Một trong những vấn đề gây tranh cãi trong thời gian qua là để bộ Công an hay bộ Giao thông Vận tải quản lý đào tạo, sát hạch cấp bằng lái xe. Đây vốn là hoạt động dân sự, mà từ lâu cơ quan dân sự vẫn quản lý tốt. Liệu tới đây giao sát hạch, cấp bằng lái xe cho bộ Công an có khác nào "vừa đá bóng, vừa thổi còi"?
Bộ Công an sẽ thay bộ GTVT sát hạch, cấp giấy phép lái xe? |
Dự kiến trình Quốc hội 2 phương án...
Chính phủ vừa có tờ trình dự án luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ. Theo tờ trình, Chính phủ đã thảo luận và thống nhất dự án luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ quy định các vấn đề về: Quy tắc giao thông, đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe; đăng ký và cấp, thu hồi biển số xe cơ giới...
Để đáp ứng yêu cầu đổi mới, cải cách hành chính và thực tiễn về trật tự, an toàn giao đường bộ hiện nay, bộ Công an, bộ Giao thông Vận tải, bộ Tư pháp thống nhất để bộ Công an báo cáo Quốc hội theo phương án 1: Vấn đề đào tạo sát hạch và cấp giấy phép lái xe thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Việc thống nhất phương án này được lý giải là để đảm bảo tính hợp lý, đồng bộ và thống nhất, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, bảo vệ tính mạng, tài sản, bảo vệ con người. "Đa số thành viên Chính phủ đồng ý với phương án", nội dung tờ trình nêu.
Bộ trưởng bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể và Thứ trưởng bộ Tư pháp cũng đã ký văn bản thể hiện sự đồng ý, thống nhất để bộ Công an báo cáo Quốc hội phương án trên. Tuy nhiên, do có ý kiến khác nên Chính phủ cũng đưa ra trong tờ trình phương án 2 để Quốc hội tham khảo.
Phương án 1: Vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp GPLX thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Phương án 2: Dự án luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) tiếp tục điều chỉnh vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với bộ GTVT xây dựng nội dung thuyết minh phù hợp cho từng phương án.
Cụ thể từ năm 2001 đến nay, công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe đã được quy định trong luật Giao thông đường bộ, nghĩa là do bộ Giao thông Vận tải phụ trách và được thực hiện ổn định. Tuy nhiên, phương án này không phù hợp với cấu trúc, mục tiêu và nội dung của luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) là thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kết cấu hạ tầng hiện đại, hiệu quả, nâng cao chất lượng hệ thống mạng lưới đường bộ...
Giấy phép lái xe chỉ còn 11 hạng
Đại diện bộ Công an cho hay, trong quá trình xây dựng dự án luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bộ Công an đã nghiên cứu, tham khảo pháp luật của nhiều nước. Hầu hết các nước đều có luật chuyên biệt về trật tự, an toàn giao thông, tách bạch với quy định về xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải đường bộ. Vì vậy, nội dung dự luật được thể hiện theo đúng quan điểm được Chính phủ thống nhất trong Nghị quyết 123 về phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng Tám của Chính phủ.
Theo đó, dự án luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ có phạm vi điều chỉnh là quy định các vấn đề về quy tắc giao thông; đăng ký và cấp, thu hồi biển số xe cơ giới; đào tạo, sát hạch và cấp, cấp lại, đổi, thu hồi giấy phép lái xe; điểm của giấy phép lái xe; tổ chức an toàn giao thông và chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; giải quyết ùn tắc, tai nạn giao thông; các biện pháp thực thi pháp luật trong phát hiện, xử lý vi phạm về an toàn giao thông đường bộ.
Theo tờ trình, dự án luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ còn có những nội dung mới khác như sẽ quy định 1 hạng bằng lái (hạng B) để cấp cho người lái xe ôtô chở người đến 9 chỗ, xe ôtô tải, máy kéo có khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế không vượt quá 3.500kg. Trong luật này sẽ bỏ quy định bằng lái hạng E, các hạng F. Theo đó, giấy phép lái xe còn 11 hạng gồm: A01, A2, A3, B, C, D2, D, BE, CE, D2E, DE.
Đáng chú ý, Chính phủ đồng ý với đề xuất quy định về điểm của giấy phép lái xe. Theo đó, bằng lái sẽ được cấp 12 điểm trong 12 tháng; nếu bị trừ hết điểm trong thời hạn 6 tháng, tài xế có nhu cầu cấp lại thì phải sát hạch lại. Nếu bằng lái còn điểm thì được phục hồi 12 điểm sau 12 tháng kế tiếp.
Lo ngại xáo trộn, "quyền anh, quyền tôi"
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc sát hạch, cấp giấy phép lái xe được bộ Giao thông Vận tải thực hiện ổn định hàng chục năm qua, nếu giờ chuyển sang bộ Công an sẽ gây ra nhiều xáo trộn cũng như phát sinh thêm bộ máy quản lý, bên thừa, bên thiếu...
Trao đổi với PV ĐS&PL, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, không nhất thiết phải chuyển hoạt động sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho ngành công an vì có thể tạo ra nhiều xáo trộn. "Việc đào tạo, sát hạch lái xe hiện còn nhiều vấn đề, tuy nhiên, điều quan trọng nhất là làm sao vừa giữ nguyên quy định như hiện hành mà vẫn có các giải pháp để ngăn ngừa tiêu cực. Với công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, hệ thống dữ liệu liên thông từ cấp giấy phép lái xe, đăng kiểm, xử phạt... các cơ quan chỉ cần phối hợp tốt sẽ mang lại hiệu quả cao. Điều mà dư luận quan tâm nhất là dự thảo sau khi đi vào thực tế sẽ góp phần cải cách hành chính cũng như nâng cao được chất lượng sát hạch giấy phép lái xe, thực hiện nghiêm các quy định pháp luật, thay vì tranh luận bộ, ngành nào sẽ quản lý", ông Liên nói.
Mặc dù ủng hộ giao nhiệm vụ đào tạo sát hạch giấy phép lái xe cho bộ Công an song Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Lê Thị Nguyệt cho rằng Bộ này phải làm thế nào để thuyết minh thuyết phục người dân, Quốc hội, tránh chồng chéo nhau, không dẫn đến tình trạng "quyền anh, quyền tôi".
ĐBQH khóa XIII Nguyễn Bá Thuyền nêu quan điểm: "Việc chuyển đổi có giúp thay đổi những tồn tại trong công tác đào tạo, cấp giấy phép lại hiện nay? Và bộ máy thực hiện công tác này của bộ Công an thế nào, ngân sách có phải đầu tư hay không? Chúng ta có luật Giao thông đường bộ, luật Đường sắt, luật Đường sông... Tất cả những đạo luật đó mục đích đều hướng đến đảm bảo an toàn. Thế nhưng, luật Giao thông đường bộ lại cắt một phần sang luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, giao cho bộ Công an quản lý là không hợp lý. Liệu sau này có tách luật Đường sắt và luật An toàn đường sắt hay không?".
Cũng theo quan điểm của ông Nguyễn Bá Thuyền, lĩnh vực đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái xe là một nội dung thuộc lĩnh vực dân sự. Hoạt động dân sự giao cho cơ quan dân sự sẽ quản lý tốt hơn. Cần thực hiện tách bạch công tác giữa 2 cơ quan quản lý Nhà nước, tránh giẫm chân nhau. Trước đây, đã có Nghị quyết của Trung ương về xây dựng lực lượng vũ trang chính quy, hiện đại thì lực lượng công an nên tập trung vào công tác chuyên môn. Nếu giao sát hạch giấy phép lái xe cho bộ Công an chẳng khác nào "vừa đá bóng, vừa thỏi còi".
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng: "Nhiều nước không trao quyền cho lực lượng vũ trang cấp giấy phép lái xe
""Khi kinh tế phát triển sẽ kèm theo mạng lưới giao thông phát triển, theo đó xu hướng ở nhiều nước trên thế giới là tách ra nhiều luật để điều chỉnh hành vi khi tham gia giao thông. Điển hình ở Hàn Quốc có đến 10 luật khác nhau để điều chỉnh về giao thông đường bộ. Theo tôi, chúng ta đang xây dựng luật theo đúng xu thế của thế giới. Chính vì vậy, Chính phủ thống nhất trình Quốc hội luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ là rất phù hợp. Tuy nhiên, hầu hết các nước không trao quyền cho lực lượng vũ trang cấp giấy phép lái xe. Mặc dù, ở nhiều nước quy định cảnh sát cấp giấy phép lái xe (Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản...) nhưng ở đây có một vấn đề chúng tôi nhận thấy, ở những nước này, cảnh sát cấp giấy phép lái xe nhưng cảnh sát không phải là lực lượng vũ trang. Bộ Công an ở Trung Quốc không phải lực lượng mà người ta quy định là lực lượng vũ trang giống như quân đội. Hàn Quốc và Nhật Bản thì lực lượng Cảnh sát hoàn toàn là dân sự. Hiện tại hoạt động quản lý, đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe đang được bộ Giao thông Vận tải triển khai thông suốt, chất lượng đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe có những tiến bộ. Trong khi đó, hiện nay cả nước có trên 50 triệu lái xe các loại, nếu điều chuyển cơ quan quản lý Nhà nước thì sẽ có tác động rất lớn đến đời sống xã hội, cần đánh giá kỹ lưỡng, cẩn trọng". |
Để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cần phải quản lý được hành vi chấp hành pháp luật
Tại phiên họp mở rộng thẩm tra sơ bộ một số dự thảo luật, trong đó có dự luật Bảo đảm, an toàn giao thông đường bộ và luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) trên cơ sở tách luật Giao thông đường bộ hiện hành ngày 7/9 vừa qua, Thứ trưởng bộ Công an Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc cho biết: "Người điều khiển phương tiện giao thông vừa là chủ thể cần bảo vệ, vừa là nhân tố chính gây mất an toàn giao thông. Để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cần phải quản lý được hành vi chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông một cách xuyên suốt và nhất quán, từ khâu đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và sau khi được cấp giấy phép lái xe... Vì vậy, hành vi của người tham gia giao thông là một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng cấu thành nội hàm khái niệm "bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Việc đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe quy định trong dự luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được xây dựng trên cơ sở tham chiếu Công ước Viên về Giao thông đường bộ năm 1968 và tham khảo luật của nhiều nước trên thế giới". |
Hương Lan
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 7 (số 37)