Pan Xiaoting, một ngôi sao mukbang 24 tuổi của Trung Quốc, đã bất ngờ qua đời hôm 14/7, trong lúc đang phát video trực tiếp. Cô bị nghi tử vong do ăn quá nhiều.
Trước đó, Pan Xiaoting thường xuyên tham gia các thử thách ăn uống cực đoan. Thậm chí, cô ăn liên tục hơn 10 giờ mỗi ngày trong suốt thời gian phát sóng trực tiếp. Cái chết đột ngột của cô khiến cộng đồng mukbang và khán giả bàng hoàng, đau xót.
Xiaoting trong buổi phát trực tiếp mukbang của mình. Ảnh: China News.
Pan trở thành người phát trực tiếp mukbang sau khi thấy một người bạn cùng lớp kiếm được số tiền lớn từ hoạt động này.
Ban đầu, cô gái ăn vài kikogam thực phẩm. Nhưng khi trở nên nổi tiếng, cô ăn nhiều lên, tới 10kg và hơn nữa. Cô bắt đầu phát trực tuyến hơn 10 giờ mỗi ngày và dần dần thu hút được một lượng lớn khán giả, cũng như nhận được nhiều quà tặng.
Bố mẹ Pan khuyên cô dừng phát trực tuyến. Họ cho rằng, số tiền Pan kiếm được không tương xứng so với những tổn thương sức khỏe phải gánh chịu. Tuy nhiên, cô bảo bố mẹ không cần lo lắng và khẳng định có thể tự xử lý được mọi rủi ro.
Cô từng phải nhập viện vì chảy máu dạ dày do ăn quá nhiều. Nhưng ngay sau khi xuất viện, cô lại tiếp tục ăn uống vô độ, bất chấp lời khuyên can của bố mẹ và những người hâm mộ.
“Mukbang” có nguồn gốc từ Hàn Quốc và được dịch một cách rộng rãi là "vừa ăn vừa ghi hình”, theo BBC. Người sáng tạo nội dung tạo ra ASMR - thể loại video nhằm tạo ra tiếng ồn và âm thanh gây ra phản ứng vật lý, kích thích người xem khi ăn. Xu hướng này bắt đầu từ khoảng 10 năm trước và đã trở nên phổ biến ở châu Á.
Nhiều người nổi tiếng nhờ các video Mukbang
Vào năm 2018, Trung Quốc đã cấm các nội dung "không phù hợp" trên trang web chia sẻ video Kuaishou, cũng như cấm một người dùng tên Hebei Pangzai, người thường xuyên chia sẻ video quay cảnh mình uống nhiều bia cho 400.000 người theo dõi.
Năm 2021, các nền tảng chia sẻ video trực tuyến buộc phải tăng cường giám sát, ngăn chặn, xóa các chương trình mukbang và streamer có nguy cơ bị phạt nặng nếu livestream ăn uống quá mức.
Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc - cơ quan chuyên trách phòng chống tham nhũng của nước này - cho biết: "Các hành vi như 'video uống quá nhiều' không chỉ gây tổn hại đến sức khỏe của người biểu diễn và làm lãng phí thức ăn, cũng như thúc đẩy tâm lý xấu xí và gây tổn hại hệ sinh thái lành mạnh của nền công nghiệp".