Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Thay đổi tội danh truy tố nguyên Tổng giám đốc VN Pharma: Khung hình phạt mới quy định thế nào?

(DS&PL) -

Liên quan đến việc chuyển đổi tội danh truy tố nguyên Tổng giám đốc VN Pharma và đồng phạm vụ buôn bán thuốc ung thư giả, chuyên gia pháp lý đã có những nhận định.

Liên quan đến diễn biến mới vụ buôn bán thuốc ung thư giả gây rúng động dư luận, chuyên gia pháp lý cho rằng, việc chuyển đổi tội danh của các cơ quan có thẩm quyền có thể đã xác định đây là lô hàng giả chứ không phải là hàng kém chất lượng. Vụ việc còn rất nhiều tình tiết phức tạp, chưa được làm rõ, do vậy, cần chờ quá trình làm việc, xét xử của cơ quan tiến hành tố tụng.

Ngày 8/5, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa chuyển hồ sơ sang VKSND tối cao, đề nghị truy tố Nguyễn Minh Hùng (nguyên Tổng giám đốc Công ty CP VN Pharma), Võ Mạnh Cường (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hàng hải Quốc tế H&C) cùng 10 đồng phạm về tội Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh.

Đây là vụ buôn bán thuốc ung thư giả gây rúng động dư luận vào năm 2017.

Trước đó, tháng 7/2017, TAND TPHCM tuyên phạt Hùng, Cường cùng 12 năm tù về tội Buôn lậu. 7 bị cáo khác trong vụ án bị kết án về tội Buôn lậu và Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức với mức án từ 2 năm tù treo đến 5 năm tù giam.

Đến tháng 10/2017, TAND Cấp cao tại TPHCM đã hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị điều tra lại về tội danh.

Sau hơn 2 năm điều tra lại, cơ quan công an đã khởi tố thêm 3 bị can: Phan Xuân Thiện (nguyên Phó tổng giám đốc VN Pharma), Hoàng Trúc Vy (cán bộ VN Pharma) và Phạm Quỳnh Trang (nhân viên Công ty TNHH Hàng hải quốc tế H&C).

Nguyên chủ tịch Công ty Pharma (trái) và Võ Mạnh Cường tại phiên tòa mở năm 2017.

Liên quan đến những vấn đề pháp lý của vụ việc, trao đổi với PV báo Đời sống & Pháp luật, luật gia Việt Vương (Công ty luật AMI) cho rằng: Tội Buôn lậu và tội Buôn bán hàng giả là hai tội phạm xảy ra phổ biến, tuy nhiên, việc phân biệt hai tội danh này vẫn còn nhiều quan điểm trái ngược nhau.

Luật gia phân tích, tội Buôn lậu được quy định tại Điều 153 Bộ luật hình sự (BLHS) năm 1999 được sửa bổi, bổ sung năm 2009 có quy định người nào buôn bán trái phép qua biên giới thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Khoản 1 điều này thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Người phạm tội thuộc một trong các trường hợp tại Khoản 4 Điều này thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Đối với tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh được quy định tại Khoản 1 Điều 157 BLHS năm 1999 như sau: “Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm”. Người phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Luật gia Việt Vương - Công ty luật AMI

"Có thể thấy, hình phạt được quy định về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh cao hơn so với hình phạt của tội Buôn lậu.

Do vậy, nếu các cơ quan tiến hành tố tụng xét xử không thực sự khách quan, chính xác đối với các tình tiết, bản chất của vụ việc, thì sẽ dẫn đến việc dễ dàng bỏ lọt tội phạm. Đặc biệt, đây là loại tội phạm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của con người, không chỉ vậy, việc bán thuốc ung thư giả của Công ty Pharma còn tạo dư luận xấu cho xã hội, nếu không được xử lý nghiêm minh, chính xác, sẽ không thoả được lòng dân và tạo ra những hệ luỵ vô cùng xấu" - Luật gia Việt Vương nhận định.

Cũng theo luật gia Vương, qua các quá trình diễn biến tại các phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm đã xác định được Nguyễn Minh Hùng và các đồng phạm đã thực hiện hành vi làm giả hồ sơ, tài liệu kỹ thuật thuốc, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức để làm hồ sơ xin nhập khẩu thuốc cũng như các thủ tục để nhập lô hàng H-Capita.

Các tình tiết này gần như đủ yếu tố cấu thành nên tội Buôn lậu theo quy định tại Điều 153 BLHS năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 nêu trên. Tuy nhiên, theo Cục Quản lý Dược thanh tra công ty VN Pharma, kiểm tra lô hàng. Kết quả mẫu giám định cho thấy lô thuốc nhập khẩu này chứa 97% hoạt chất capecitabine, là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người.

Trong vụ án này, các bị cáo đã nhập lậu 9.300 hộp thuốc điều trị ung thư là thuốc giả là hành vi xâm phạm các khách thể khác nhau và có dấu hiệu của cả hai tội. Đó là tội buôn lậu (Điều 153 BLHS 1999) và tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh (Điều 157 BLHS 1999).

Trong trường hợp hành vi phạm tội xâm phạm nhiều khách thể trực tiếp thì phải lựa chọn khách thể trực tiếp để định tội là khách thể nào thể hiện đầy đủ bản chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. 

Việc buôn bán hàng giả theo quy định tại Điều 157 BLHS năm 1999 được sửa đổi bổ sung năm 2009, nội dung của điều luật này không khống chế nguồn gốc, xuất xứ của hàng giả là trong hay ngoài trước, việc buôn bán có vượt biên giới hay không, chỉ cần có hành vi buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh là cấu thành tội phạm này” - Luật gia Việt Vương cho biết thêm.

Luật gia Việt Vương cũng nhấn mạnh: "Việc chuyển đổi tội danh của các cơ quan có thẩm quyền có thể đã xác định đây là lô hàng giả chứ không phải là hàng kém chất lượng. Vụ việc còn rất nhiều tình tiết phức tạp, chưa được làm rõ, do vậy, cần chờ đợi quá trình làm việc, xét xử của cơ quan tiến hành tố tụng để nắm rõ hơn vụ việc".

Trâm Anh

Tin nổi bật