Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Thầy giáo trẻ đưa bút đề thư pháp trên lá sen khô

(DS&PL) -

Đam mê nghệ thuật thư pháp từ lúc còn học cấp 2, đến nay, thầy giáo Trịnh Phi Long đã thỏa mãn với niềm đam mê của mình.

Đam mê nghệ thuật thư pháp từ lúc còn học cấp 2, đến nay, thầy giáo Trịnh Phi Long đã thỏa mãn với niềm đam mê của mình. Không những vậy, anh chàng còn sáng tạo nên sản phẩm tranh thư pháp trên lá sen sấy khô rất độc đáo và mới lạ được nhiều người yêu thích.

Niềm đam mê thư pháp đã nuôi dưỡng tâm hồn thầy giáo trẻ Trịnh Phi Long.

“Nét chữ, nết người” nuôi dưỡng đam mê

Mới hơn 30 tuổi nhưng thầy giáo Trịnh Phi Long (quê quán xã Định Yên, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) đã có ý tưởng khởi nghiệp với sản phẩm độc đáo “tranh thư pháp trên lá sen khô”. Hiện tại, Phi Long đang mở lớp dạy viết thư pháp tại Liên hiệp Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đồng Tháp, trợ giảng cùng các thầy ở câu lạc bộ thư pháp Sen Việt và mở lớp dạy miễn phí cho các bạn yêu thư pháp.

Chia sẻ về niềm đam mê, Phi Long cho biết đã được ông nội truyền cảm hứng nghệ thuật viết thư pháp. “Lúc học cấp 2, ông nội cho tôi xem bài báo nói về cách viết thư pháp. Chính từ đó, tôi cảm thấy đam mê và tìm cách học hỏi. Tôi học ở bạn bè, đi chỗ này, chỗ kia thấy những người viết thư pháp, sau đó về nhà tập luyện nhiều hơn”, Phi Long kể.

Từ đó, niềm đam mê chơi thư pháp đã khơi dậy trong lòng anh chàng từ năm học lớp 7. Qua tìm hiểu, đến năm 2008, Phi Long mới phát triển mạnh ở lĩnh vực thư pháp thành cơ sở tranh để sản xuất và bán ra thị trường.

Ban đầu, Phi Long viết thư pháp bằng cọ vẽ. Thời gian sau mới có tiền mua được cây bút viết thư pháp chuyên nghiệp về tập luyện. Tính từ lúc bắt đầu luyện viết chữ đến khi học lớp 12, Phi Long mới tự tin cho ra dòng sản phẩm tranh thư pháp của riêng mình. Để có được một bức tranh thư pháp đẹp, có hồn, thu hút nhiều người thưởng thức giá trị nghệ thuật, Phi Long phải trải qua quá trình khổ luyện.

Thầy giáo trẻ cho hay: “Thư pháp là một môn nghệ thuật, người viết thư pháp phải thật sự đam mê, sống vì đam mê thì mới có thể phát triển được năng khiếu và tài năng của bản thân. Muốn giỏi thư pháp phải cố gắng luyện tập và học hỏi thì mới tiến xa hơn. Vì thế khi viết thư pháp đòi hỏi cái tâm phải tịnh và tất cả mọi thứ xung quanh mình phải gạt bỏ qua hết, chỉ duy nhất là phải tập trung để viết làm sao cho đẹp và có hồn nhất”.

Thời sinh viên ở trường đại học Đồng Tháp, Phi Long hay tìm chỗ ngồi trên vỉa hè trước cổng trường để biểu diễn thư pháp bán cho các bạn. Gặp lại nhau, ngồi trò chuyện, Phi Long kể lại những kỷ niệm: “Thời sinh viên năm 2006, mới tập tành viết trên chất liệu giấy A3, tôi làm ra những tấm liễn nho nhỏ, bán cho các bạn sinh viên giá chỉ có 5.000 đồng/tờ. Cảm giác khi bán được sản phẩm tinh thần của mình, trong lòng rất vui và sung sướng. Từ đó có động lực để tôi cố gắng hoàn thiện và tập luyện nhiều hơn để sau này phát triển dòng tranh thư pháp phù hợp với thị hiếu của khách hàng”.

Sau khi tốt nghiệp, Phi Long trở thành giáo viên của trường tiểu học Hòa Bình B (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp). Bên cạnh sự nghiệp trồng người, Phi Long vẫn theo đuổi niềm đam mê và mở cơ sở tranh thư pháp mang tên mình tại nhà.

Trong thời gian hành nghề và tích cực quảng bá sản phẩm, tranh thư pháp của Phi Long được đóng khuôn thành phẩm với nhiều kích cỡ bắt mắt nên được nhiều khách hàng ưa chuộng tìm đến xem, trải nghiệm và đặt mua. Không chỉ dừng lại ở đó, thỉnh thoảng Phi Long lại tổ chức buổi triển lãm tranh thư pháp để gây quỹ từ thiện giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Thổi hồn vào lá sen để làm giàu cho kinh tế địa phương

Ngày càng nhiều khách hàng yêu thích tranh thư pháp lá sen của Phi Long.

Với niềm đam mê cháy bỏng, chỉ trong 2 năm gần đây, Phi Long đã nghiên cứu và viết thư pháp thành công trên chất liệu lá sen sấy khô và được nhiều khách hàng ưa chuộng, bởi tính sáng tạo, độc đáo và mới lạ. Anh kể, tình cờ, dịp lễ Quốc khánh năm 2017, anh phát hiện ra lá sen sấy khô và có ý tưởng viết thư pháp trên chất liệu này và đã say mê nghiên cứu thêm.

“Tôi đã biết về lá sen sấy khô từ một công ty ở TP.Cao Lãnh nên liên kết lấy nguồn nguyên liệu về để thực hiện mảng thư pháp lên thành các sản phẩm tranh thư pháp. Tranh lá sen có chất liệu từ 100% lá sen đều đã qua công nghệ xử lý sấy hiện đại.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là do lá sen có gân nên khi viết phải đòi hỏi một kỹ thuật nhất định và tạo hình nội dung thì phải định hình trước. Chất liệu mực viết chữ cũng phải nghiên cứu khác với chất liệu trên giấy để làm sao cho chữ không bị phai và phải nổi lên trên lá sen đẹp hơn.

Quan trọng là làm sao thổi hồn vào trong lá sen để trở thành một tác phẩm nghệ thuật được nhiều người đón nhận và hài lòng. Khi khách hàng mua dòng tranh thư pháp thì được bảo hành trong thời gian 3 năm”, Phi Long cho hay.

Nhờ đó, từ năm 2017 đến nay, mỗi tháng, cơ sở sản xuất tranh thư pháp của Phi Long cho ra thị trường từ 30 - 40 khung tranh thư pháp các loại với giá từ 250.000 đồng/khung tranh trở lên.

Sau khi trừ tất cả chi phí và tiền công, Phi Long có thu nhập từ 7 - 8 triệu đồng/tháng. Khi khách hàng mua bất kỳ sản phẩm nào từ quà lưu niệm đến bức tranh lớn, anh đều hướng dẫn khách treo tranh nơi nào cho hợp phong thủy và cách bảo quản để tránh ẩm mốc, hư hỏng.

Thầy giáo Phi Long tâm sự: “Chính vì niềm đam mê thư pháp mà mình muốn khởi nghiệp để cải thiện hơn về kinh tế, giúp được cho những bà con có đầu ra sản phẩm lá sen. Muốn được giới thiệu nhiều hơn đến các bạn trẻ, bạn bè gần xa biết về Đồng Tháp qua dòng tranh thư pháp trên lá sen”.

Trước những kết quả khả quan, Phi Long đã có kế hoạch đầu tư mở rộng quy mô sản xuất và thiết kế, liên kết với các tour du lịch lữ hành của các công ty và khu du lịch như Vườn Quốc gia Tràm Chim, Gáo Giồng, Xẻo Quít,... để tham quan, trải nghiệm viết thư pháp tại cơ sở của anh.

Đồng thời, Phi Long có hướng liên kết với các điểm du lịch homestay trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp và những khu du lịch ngoài tỉnh để ký gửi những sản phẩm giới thiệu với khách du lịch.

HÀ NHÂN

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 23

Tin nổi bật