Thực hiện lời dạy của Người, Đảng ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với các chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn hướng tới "Xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam phát triển toàn diện, văn minh, tự chủ, tự lực, tự cường và có ý chí, khát vọng vươn lên; có trình độ và năng lực tổ chức sản xuất tiên tiến, ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo".[1]
Liên quan đến đất đai, tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16.6.2022 của hội nghị lần thứ năm BCH Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao cũng đã dành riêng một mục đưa ra các giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp.
Đặt người nông dân là chủ thể chính trong khu vực kinh tế nông nghiệp
Thể chế hoá các quan điểm của Đảng, Luật Đất đai năm 2024 có những sửa đổi quan trọng về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, trước hết là mở rộng đối tượng và phạm vi tiếp cận đất nông nghiệp. Theo đó, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp sẽ được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa để sản xuất nông nghiệp. Quy định này thúc đẩy các cá nhân có nhu cầu đầu tư vào sản xuất nông nghiệp góp phần đa dạng hoá thành phần tham gia lĩnh vực nông nghiệp, nâng cao năng lực, trình độ giai cấp nông dân.
Mặt khác, quy định này chỉ áp dụng đối với diện tích trong hạn mức giao đất để hạn chế tình trạng thu gom đất, ảnh hưởng quyền lợi của cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh phần lớn nông dân của nước ta chưa có điều kiện để chuyển đổi nghề nghiệp khỏi khu vực kinh tế sản xuất nông nghiệp, khiến bần cùng hoá nông dân. Do vậy, Luật Đất đai đã quy định khi muốn mở rộng diện tích nhận chuyển nhượng đất trồng lúa, các cá nhân nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp sẽ phải thành lập tổ chức kinh tế và lập phương án sử dụng đất trình Uỷ ban nhân dân cấp huyệt phê duyệt (Điều 45), bảo đảm tính chuyên nghiệp hoá của hoạt động sản xuất nông nghiệp, đồng thời qua đó tạo việc làm cho người nông dân tham gia vào sản xuất ổn định cuộc sống. Như vậy, Luật Đất đai mở ra một cánh cửa mới để thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nhưng cũng tạo ra những “van khoá” chặt chẽ để đảm bảo việc sử dụng đất, nhất là đất trống lúa đúng mục đích, hiệu quả, phù hợp năng lực của từng đối tượng.
Đối với người sử dụng đất nông nghiệp, tại Điều 47 của Luật Đất đai năm 2024 cho phép được chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trong cùng đơn vị hành chính cấp tỉnh và không phải nộp thuế thu nhập từ việc chuyển đổi quyền sử dụng đất và lệ phí trước bạ. Quy định này tạo điều kiện thuận lợi để người nông dân chủ động chuyển đổi vị trí canh tác, chủ động trong công tác dồn điền đổi thửa hạn chế sự manh mún của đất sản xuất nông nghiệp, tạo ra khu vực sản xuất tập trung, thuận lợi để áp dụng các công nghệ, kỹ thuật hiện đại vào đồng ruộng.
Luật Đất đai 2024 tạo điều kiện thuận lợi để người nông dân chủ động chuyển đổi vị trí canh tác, chủ động trong công tác dồn điền đổi thửa
Luật Đất đai cũng cho phép người sử dụng đất nông nghiệp được linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để sử dụng đất kết hợp đa mục đích; được sử dụng một phần diện tích đất để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp (Điều 178). Cùng với các quy định về sử dụng đất đa mục đích (Điều 218) cho phép đất nông nghiệp được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu và ngược lại các loại đất được sử dụng kết hợp mục đích nông nghiệp tạo nên cơ chế thông thoáng hình thành các mô hình sử dụng đất kết hợp nâng cao hiệu quả sử dụng đất, gia tăng nguồn thu nhập cho người nông dân.
Về chính sách hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, người sử dụng đất trực tiếp sản xuất nông nghiệp là đối tượng được hưởng chế độ hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm bằng tiền không quá 05 lần giá đất nông nghiệp cùng loại trong bảng giá đất của địa phương đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp thu hồi không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp tại địa phương và được hỗ trợ bằng hình thức đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc tạo điều kiện cho người nông dân khi bị thu hồi đất tiếp tục lao động trong các ngành nghề phù hợp để đảm bảo sinh kế, ổn định cuộc sống sau khi bị thu hồi đất.
Phát triển nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất tập trung
Luật Đất đai năm 2024 đã bổ sung 2 điều luật (Điều 192 và Điều 193) quy định cụ thể về tập trung, tích tụ đất đai trong đó làm rõ phương thức, nguyên tắc, trách nhiệm của các chủ thể khi thực hiện. Các quy định này đã tạo cơ chế để khắc phục tình trạng manh mún, tạo điều kiện thu hút đầu tư, ứng dụng cơ giới hoá và công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.
Đồng thời đã bổ sung loại đất chăn nuôi tập trung vào nhóm đất nông nghiệp trong quy định về phân loại đất (Điều 9) và làm rõ chế độ sử dụng đất chăn nuôi tập trung (Điều 183). Đây là đất xây dựng trang trại chăn nuôi tại khu vực riêng biệt theo quy định của pháp luật về chăn nuôi. Quy định này góp phần phát triển mạnh chăn nuôi tập trung trang trại thay cho chăn nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình, thúc đẩy chủ trương phát triển chăn nuôi thành một ngành sản xuất trụ cột trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trong khu dân cư nông thôn.
Thể chế hóa chủ trương của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong Luật Đất đai 2024-3.jpg
Bên cạnh đó, Luật Đất đai năm 2024 bổ sung 01 Điều quy định chi tiết đối với đất khu nuôi, trồng, sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung (Điều 194) để thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, thực nghiệm, nuôi, trồng, sản xuất, bảo quản, chế biến, dịch vụ kho bãi cho nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản; đây là trường hợp Nhà nước thu hồi đất (Điều 79) để cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê để thực hiện dự án khu nuôi, trồng, sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung hoặc dự án đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu nuôi, trồng, sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung và được lựa chọn chuyển sang hình thức thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm.
Thông qua đó, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ gắn với phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa nông sản. Cùng với các quy định về khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong chế độ sử dụng đất cho khu công nghệ cao (Điều 204) sẽ tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa nông nghiệp với công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ, bảo quản, chế biến hướng tới nền nông nghiệp hàng hóa, bền vững và hiện đại, thúc đẩy phát triển nông nghiệp nông thôn trong dòng chảy của đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn.
Đổi mới diện mạo nông thôn Việt Nam
Kế thừa Luật Đất đai các thời kỳ, Luật Đất đai năm 2024 tiếp tục phân loại và quy định riêng chế độ sử dụng đối với đất ở tại nông thôn (Điều 195), trong đó đất ở tại nông thôn phải bố trí đồng bộ với đất sử dụng cho mục đích xây dựng các công trình công cộng, công trình sự nghiệp bảo đảm thuận tiện cho sản xuất, đời sống của nhân dân, vệ sinh môi trường và theo hướng hiện đại hóa nông thôn. Cùng với đó, tại Điều 198 về sử dụng đất để chỉnh trang khu dân cư nông thôn, theo đó đất sử dụng để chỉnh trang khu dân cư nông thôn bao gồm đất chỉnh trang trong khu dân cư hiện có, đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích, đất được quy hoạch để mở rộng khu dân cư nông thôn. Làm rõ cơ chế góp quyền sử dụng đất, điều chỉnh lại đất đai (Điều 219) để sắp xếp lại đất đai trong một khu vực đất nhất định trên cơ sở sự đồng thuận của người sử dụng đất tạo điều kiện thực hiện dự án chỉnh trang, phát triển khu dân cư nông thôn, mở rộng, nâng cấp đường giao thông nông thôn. Các quy định này sẽ góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới để đạt tiến độ, mục tiêu phát triển nông thôn Việt Nam.
Đối với các khu tái định cư tại khu vực nông thôn, tại khoản 2 Điều 110 của Luật Đất đai đã quy định hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư tối thiểu phải đạt tiêu chuẩn nông thôn mới trong đó bảm đảm đường giao thông kết nối với khu vực lân cận, điện chiếu sáng và điện sinh hoạt, hệ thống cấp, thoát nước, thông tin liên lạc, xử lý môi trường; hạ tầng xã hội khu tái định cư phải bảo đảm khả năng tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, chợ, thương mại, dịch vụ, vui chơi, giải trí, nghĩa trang; phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của từng vùng, miền. Qua đó, từng bước hình thành các khu vực dân cư nông thôn mới đầy đủ tiện ích đời sống của người dân theo hướng hiện đại hóa những vẫn gìn giữ các giá trị văn hóa cốt lõi của người Việt Nam trở thành không gian sống của người nông dân Việt Nam.
Có thể nói, những nội dung đổi mới về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp và quyền, nghĩa vụ của nông dân, Luật Đất đai năm 2024 đã tạo ra hành lang pháp lý vững chắc để đáp ứng chủ trương của Đảng ta về quan tâm đến đời sống và sản xuất của người nông dân, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, là bước đi có ý nghĩa quyết định thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Bảo vệ tư liệu sản xuất nông nghiệp
Đặc biệt đối với lĩnh vực nông nghiệp, đất đai là điều kiện vật chất cần thiết, không chỉ là cơ sở không gian mà còn là công cụ và phương tiện lao động. Luật Đất đai năm 2024 đã quy định chi tiết về điều tra, đánh giá đất đai và bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất (từ Điều 51 Điều 55) trong đó làm rõ nội dung, trách nhiệm điều tra, đánh giá về chất lượng đất, tiềm năng đất đai, thoái hóa đất, ô nhiễm đất và bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất. Qua đó, tăng cường quản lý đất đai về chất lượng, bảo vệ nguồn tư liệu sản xuất của ngành nông nghiệp.
[1] - Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 23/11/2023 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khoá XIII về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc
LÊ MINH NGÂN
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
(Theo Báo Tài nguyên & Môi trường)