộ máy của Taliban đã có cuộc gặp gỡ trực tiếp với phái bộ ngoại giao một số nước, bao gồm Mỹ, nhưng nhóm Hồi giáo này vẫn chưa nhận được sự công nhận của thế giới. Các cuộc đàm phán chủ yếu xoay quanh việc viện trợ cho người Afghanistan và ngăn chặn cuộc khủng hoảng nhân đạo có thể xảy ra tại quốc gia này.
Taliban vẫn còn nhiều thứ cần làm. Nếu muốn được thế giới công nhận, nhóm Hồi giáo phải thực hiện những cam kết mà trước đó họ đã đưa ra về việc tôn trọng nhân quyền, đặc biệt là quyền của phụ nữ, trẻ em gái và chống khủng bố.
Đây vốn không phải điều có thể chứng minh trong thời gian ngắn, đặc biệt với Taliban, nhóm từng cai trị Afghansitan cách đây 20 năm với những quy định vô cùng hà khắc. Bên cạnh đó, IS-K coi Taliban như “kẻ thù không đội trời chung” và đã tiến hành nhiều cuộc tấn công khủng bố tại Afghanistan kể từ khi nhóm này nắm quyền lãnh đạo. Do đó, tương lai và tình hình Afghanistan trong thời gian tới có lẽ sẽ tiếp tục được theo dõi sát sao.
Nội dung: Minh Hạnh
Ảnh: Reuters, CNN, Getty, NYT
DOISONGPHAPLUAT.COM |