Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Thầy giáo Ê-đê: “Trò hư là lỗi của thầy, trò phạm lỗi, thầy chịu phạt”

(DS&PL) -

Gần 10 năm đứng trên bục giảng, thầy giáo người Ê-đê vẫn đang miệt mài “cắm bản”, dành thời gian kèm thêm cho học sinh yếu mỗi tuần.

Gần 10 năm đứng trên bục giảng, thầy giáo người Ê-đê vẫn đang miệt mài “cắm bản”, dành thời gian kèm thêm cho học sinh yếu mỗi tuần. Tâm niệm “Trò hư là lỗi của thầy”, nên mỗi khi học trò phạm lỗi, người thầy ấy lại “đứng mũi chịu sào”, chịu phạt nêu gương.

Thầy Ksor Y Giêng chia sẻ những kỷ niệm đáng nhớ với học sinh.

“Nơi tình yêu bắt đầu”

Sinh ra và lớn lên tại buôn Krông, một buôn làng nghèo của người Ê-đê thuộc xã Ea Bia, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên, từ những ngày còn ngồi trên ghế tiểu học, mặc dù sức học không được tốt, cậu học trò Ksor Y Giêng (SN 1984) vẫn hạ quyết tâm sau này phải trở thành giáo viên, để giúp những đứa trẻ dân tộc thiểu số giống như mình biết chữ, thoát nghèo.

Một ngày hè tháng Sáu của 10 năm về trước, khi bước chân khỏi cánh cổng trường đại học Sư phạm Quy Nhơn, trong khi bạn bè mỗi người theo đuổi một khoảng trời thuận lợi để lập nghiệp, chàng sinh viên Ê-đê mong muốn quay về ngôi trường tiểu học nơi anh từng học tập, bởi chính nơi này đã thôi thúc anh theo nghề.

Tuy nhiên, khi biết đến những xã đặc biệt khó khăn, thuộc diện vùng sâu, vùng xa, chàng sinh viên vừa tốt nghiệp nhận công tác tại trường tiểu học Ea Lâm (nay là tiểu học &THCS Ea Lâm), xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên, đến nay, cũng gần tròn 10 năm đứng trên bục giảng.

Ngồi bên chiếc bàn cũ, thầy giáo Y Giêng bắt đầu câu chuyện: “Nhớ lại ngày đầu tiên đặt chân đến trường, một người bạn của tôi đến trước, thấy hẻo lánh, hoang vu quá, còn đắn đo suy nghĩ mãi, còn tôi quyết định gắn bó ngay trong vòng một nốt nhạc. Hôm sau là bắt đầu giảng dạy luôn”.

“Tôi thật may mắn khi gặp thầy tổ trưởng quan tâm, sát sao chỉ dạy. Thầy ấy đi dự giờ, nhìn thấy những kiến thức lúc đó tôi truyền đạt đơn thuần là những điều được học, được thực tập ở TP.Quy Nhơn, chỉ sau 15 phút, thầy kêu tôi dừng lại. Thầy tổ trưởng giải thích cho tôi, dạy như thế thì học sinh ở đây sẽ thụt lùi hết, vì 99% học sinh là dân tộc thiểu số người Ê-đê, không thể tiếp cận với kiến thức nhanh như vậy.

Sau đó, chính thầy đứng lên bục giảng “dạy mẫu” một tiết Tập đọc và một tiết Toán. Đây chính là người thầy thứ ba, nơi đây chính là ngôi trường thứ ba rèn giũa tôi”, nụ cười có phần bẽn lẽn trên gương mặt cương nghị.

Trình độ học sinh tiếp cận còn hạn chế, phải mất rất nhiều năm, thầy Y Giêng mới đúc kết được kinh nghiệm để có thể tự tin hướng dẫn học sinh một cách hiệu quả.

Lãnh đạo trường tiểu học và THCS EaLâm cho biết, nhiều năm học liền, thầy Y Giêng tham gia và đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện và cấp tỉnh. Trong mắt đồng nghiệp, thầy rất hòa đồng, trách nhiệm với công việc, luôn quan tâm, giúp đỡ đồng nghiệp.

Thầy trò cùng tham gia lao động.

Sứ mệnh vận động, “tăng ca” kèm học sinh

Vùng bản khó khăn không chỉ thiếu thốn về vật chất, ngay đến việc thu hút học sinh đi học đầy đủ cũng là một thử thách gian nan đối với những người thầy, người cô nơi đây.

Các gia đình trong bản, phần nhiều thiếu vắng hình bóng bố mẹ, những đứa trẻ lớn lên trong vòng tay của ông bà hoặc anh chị, bởi bố mẹ còn bận đi tìm kế mưu sinh xa nhà. Vì vậy, việc học sinh đến trường đều hay không, việc học sinh sẽ học hành ra sao,… chẳng mấy khi được bố mẹ quan tâm, hay nói cách khác là “trăm sự nhờ thầy cô”. Thậm chí, việc học sinh đột nhiên nghỉ học để ở nhà chăn bò cũng được xem là chuyện bình thường.

Những lần như thế, vì tương lai của học trò, thầy Y Giêng lại cùng một số thầy cô, chia nhau đi đến từng nhà trao đổi và giải thích cho phụ huynh biết việc học quan trọng đối với con cháu họ như thế nào, vận động để học sinh trở lại lớp.

“Nhiều lần, tôi nhận được những câu trả lời rất thất vọng: “Hỏi thử mai nó có đi hay không?”. Đôi lúc, có một vài trường hợp “cá biệt”, tôi đến nhà họ cũng không tiếp, “phó mặc” cho giáo viên thuyết phục nỉ non”, vầng trán thầy Y Giêng hơi nhăn lại khi nhắc đến những “cuộc cách mạng” đưa học sinh trở lại học đường.

Trong số những học sinh được vận động, có một số ít các em nghỉ học quá lâu, bị hổng kiến thức nhiều, nên thầy cô lúc nào cũng đau đáu phải làm sao để “cái chữ” không bị xóa mờ trong mỗi học sinh. Nếu không khắc phục ngay, các em dù có đi học trở lại cũng không hiểu bài, không theo kịp chương tình, sẽ dễ chán nản, bỏ học giữa chừng.

Vì vậy, sau mỗi buổi học, thầy Y Giêng luôn cố gắng dành quỹ thời gian của bản thân, kèm thêm cho những bạn yếu hơn vào giữa buổi hoặc buổi chiều. Đó là những giờ học bổ sung kiến thức cho những học sinh chưa hiểu bài, thầy Y Giêng sẽ hướng dẫn từng chút một, với phương pháp tiếp cận từ từ, vừa sức.

Chính vì dành trọn tâm huyết, trí lực cho bục giảng, thầy giáo Ê-đê ít có thời gian chăm chút cho gia đình nhỏ của mình. Người vợ tảo tần là hậu phương vững chắc chăm sóc hai thiên thần nhỏ để thầy vững tâm công tác.

Tuy nhiên, không tránh khỏi những phút chạnh lòng, thầy Y Giêng vẫn luôn tự trách mình: “Là giáo viên tiểu học nhưng tôi lại ít thời gian để kèm con học tập. Chính tôi cũng từng nghĩ đến hình ảnh, bố dắt tay con gái bước vào trường trong lễ khai giảng. Nhưng dường như, điều đó thực sự khó khăn! Mỗi sáng, tôi chỉ kịp đưa con đến cổng trường rồi vội vã trở về với những “đứa con” đang chờ thầy lên lớp”.

Gần 10 năm đứng trên bục giảng, niềm vui lớn nhất đối với thầy giáo người Ê-đê, là nhìn học trò từng bước trưởng thành.

Trò hư là lỗi của thầy, trò phạm lỗi, thầy chịu phạt!

Hành trình làm thầy của thầy Y Giêng có những lúc “khó xử”, anh coi học trò như con em trong gia đình, nên luôn muốn đối xử theo tình cảm. “Trong xã hội hiện nay cũng đang lên án rất nhiều về việc giáo viên lạm dụng hình phạt đối với học sinh, nên bản thân tôi không muốn bị mọi người có cái nhìn như vậy. Tôi chỉ muốn làm những gì công bằng nhất, giáo dục tốt nhất, bởi, gia đình các em đã gửi gắm ở thầy cô rất nhiều”.

Ngừng một chút, thầy Y Giêng tiếp tục câu chuyện: “Vào một buổi học 4 năm trước, khi tôi đang chủ nhiệm lớp 4, vào giờ ra chơi, sau khi tập thể dục giữa giờ xong, tôi cùng đồng nghiệp vào phòng chờ để nghi giờ ra chơi. Vừa vào lớp, bạn lớp trưởng báo cáo lại là có hai bạn đánh nhau, thậm chí còn hứa hẹn hết buổi học sẽ gặp để “làm rõ trắng đen”. Bạo lực học đường vốn là điều cấm kỵ nên tôi không muốn điều đó tái diễn nữa”.

“Trò hư tại thầy. Trò phạm lỗi thì thầy phải là người chịu trách nhiệm trước. Tôi đứng dậy, tự lấy thước đánh mạnh vào chân mình trước sự kinh ngạc của cả lớp. Bắp chân tôi bị bầm tím suốt mấy ngày. Lớp trưởng bất ngờ đứng lên ý kiến: “Các bạn vi phạm, sao thầy lại phải chịu phạt?”.

Qua hôm đó, may mắn, lớp tôi chủ nhiệm không để thầy phải “ăn roi” thêm lần nào nữa, các em đều rút kinh nghiệm và ngoan ngoãn đến hết năm học”, thầy giáo 35 tuổi hóm hỉnh nhớ lại.

Nhắc đến chặng đường gần 10 năm “bám bản”, thầy Ksor Y Giêng bày tỏ: “Có gắn bó mới thấy nơi đây đáng yêu đến nhường nào. Học trò ở đây cũng rất tình cảm, có thể các em chưa bao giờ tặng chúng tôi những món quà giá trị vật chất, nhưng phía sau những bài học, các em biết lễ phép, yêu bạn, kính thầy. Chúng tôi chỉ ước mong các em không bỏ học, mỗi ngày đều đặn đến trường như các bạn cùng trang lứa, đó đã là món quà quý giá nhất. Mừng nhất là khi học trò cũ nhắn tin hỏi thăm nhân dịp lễ Tết”.

Một trong những học trò để lại ấn tượng lớn nhất đối với thầy Y Giêng, là cậu học trò Ksor Y Hô, từng là một học sinh “cá biệt”. “Sức học của Ksor Y Hô thì tốt nhưng ở trong lớp cực kỳ “cứng đầu”. Em thường xuyên bày những trò nghịch ngợm, thậm chí, chọc phá bạn bè, thầy cô khuyên không được. Qua một thời gian, tôi được biết, do ở nhà, bố mẹ hầu như không quan tâm chỉ bảo, nên khi đến lớp, em hay thể hiện cá tính, tính cách của mình.

Khi đó, tôi tìm cách tiếp cận thật gần gũi, chia sẻ về những điều nên và không nên, giải thích và phân tích những mặt lợi, hại đối với tương lai. Hết học kì I, em đã thay đổi hoàn toàn và học trội nhất lớp, sau khi hết chương trình tiểu học, em được chọn vào trường phổ thông dân tộc nội trú huyện, với tỷ lệ chọi rất cao. Đó cũng được xem là một trong những thành công của tôi dưới mái trường tiểu học &THCS Ea Lâm này”, thầy Y Giêng cười rạng rỡ.

Mặc dù không có nhiều thời gian dành cho gia đình nhỏ, thầy giáo Y Giêng vẫn luôn tận tình bên những trang giáo án, mang những bài học đạo đức, kiến thức đến cho những học trò dân tộc thiểu số nơi bản làng. Với thầy, học trò đi học là một niềm hạnh phúc!

Cẩm Mịch

Tin nổi bật