Nhiều diện tích tại Công viên Hội An (phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa) từ lâu đã bị "xẻ thịt" thành những công trình phục vụ mục đích kinh doanh kiếm lời.
Công viên Hội An, trước đây có tên là Công viên Thanh Hóa được UBND tỉnh phê duyệt ngày 11/6/2002, với diện tích là 24 ha. Từng được kỳ vọng là điểm đến lý tưởng cho người dân giữa cuộc sống tấp nập, bộn bề. Đặc biệt hơn, Công viên Hội An biểu thị cho tình kết nghĩa giữa thành phố Thanh Hóa và thành phố Hội An. (ngày 12/2/1961 tại Thị xã Thanh Hóa đã tổ chức kết nghĩa giữa hai địa phương là thị xã Hội An và thị xã Thanh Hóa (Nay là Thành phố Hội An - Thành phố Thanh Hóa) - PV).
Tuy nhiên, tại Công viên mang nhiều sự kỳ vọng này đang diễn ra tình trạng "xẻ thịt" đất công để phục vụ cho mục đích kinh doanh kiếm lời như nhà hàng tiệc cưới, vườn ươm cây giống, quán cà phê, nơi bày bán cây cảnh, thậm chí nuôi gà, thả dê...
Một số hình ảnh tang hoang, "xẻ thịt" tại Công viên Hội An do PV Báo Đời sống và Pháp luật ghi lại.
|
Đây là điểm đến lý tưởng cho người dân giữa cuộc sống tấp nập, bộn bề. Đặc biệt hơn, Công viên Hội An biểu thị cho tình kết nghĩa giữa thành phố Thanh Hóa và thành phố Hội An “Tình sâu nghĩa nặng - Son sắt thủy chung”. Nhưng đến nay, có lẽ nó ít được quan tâm dúng cách và đúng nghĩa. |
|
Trung tâm tổ chức sự kiện DẠ LAN EVENT của Công ty Cổ phần Dạ Lan chiếm gần hết 1/4 diện tích của Công viên. |
|
Bao quanh Trung tâm hội nghị của Công ty Dạ Lan là quán cà phê rộng lớn kết hợp ăn sáng rất nhộn nhịp. |
|
Ngày lễ cũng như ngày thường, tại vị trí Trung tâm Hội nghị Dạ Lan đang hoạt động phía bên trong cổng ra vào trên đường Lê Hoàn của Công viên luôn chật cứng xe cộ, biến nơi đây thành bãi trông giữ xe. |
|
Hiện nay, nếu du khách muỗn đi lại trong khu vực Công viên phía đường Lê Hoàn, Trần Oanh sẽ không thể được bởi khu này được bao bọc bằng hàng rào tre nứa phía sau, tạo ra một biệt khu phục vụ cho hoạt động kinh doanh nhà hàng. |
|
Ngay bên phải cổng ra vào hướng Đông của Công viên một nhà lồng quy mô rộng gần 1ha phục vụ cho việc ươm cây giống được mọc lên mất mĩ quan, khiến nhiều người qua lại không khỏi bức xúc. |
|
Kể cả những cây lớn cho các biệt thự nhà vườn hay công ty cũng được ươm trồng trong Công viên này. |
|
Quán cà phê Newway coffee nằm chềnh ềnh ngay bên trái cửa lớn phía Đông kiêm luôn dịch vụ rửa xe. |
|
Nhiều người dân nơi đây thắc mắc; không biết từ khi nào một Trung tâm với tên gọi "Sinh vật cảnh thành phố" đã chiếm dụng 1 góc của Công viên bày bán đủ thứ các loại cây cảnh. Đặc biệt, khu vực này cũng tự ý lập hàng rào chắn đồng nghĩa việc người dân, du khách mất đi thêm một cổng ra vào. |
|
Bên cạnh việc xé nhỏ Công viên làm dịch vụ thì những diện tích ít ỏi còn lại cũng chưa được quan tâm cỏ mọc um tùm. |
Chị Lê Thị Tâm, phường Đông Hương, thành phố Thanh Hóa bức xúc: "Khi công viên được xây dựng, người dân chúng tôi đã rất hy vọng đây sẽ là một không gian, một khu vui chơi, giải trí lý tưởng. Thế nhưng, với những gì đang tồn tại tại công viên này, chúng tôi thật sự thất vọng...”.
Là một đô thị trung tâm lớn của tỉnh Thanh Hóa. Hiện tại, trong điều kiện còn rất thiếu những điểm vui chơi công cộng, Công viên Hội An được xây dựng và đi vào hoạt động, phải trở thành một trung tâm vui chơi, giải trí phục vụ nhu cầu của toàn xã hội. Vì thế, đã đến lúc lãnh đạo UBND tỉnh cũng như các cơ quan chức năng của tỉnh và thành phố Thanh Hóa cần kịp thời chấn chỉnh lại các loại hình hoạt động kinh doanh, dịch vụ gây bức xúc cho nhân dân đang diễn ra hàng ngày trong công viên.
Đời sống và Pháp luật tiếp tục thông tin sự việc này.
Nhóm PV