(ĐSPL) - Những chiếc xe tải được cơi nới thùng xe lên cao vượt quá quy định, chở quá tải trọng cho phép đang ngày đêm cày nát tuyến đường dân sinh ở xã miền núi huyện Như Xuân (Thanh Hóa). Nhiều người dân đã tỏ thái độ hết sức bức xúc vì sự việc này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt cũng như việc đi lại của họ, nhất là đối với các trẻ nhỏ.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại những tuyến đường dân sinh ở các xã miền núi của huyện Như Xuân như: Cát Vân, Cát Tân, Thanh Xuân... không khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc xe tải chở mía, chở sắn và chở gỗ quá khổ, quá tải ngang nhiên lưu thông trên đường.
Đây là những tuyến đường được xây dựng để phục vụ cho đồng bào miền núi phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Mặc dù rải nhựa chưa được bao lâu, nhưng dưới sức nặng của những chiếc xe tải được cơi nới thùng lên cao và chở quá tải trọng cho phép, những tuyến đường nhanh chóng bị cày nát trở nên nham nhở, gồ ghề với nhiều ổ voi, ổ gà xuất hiện. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống dân sinh, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân.
|
Hàng ngày, những chiếc xe chở quá trọng tải cho phép vẫn đang cày nát tuyến đường. |
Anh Lê Xuân Sơn, người dân xã Cát Vân bức xúc cho biết: “Nhà tôi ở ngay gần đường, ngày nào cũng chứng kiến cảnh hàng trăm lượt xe tải chở hàng hóa nào mía, sắn, gỗ, vật liệu xây dựng chạy qua rầm rầm. Xe nào cũng được cơi nới thùng lên rất cao để chở được càng nhiều hàng càng tốt mà không đếm xỉa đến quy định về tải trọng cho phép của xe. Con đường này mới được xây dựng, thế nhưng giờ đây đã xuống cấp nghiêm trọng, lồi lõm, gập ghềnh, nắng thì bụi mù mịt, mưa thì lầy lội. Tình trạng này, một mặt gây mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân, mặt khác gây nguy cơ tai nạn giao thông rất lớn cho người đi đường, nhất là trẻ con đến trường đi học. Chúng tôi rất lo ngại cho sức khỏe của trẻ nhỏ vì bụi bặm, tiếng ồn triền miên”.
|
Một tài xế đang sửa lại đoạn đường để xe tiếp tục đi.
|
Chị Lang Thị H., một chủ xe tải xin giấu tên chia sẻ: “Mặc dù biết quy định xe phải chở đúng trọng tải, không được cơi nới thùng xe. Tuy nhiên, nếu chở đúng trọng tải như trong quy định thì chúng tôi sẽ không có lãi. Thế nên, chúng tôi phải chở quá trọng tải cho phép thì mới có đồng ra đồng vào để lo cho cuộc sống. Ví dụ, xe chỉ được phép chở 8 tấn nhưng thực tế có thể chở lên tới 30 tấn”.
Ông Nguyễn Duy Thiệu, Chủ tịch UBND xã Cát Vân thừa nhận thực trạng xe quá tải hoành hành làm hư hỏng các tuyến đường là có thật. “Dạo gần đây là mùa thu hoạch mía, sắn rồi keo, xe tải hoạt động liên tục làm nhiều đoạn đường bị sụt lún và xuống cấp. Chúng tôi đang tìm cách tu sửa các tuyến đường hỏng và đồng thời sẽ có biện pháp ngăn chặn tình trạng xe quá khổ hoạt động trên địa bàn", ông Thiệu cho biết thêm.
|
Tuyến đường dân sinh đang ngày đêm bị cày nát, nhiều hố sâu, ổ voi, ổ gà xuất hiện gây nguy hiểm cho người đi lại.
|
Trước đó, ngày 15/12/2014, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Chỉ thị số 25/CT - UBND nhằm tăng cường ngăn chặn xe chở hàng hóa quá khổ, quá tải hoạt động trên địa bàn. Tuy nhiên, thực tế, tình trạng này vẫn chưa được xử lí triệt để.