Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Thầy giáo bị án tử hình xin Chủ tịch nước ân xá vì "chỉ đi phiên dịch cho trùm ma túy"

(DS&PL) -

Cho rằng mức án tử hình cấp sơ thẩm tuyên là quá nặng, Thò Pạ Sáu làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt xuống chung thân.

Cho rằng mức án tử hình cấp sơ thẩm tuyên là quá nặng, Thò Pạ Sáu làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt xuống chung thân. Tuy nhiên, sau khi được sự phân tích của luật sư và người thân, Sáu đã rút đơn kháng cáo để làm đơn xin ân xá của Chủ tịch nước, mong có cơ hội sống.

Đánh liều đi buôn ma túy

TAND Cấp cao tại Hà Nội vừa mở phiên tòa xét xử phúc thẩm hình sự đối với Thò Pạ Sáu (43 tuổi, giáo viên tiểu học, trú tại xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) về tội Mua bán trái phép chất ma túy. Ở cấp sơ thẩm, Thò Pạ Sáu bị TAND tuyên mức án tử hình. Sau phiên tòa này, Thọ Pạ Sáu viết đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt xuống chung thân vì cho rằng mình chỉ đi phiên dịch với số tiền công 400 USD chứ không trực tiếp giao ma túy. Mức án tử hình dành cho bị cáo là quá nặng.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Thọ Pạ Sáu nhìn gầy gò và xanh xao. Bị cáo liên tục kêu mệt không thể đứng vững nên HĐXX đã cho phép Sáu ngồi xuống để trả lời các câu hỏi. Vợ con, người thân và đồng nghiệp của bị cáo Sáu cũng có mặt tại phiên tòa. Vợ Sáu không ngừng khóc khi thấy chồng.

Theo cáo trạng, chiều 22/4/2018, Thò Pạ Sáu nhận được điện thoại của người đàn ông tên Tủa (người Lào, không xác định được danh tính cụ thể) bảo đi cùng xuống xã Châu Thôn để giao ma túy cho khách vì ông ta không nói được tiếng Việt.

Bị cáo Thò Pạ Sáu. Ảnh: Dân Trí

Đến 18h cùng ngày, Sáu bắt xe ôm đến điểm hẹn và được Tủa đưa cho 400 USD tiền công. Một lát sau, chiếc ô tô của khách mua ma túy đến, Tủa nói Sáu xách bao tải chứa ma túy đến giao cho khách. Khi Thò Pạ Sáu xách ma túy lại gần ô tô thì bị Công an phát hiện, bắt giữ. Đối tượng tên Tủa chạy thoát vào rừng, chiếc ô tô cũng nhanh chóng tăng ga bỏ chạy. Tang vật thu được là 1 chiếc bao tải chứa 15 bánh heroin có trọng lượng 5kg, 2 gói chất tinh thể màu trắng có trọng lượng ma túy hơn 1,7kg và 40 gói hồng phiến có trọng lượng 0,7kg.

Trước đó, TAND tỉnh Nghệ An xét xử sơ thẩm, tuyên phạt tử hình Sáu về tội Mua bán trái phép chất ma túy. Trong đơn kháng cáo bị cáo Sáu trình bày hoàn cảnh gia đình khó khăn và cho rằng bản thân chỉ là người đi phiên dịch thuê.

Bị cáo Sáu thều thào khai tại phiên tòa, mình không phải là chủ mưu trong vụ án này. Khi bị công an bắt quả tang, Sáu chỉ đứng cạnh bao tải chứ không trực tiếp giao dịch. Do hạn chế về pháp luật, do hoàn cảnh gia đình khó khăn bị cáo mới sa vào con đường tội lỗi. Tuy nhiên, bị cáo Sáu không đưa ra được tình tiết mới để HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt và không chứng minh được Tủa gọi điện cho Sáu thuê đi phiên dịch.

Nghe Sáu khai, vị thẩm phán cho biết: “Bị cáo không thể biện minh cho hành vi phạm tội của mình như vậy được. Bị cáo là thầy giáo không thể nói hạn chế về pháp luật được. Bị cáo có mức lương 10 triệu đồng/tháng nên không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh khó khăn được. Đó là vì lòng tham nên bị cáo mới làm như vậy”.

Người thân của bị cáo đã đứng dậy phát biểu ý kiến mong HĐXX đình chỉ vụ án để điều tra, làm rõ đối tượng đã thuê Sáu. “Em tôi chỉ là người được thuê đi phiên dịch. Mong HĐXX đình chỉ vụ án để điều tra ra đối tượng Tủa. Mức án tử hình là quá nặng đối với em tôi”, anh trai của Sáu nghẹn ngào nói.

Khát khao được sống

Theo những người thân và đồng nghiệp có mặt tại phiên tòa, Sáu là một người cha, một người thầy tốt. Họ không thể tin, Thò Pạ Sáu lại dính dáng tới ma túy.

Được biết, Thọ Pạ Sáu sinh ra trong một gia đình nghèo có 10 anh chị em. Do thấy Sáu sáng dạ hơn các anh chị, bố mẹ đã đầu tư cho hắn ăn học mong thoát nghèo. Khi xuống TP.Vinh để học nâng cao nghiệp vụ, bị cáo Sáu đã bị người vợ đầu bỏ vì không thể chờ được lúc Sáu quay về. Người phụ nữ này đã đi lấy người đàn ông khác. Thời điểm đó, anh em của Sáu cũng sang Lào định cư. Biến cố gia đình là vậy nhưng người đàn ông này vẫn quyết tâm này vẫn kiên định thực hiện ước mơ dạy học của mình. Khi học xong, Sáu được phân công về trường tiểu học Tri Lễ 2 để dạy học. Sau đó, Sáu lấy người vợ thứ hai và sinh được 3 đứa con nhưng chưa đăng ký kết hôn. Hơn 20 năm dạy học, Sáu chưa từng để lại điều tiếng gì.

Ra tòa, đồng nghiệp nhìn Sáu với ánh mắt xót xa. Chỉ vì hám lợi mà Sáu chấp nhận đánh đổi tất cả. Giờ đây khi đối mặt với bản án tử hình, người đàn ông này mới cảm thấy sợ hãi trước tác hại của ma túy.

Do không cung cấp được những tài liệu và chứng cứ để HĐXX giảm nhẹ án nên luật sư bào chữa cho Sáu cũng đã phân tích cho bị cáo hiểu và khuyên bị cáo rút đơn kháng cáo. “Với số lượng ma túy lớn như vậy, bị cáo lại không cung cấp được những chứng cứ để giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo nên rút đơn kháng cáo để thể hiện sự ăn năn hối cải. Bị cáo hãy về làm đơn lên Chủ tịch nước để được ân xá. Luật sư khuyên như vậy còn quyết định vẫn là ở bị cáo”, luật sư bào chữa khuyên bị cáo Sáu.

Lúc này, bị cáo vẫn giữ nguyên quan điểm của mình và không rút đơn kháng cáo. “Bị cáo biết lỗi của mình rồi, mong HĐXX giảm nhẹ tội cho bị cáo có cơ hội sống để trở về với vợ con”, bị cáo Sáu lí nhí nói. Tuy nhiên, vị VKSND cũng phân tích với số lượng ma túy lớn như vậy, bị cáo phải chấp nhận mức án cao nhất của pháp luật là hoàn toàn chính xác.

Sau khi được luật sư tư vấn và người thân giải thích, bị cáo Sáu xin rút đơn kháng cáo, về làm đơn xin ân xá gửi lên Chủ tịch nước. Do vậy, Hội đồng xét xử đã đình chỉ xét xử phúc thẩm.

Khi được dẫn ra xe quay về trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An, bị cáo Sáu ngoái cổ lại nhìn người thân, rưng rưng nước mắt. Bị cáo đi không vững, buộc cán bộ dẫn giải dìu ra xe bít bùng. Vợ Sáu khóc òa, chạy theo chồng ra tận xe. Sáu cố dặn dò vợ giữ gìn sức khỏe để chăm sóc con. Hy vọng đây không phải là lần cuối cùng, Sáu được nhìn thấy vợ con.

Vì ma lực của đồng tiền, Thọ Pạ Sáu đã đẩy mình vào con đường chết. Sáu sẽ làm đơn lên Chủ tịch nước để xin ân xá, tuy nhiên với số lượng ma túy lớn như vậy khả năng được sống của Sáu quá đỗi mong manh.

Hà Hằng 

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 156

Tin nổi bật