Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Thanh Hóa: Xét xử 19 bị cáo trong vụ “hỗn chiến sông Yên”

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Sau hơn một ngày xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã tuyên phạt các bị cáo trong vụ án “hỗn chiến trên sông Yên” khiến 3 người thiệt mạng.

(ĐSPL) - Sau hơn một ngày xét xử, Tòa án Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã tuyên phạt các bị cáo trong vụ án “hỗn chiến sông Yên” khiến 3 người thiệt mạng, 19 bị cáo trong vụ án đã phải chịu mức án thích đáng cho hành vi vi phạm của mình.

 

19 bị cáo tại phiên tòa xét xử sơ thẩm.

Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Thanh Hóa, do lợi ích kinh tế từ nguồn lợi thủy sản (ngao) các hộ 2 bên bờ sông Yên thuộc khu vực xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương và xã Hải Châu, huyện Tĩnh Gia đã tranh chấp nhau về địa giới để khai thác nguồn thủy sản tự nhiên.

Ngày 5/7/2013, các hộ dân cả hai bên đã xung đột, dùng đá và các loại hung khí khác mang theo để ném vào các bè của nhau trên sông Yên. Để chuẩn bị cho cuộc hỗn chiến, cả hai bên mang sẵn nhiều hung khí như dao, gậy, đá và đội cả mũ bảo hiểm.

Sáng ngày 7/7/2013, bên phía xã Quảng Nham đã có 25 đến 30 bè, mỗi bè có từ 2 đến 5 người, phía xã Hải Châu có 2 bè và 1 thuyền với khoảng 15 người đi ra vùng tranh chấp. Khi thuyền, bè của 2 bên tiến lại gần nhau thì các đối tượng đi trên bè, thuyền đã dùng gạch, đá, gậy và các hung khí mang theo để ném, đánh nhau tạo thành cuộc hỗn chiến trên sông gây mất trật tự trị an, an toàn xã hội, cản trở giao thông đường thủy. Hậu quả vụ hỗn chiến đã làm 3 người chết, 11 người bị thương.

Cụ thể vụ hỗn chiến, bên phía xã Quảng Nham gồm các đối tượng: Nguyễn Văn Đạt, Phạm Văn Tám, Đinh Văn Hà, Trần văn Quân, Hoàng văn Quang, Đinh Văn Dũng, Vũ Văn Trung, Đặng Văn Sinh, Vũ Văn Trường, Phạm Văn Dũng, Vũ Văn Thành, Trần Quốc Hùng, Lê Văn Mạnh, Đinh Bá Thịnh, Ngô Văn Sơn, Nguyễn Văn Tuyển và Phạm Văn Thành. Những đối tượng trên đã ném đá về phía thuyền và bè của xã Tĩnh Gia (hành vi cấu thành tội "Gây rối trật tự nơi công cộng" quy định tại điều 245 BLHS).

Sau đó, Nguyễn Văn Tuyển cầm dao nhảy sang bè của ông Tô Quốc Dũng và chém anh Tô Văn Mạnh tổn hại 15\% sức khỏe. Tuyển cùng với Phạm Văn Thành dùng dao chém anh Tô Văn Dầu tổn hại 13\% sức khỏe (trong đó vết thương do Tuyển gây ra tổn hại 11\% sức khỏe, Thành gây ra tổn hại 02\% sức khỏe).

Tiếp tục hành vi côn đồ, Tuyển cầm dao nhảy xuống sông chém anh Dương Văn Quân nhiều nhát vào đầu, mặt khi anh Quân đang bơi ở sông có độ sâu khoảng 8 - 10m, sau đó bỏ mặc anh Quân bị trôi trên sông với thương tích do Tuyển gây ra. Tuy nhiên, may mắn anh Dương văn Quân thoát chết nhờ được vợ chồng Dũng - Thủy dùng bè cứu vớt. Qua giám định anh Quân mất 30\% sức khỏe.

Côn đồ không kém Tuyển, sau khi chém anh Dầu, Phạm Văn Thành cũng cầm dao nhảy xuống sông chém chết ông Tô Quốc Dũng khi ông Dũng đang bám vào cọc ở sông. Sau khi phạm tội, Phạm Văn Thành đã tự giác đến cơ quan điều tra để đầu thú khai báo hành vi phạm tội của mình.

Trong giai đoạn xét xử, Phạm Văn Thành đã khai ra việc chém chết ông Dũng là do bị ép cung. Tuy nhiên, căn cứ vào hồ sơ trong suốt quá trình điều tra cho thấy, có đủ cơ sở khẳng định Thành đã dùng dao chém chết ông Tô Quốc Dũng. Việc cung cấp lời khai sai sự thật chỉ để nhằm mục đích che dấu hành vi phạm tội của Thành mà thôi. 

Hành vi của Nguyễn Văn Tuyển và Phạm Văn thành đã phạm tội Giết người và tội cố ý gây thương tích quy định ở Điều 93 và Điều 104 BLHS.

 

Người nhà bị cáo Phạm Văn Thành khóc lóc thảm thiết tại sân của tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa cho rằng bị cáo Thành bị tội oan.

Về phía xã Hải Châu, những đối tượng tham gia hỗn chiến gồm có Lê Văn Hòa, Tô Văn Thêm, Lê Văn Linh, Vũ Văn Thành và một số người khác. Những đối tượng này cũng chuẩn bị các loại hung khí đưa lên thuyền, bè và đi ra vùng tranh chấp, ném đá vào các bè của phía xã Quảng Nham. Sau cuộc hồn chiến của hai bên làm bị thương 11 người (của cả hai phía), làm hỗn loạn, ách tắc, cản trở việc ra vào cảng của các tàu thuyền khác khi đang lưu thông ra vào bến.

Ngoài ông Tô Quốc Dũng, trong vụ hỗn chiến còn có 2 đối tượng tham gia bị thiệt mạng là Lê Văn Hiệu, Lữ Kiên Cường. Tuy nhiên, quá trình điều tra chưa làm rõ được đối tượng gây nên cái chết cho Hiệu và Cường, hiện cơ quan CSĐT đang tiến hành điều tra, làm rõ và sẽ sớm đưa ra xử lý.

Một đối tượng tham gia hỗ chiến khác là Phạm Văn Dũng (Dũng Thủy) đã có hành vi hô la và ném đá về phía thuyền, bè xã hải Châu. Tuy nhiên, Dũng đã cứu vớt được 03 người là Quân, Dầu và Mạnh, bản thân Dũng là bệnh nhân mắc bệnh tâm thần đang điều trị, khai báo thành khẩn nên cơ quan CSĐT không khởi tố đối với Phạm Văn Dũng.

Đối với Đinh Bá Đông (tức Đinh Văn Đông) sinh ngày 27/9/1998 cũng có hành vi ném đá về phía thuyền, bè xã Hải Châu nhưng khi tham gia hỗn chiến, Đông chưa đủ 16 tuổi, nên cơ quan CSĐT cũng không khởi tố đối với Đông về hành vi này.

Đối với Đinh Văn Hà bị thương tích 0,1\%, trong quá trình điều tra Cơ quan điều tra chưa xác định được ai đã gây ra thương tích cho Hà và đang tiếp tục điều tra làm rõ. Ngoài ra còn có các đối tượng khác của cả hai phía tham gia vào việc gây rối trật tự trên sông Yên nhưng cơ quan CSĐT chưa xác định được hành vi cụ thể của các đối tượng đó nên chưa có căn cứ để khởi tố.

Mặt khác, trong quá trình điều tra, Lê văn Hòa đã có 02 tiền án nhưng chưa được xóa án và không khai báo thành khẩn về hành vi phạm tội của mình, nhưng với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án có cơ sở khẳng định bị can này có hành vi gây rối trật tự trên sông Yên.

Ngoài ra số tài sản theo báo cáo của bị hại bên phía Quảng Nam là 28.900.000 đồng nhưng trong quá trình điều tra không xác định được đối tượng nào cụ thể đã hủy hoại số tài sản trên nên không buộc được đối tượng tham gia phải chịu trách nhiệm.

Trong giai đoạn truy tố, Nguyễn Văn Tuyển, Phạm Văn Thành đã tác động cho gia đình để mỗi gia đình tự giác nộp 500.000 đồng để khắc phục hậu quả cho các gia đình nạn nhân. Ngô Văn Sơn, Đinh Văn Dũng tự giác nộp 2 triệu đồng để khắc phục hậu quả.

Tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án đặc biệt nghiêm trọng này, TAND tỉnh Thanh Hóa vẫn giữ quan điểm truy tố bị cáo Nguyễn Văn Tuyển (SN 1987) và Phạm Văn Thành (SN 1994) tội “Giết người”, “Cố ý gây thương tích”.

Tội “Gây rối trật tự công cộng” đối với Nguyễn Văn Đạt (SN 1986), Phạm Văn Tám (SN 1979), Đinh Văn Hà (SN 1982), Trần Văn Quân (SN 1985), Lê Văn Hòa (SN 1962), Lê Văn Linh (SN 1969), Hoàng Văn Quang (SN 1990), Đinh Văn Dũng (SN 1987), Trần Quốc Hùng (SN 1979), Vũ Văn Trung (SN 1989), Đặng Văn Sinh (SN 1987), Vũ Văn Trường (SN 1987), Lê Văn Mạnh (SN 1981), Ngô Văn Sơn (SN 1991), Đinh Bá Thịnh (SN 1982), Tô Văn Thêm (SN 1981), Vũ Văn Thành (SN 1990), tất cả đều ở huyện Quảng Xương và Tĩnh Gia.

Tại phiên tòa các bị cáo đã cúi đầu thừa nhận hành vi phạm tội của mình và đã bị tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa tuyên:

Nguyễn Văn Tuyển 13 năm tù giam, Phạm Văn Thành 18 năm tù về tội giết người; Lê Văn Hòa 2 năm tù. Đinh Văn Dũng 9 năm tù. Các bị cáo Đinh Bá Mạnh 9 năm tù; Lê Văn Linh hơn 9 tháng án treo; Phạm Văn Tám, Trần Văn Quân 5 tháng; Vũ Văn Thành 6 tháng tù giam; Vũ Văn Trung 5 tháng tù giam; Đặng Văn Sinh 6 tháng án treo; Nguyễn Văn Đạt 5 tháng, 7 ngày. Hoàng Văn Quang 5 tháng, 7 ngày. Phan Văn Tài 6 tháng, 14 ngày. Trần Quốc Hùng 9 tháng tù. Đinh Văn Hà 9 tháng tù. Vũ Văn Trường 6 tháng, 11 ngày. Đinh Văn Mạnh 9 năm tù. Ngô Văn Sơn 6 tháng án treo. Đồng thời buộc các bị cáo phải bồi hoàn cho gia đình bị hại theo quy định của pháp luật hiện hành.

Tin nổi bật